“Đường lưỡi bò” của Trung Quốc hiện giờ ra sao?

16:46 | 18/07/2016

5,528 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước khi chưa có phán quyết của Tòa trọng tài về cái gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ ra ở Biển Đông, tàu thuyền các nước mỗi khi đi qua vùng biển này đều phải khai báo với chính quyền Bắc Kinh. Từ nay, tàu thuyền và thậm chí là các chiến hạm có thể tự do di chuyển tại vùng biển này theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), không cần phải thông báo cho Trung Quốc.
tin nhap 20160718164330
Tàu chiến INS Airawat của Ấn Độ đã bị tàu hải quân Trung Quốc quấy nhiễu khi đi vào “đường lưỡi bò” của Trung Quốc năm 2011

Ngày 12/7, Tòa trọng tài ra phán quyết rằng yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông là vô giá trị. Điều này có nghĩa là những đòi hỏi của Bắc Kinh với vùng biển mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền là không có cơ sở pháp lý nào.

Trang mạng Indiaexpress.com của Ấn Độ ngày 13/7 vui mừng nhận định, các chiến hạm Ấn Độ từ nay có thể tự do di chuyển tại vùng biển này theo UNCLOS, không cần phải thông báo cho Bắc Kinh. Hồi tháng 7/2011, tàu chiến INS Airawat của Ấn Độ đã bị tàu hải quân Trung Quốc quấy nhiễu vì cho rằng tàu Ấn đã đi vào vùng biển Trung Quốc.

Phán quyết của PCA là cơ hội cho New Delhi để khẳng định vị thế với các nước bạn bè trong khu vực, như một cường quốc biển, phù hợp với thông báo chung Mỹ-Ấn năm 2014 về tự do hàng hải và hàng không. Thái độ phản đối của Bắc Kinh cũng tương phản với việc New Delhi chấp nhận phán quyết của PCA tháng 7/2014 trong vụ kiện ranh giới trên biển với Bangladesh, tuyên đến gần 4/5 diện tích biển tranh chấp thuộc về Bangladesh chứ không phải Ấn Độ.

Chưa hết, phán quyết của PCA về vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông có thể tác động đến tranh chấp lãnh thổ Trung - Ấn tại Arunachal Pradesh.

Arunachal Pradesh là một trong 28 bang của Ấn Độ. Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết lãnh thổ bang này và gọi đây là Nam Tây Tạng, dẫn đến mâu thuẫn trong quan hệ 2 nước.

Chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc Claude Arpi nhận định: “Lần đầu tiên, một tòa án quốc tế đã bác bỏ một trong những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Đây có thể là điều quan trọng với Ấn Độ”.

Ông Srikanth Kondapalli, giáo sư bộ môn Trung Quốc Học tại Trường ĐH Jawaharlal Nehru ở thủ đô Delhi - Ấn Độ, nói: “Các quyền lịch sử của Trung Quốc không có hiệu lực ở bang Arunachal. Ấn Độ chưa bao giờ đưa ra những lập luận lịch sử đối với Tây Tạng”.

Theo ông Kondapalli, kết quả vụ kiện, theo đó "đường lưỡi bò" của Trung Quốc ở Biển Đông bị phán quyết là không có cơ sở pháp lý, có thể giúp Ấn Độ bẻ gãy luận điệu của Bắc Kinh khi đòi chủ quyền tại Arunachal Pradesh.

Giới phân tích nhận định, hệ thống công pháp quốc tế lập ra để giải tỏa mâu thuẫn và tránh xung đột giữa các nước.

Một định chế quan trọng nhất của hệ thống này (PCA) vừa ra phán quyết hoàn toàn bất lợi cho Trung Quốc, có lợi cho Philippines và nhiều nước khác.

Bắc Kinh có thể phủ nhận tất cả nhưng sự thật là đã bị thất thế về ngoại giao. Các quốc gia khác nên khai thác lợi thế này.

Nh.Thạch

AP, AFP, Reuters