GS.TSKH Lê Huy Bá:

Đừng ngủ quên trên 'vựa lúa miền Nam'!

07:00 | 18/03/2016

826 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hãy thức tỉnh chứ đừng mãi mơ mộng về “vựa lúa miền Nam” nữa! Đó là những lời tha thiết của GS.TSKH Lê Huy Bá trước tình hình biến đổi khí hậu, hay cụ thể hơn là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài đã và đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi được gọi là “vựa lúa miền Nam”. Điều đáng quan ngại là tình trạng này sẽ còn tái diễn trong các năm tiếp theo với cường độ ngày càng nặng hơn!

Phải “chung sống” với biến đổi khí hậu!

PV: Tình trạng xâm nhập mặn đang gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến vùng trồng lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nặng nhất trong vòng khoảng 100 năm qua. Vậy nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là gì, thưa GS?

GS.TS KH Lê Huy Bá: Đầu tiên, đó là do hiện tượng El nino kéo dài từ năm 2015 cho đến nay và hiện tại là đang ở giai đoạn cao điểm của El nino 2015-2016. El nino gây nắng nóng kéo dài dẫn đến hạn hán trên diện rộng, không riêng gì ĐBSCL mà nặng nhất chính là Tây Nguyên.

Có một điều đáng nói là nếu như trước đây, theo quy luật thông thường thì 12-13 năm mới có hiện tượng El nino một lần nhưng bây giờ cứ 2- 3 năm là có hiện tượng này. Chính biến đổi khí hậu đã tác động làm El nino xuất hiện liên tiếp, kéo dài như vậy.

Và tất nhiên là sau hiện tượng El nino là đến El nina: mưa nhiều và ngập lụt.

dung ngu quen tren vua lua mien nam
GS.TSKH Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường (ĐH Công nghiệp TP HCM)

Có một nguyên nhân khác kết hợp với hiện tượng thời tiết El nino kéo dài đó chính là sự khô kiệt dòng nước trên sông Mê Kông. Mà nguyên nhân của sự khô kiệt này là do hàng loạt các công trình thủy điện ở thượng nguồn thuộc các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia đã ngăn chặn dòng nước ngọt đổ về hạ lưu Mê Kông để đẩy nước mặn ra biển. Vì thế mà xâm nhập mặn càng trở nên nghiêm trọng.

PV: GS đánh giá thế nào về tác hại của đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng này đối với vùng ĐBSCL?

GS.TSKH Lê Huy Bá: Hậu quả của nó thì chúng ta đã biết rồi, đó là hàng chục nghìn hécta vụ lúc Đông Xuân bị ảnh hưởng, thiếu nước ngọt tưới tiêu, sinh hoạt…

Theo tính toán, nếu El nino kéo dài đến tháng 4 thì mặn có thể xâm nhập lên đến huyện Mộc Hóa, Trà Cú (tỉnh Đồng Tháp) theo đường sông Vàm Cỏ, sông Tiền, sông Hậu… Và đặc biệt là khi mặn xâm nhập vào vùng “đồng chó ngáp” (những cánh đồng rộng lớn ở huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) - là một vùng đất trũng thì sẽ bị giữ lại ở đó chứ không được rửa đi.

Nguy hiểm hơn bởi “đồng chó ngáp” là một vùng đất nhiều phèn, khi gặp nắng nóng phèn sẽ bốc lên, dầy lên trên lớp đất mặt. Cho nên người dân trong vùng sẽ bị tác động nặng nề của cả sự xâm nhập mặn và phèn ở giai đoạn này.

dung ngu quen tren vua lua mien nam
Đồng lúa cháy khô vì hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài

PV: Thưa GS, dự báo về El nino đã được phát đi nhưng phải chăng chúng ta đã quá chủ quan nên không có những biện pháp ứng phó kịp thời với tình trạng xâm nhập mặn và kết quả là bị ảnh hưởng nghiệm trọng đến như vậy?

GS.TSKH Lê Huy Bá: Chúng ta đã có kịch bản về biến đổi khí hậu rồi, nhưng dự báo về tình trạng xâm nhập mặn cho năm nay thì chưa đầy đủ nên người dân chưa có những thích ứng kịp thời. Và thực tế thì người dân chưa có khả năng chung sống với biến đổi khí hậu được. Mọi giải pháp hiện tại cũng chỉ mang tính tức thời mà thôi!

PV: Những giải pháp cho vùng ĐBSCL trước vấn đề xâm nhập mặn nghiêm trọng như hiện nay là gì, thưa GS?

GS.TSKH Lê Huy Bá: Có những giải pháp chỉ mang tính cục bộ chứ không toàn bộ, giải pháp điển hình là đắp đê bao mặn. Nhưng giải pháp đê bao này có hai mặt. Mặt lợi là giúp bao vĩ được mặn, không cho mặn (hay ngập) vào đồng lúa nhưng đồng thời nó cũng ngăn phù sa vào ruộng. Mà mỗi năm ĐBSCL có hàng triệu tấn phù sa, giá trị dinh dưỡng của nó cao hơn gấp nhiều lần so với phân bón chất lượng.

Khi mặn xâm nhập vào, nông dân nhiều nơi tiến hành cày xới lên. Nếu làm không khéo thì đất sẽ dẫn đến hiện tượng sodic hóa - tức là hiện tượng kết cấu đất bị phá vỡ. Đất bị sodic hóa thì không nuôi trồng bất cứ gì trên đó được cả!

Nước mình cũng chưa có cửa cống đóng mở một chiều ở cửa sông để ngăn chặn nước mặn xâm nhập. Mình chưa làm được vì quá tốn kém, ở miền Tây Nam Bộ lại có quá nhiều cửa sông, kênh rạch chằng chịt. Nếu chặn hết thì quá tốn kém. Ngày xưa có dự án làm cửa cống này trên sông Vàm Cỏ nhưng thất bại vì thuyền bè không đi lại được, cá cũng không thể đi ngược dòng để sinh sản, vùng nhiễm phèn thì không rửa được…

Kế đến, nền đất ĐBSCL là đất phù sa mới, nền đất không vững nên xây dựng công trình thì rất dễ bị sụt lún. Cho nên vấn đề xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL là bài toán rất khó khăn, nhất là về kinh tế.

Tóm lại, chúng ta không còn cách nào khác hơn là chung sống với biến đổi khí hậu, hay cụ thể ở trường hợp vùng ĐBSCL là nạn hạn hán kéo dài và xâm nhập mặn.

Cạn kiệt nguồn nước  vì thủy điện

PV: Theo thống kê thì miền Trung và Tây Nguyên có khoảng 300 công trình thủy điện lớn nhỏ. Đối với một nước đang phát triển, tận dụng thủy điện là hợp lý, xong nếu không kiểm soát thì thủy điện cũng cực kỳ nguy hiểm đến môi sinh, cụ thể là hạn hán vào mùa khô và ngập lụt vào mùa mưa. Xin GS chia sẻ thêm về điều này?

GS.TS KH Lê Huy Bá: Theo tính toán thì để tăng 7-8% GDP thì phải tăng cường 17-18% về điện. Nói như thế để thấy rằng, thủy điện có những đóng góp tích cực cho phát triển xã hội. Đó còn là nguồn năng lượng sạch, rẻ tiền. Phát triển thủy điện liên hồi là tốt, nhưng nếu không kiểm soát được thì nguy hiểm vô cùng.

Ví dụ đơn giản, nếu như nông dân cần xả nước để tưới tiêu sinh hoạt mà thủy điện không xả thì sao?! Hay giữa các công trình thủy điện với nhau cũng vậy, anh A bảo xả nước nhưng anh B bảo chưa xả được thì cũng chịu. Cho nên vấn đề của thủy điện liên hồi là đang thiếu anh “nhạc trưởng” điều phối.

dung ngu quen tren vua lua mien nam
Thủy điện thượng nguồn Mê Kông là tác nhân của hạn hán, xâm nhập mặn (Ảnh minh họa) 

Có vấn đề cần báo động là nhà nhà làm thủy điện, người người làm thủy điện, chạy theo lợi nhuận, mấy đại gia ở vùng Tây Nguyên càng giàu nhanh chóng nhờ vào thủy điện. Họ bỏ tiền ra làm một vài năm và chỉ cần ngồi đó thu lợi. Họ không hiểu hoặc cố tình không hiểu được rằng, thủy điện của họ đã góp phần phá hoại tài nguyên môi trường như thế nào.

Nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã ngừng thủy điện mấy chục năm nay, bởi bên cạnh lợi ích thì tác hại quá lớn của nó cũng đã quá rõ ràng. Nó hủy hoại cả một vùng sinh thái phía trên và dưới công trình. Để vận hành một công trình thủy điện thì phải phá ít nhất vài trăm hécta rừng. Thủy điện gây ra tình trạng phía trên thì ngập do phải tích nước để phát điện còn phía dưới thì khô.

Biến đổi khí hậu gây nên những dị thường trong mưa lũ và những đập thủy điện không an toàn sẽ góp phần gây ra những trận ngập lụt, lũ ác cho vùng hạ lưu. Đặc biệt phá rừng trong thủy điện gây ảnh hưởng lớn đến biến đổi khí hậu vì phá rừng làm mất đi nguồn tiêu thụ khí CO2, một khí gây hiệu ứng nhà kính.

Ngoài ra, mất rừng là mất nguồn nước, bởi có rừng mới giữ được nước dưới lòng đất. Kế đến, mất rừng làm tăng dòng chảy bề mặt nên gây ra lũ dữ, lũ quét. Thực tế là bây giờ lũ quét càng tăng về số lượng, cường độ theo mỗi năm.

Hiện tại, nước ta chưa thể thay thế hoàn toàn thủy điện được, tuy nhiên biết cách sử dụng thủy điện trong một mức độ chấp nhận được thì cũng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

PV: Riêng đối với vùng ĐBSCL thì thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng khi mà các nước thượng nguồn như Trung Quốc, Lào, Campuchia đang phát triển thủy điện trên dòng sông này. Nhất là Lào với công trình đại Thủy điện Sayaburi. Chúng ta có những giải pháp nào ứng phó trước tình trạng này không, thưa GS?

GS.TS KH Lê Huy Bá: Phải nói rằng các công trình xây dựng ngay trên dòng chính của Mê Kông đã ngăn hầu như trọn vẹn dòng nước ở thượng nguồn và cả phù sa chảy xuống hạ lưu. Nên dòng nước chảy xuống vùng ĐBSCL giờ đây còn rất ít và chỉ có nước trong thôi; phù sa đã lắng lại hết trên các công trình hồ thủy điện, giao thông thủy lên phía thượng nguồn bị tắt, dòng di cư thủy sản cũng nghẽn lại tại các công trình thủy điện…

Thủy điện thượng nguồn sông Mê Kông đang làm mùa khô kiệt ở ĐBSCL thì quá sức kiệt còn mùa lũ thì quá sức lũ. Lý do là mùa khô thì các thủy điện phải tích nước, đến mùa mưa thì đồng loạt xả nước. Nói chung là nguồn nước ở ĐBSCL đang có sự dao động rất lớn giữa mùa khô và mùa lũ, chứ dòng nước không điều hòa như ngày trước nữa.

PV: Vai trò của Ủy ban sông Mê Kông trong vấn đề thỏa thuận về thủy điện giữa Việt Nam và các nước thượng nguồn Mê Kông như thế nào, thưa GS?

GS.TS KH Lê Huy Bá: Tôi có cảm giác là Ủy ban sông Mê Kông chỉ có hình thức mà thôi, điều đáng nói là Trung Quốc lại không tham gia vào ủy ban này. Nhưng các nước khác dẫu có nằm trong Ủy ban sông Mê Kông thì hầu như ai nấy cũng đều tự quyết định vì lợi ích kinh tế của riêng mình. Thật ra, đó cũng là điều dễ hiểu, hữu nghị với láng giềng và lợi ích kinh tế của bản thân thường khó song hành cùng nhau. Lào đã từng dừng làm thủy điện một thời gian nhưng giờ vẫn tiếp tục triển khai đấy thôi.

Nói như vậy để thấy, vùng hạ lưu của dòng Mê Kông trong tương lai sẽ bị tác động mạnh mẽ nhất của thủy điện ở thượng nguồn; và chúng ta không có cách nào khác là phải thích nghi, chung sống với điều đó.

Cụ thể thì bây giờ làm nông nghiệp ở ĐBSCL thì phải tính đến chuyện giống chịu mặn, chịu phèn. Bên cạnh đó là phải tích cực nuôi trồng thủy sản thích hợp. Hiện tại ĐBSCL đã có bản đồ phân vùng nuôi trồng thủy sản. Theo đó, trên từng điều kiện sinh thái của khu vực sẽ có giống nuôi trồng phù hợp nhất.

PV: Nhưng có ý kiến cho rằng, việc nhiều người dân đào ao rồi bơm nước mặn vào để nuôi tôm chính là nguyên nhân gây ra tình trạng xâm nhập mặn nguy hiểm như hiện nay?

GS.TS KH Lê Huy Bá: Đó thật sự là một vấn đề nghiêm trọng nếu không có những giải pháp phù hợp. Nuôi tôm lời hơn nhưng chỉ vì vài người trúng vụ tôm mà cả một vùng trồng lúa người khác bị chết thì nguy quá. Việc nuôi tôm này đã phản lại chuyện ngọt hóa của ĐBSCL. Trước mắt cơ quan chức năng phải có những biện pháp để ngăn chặn và xử lý các trường hợp này. Chúng ta chung sống với hạn hán như vậy là không phải; vấn đề là phải tìm cách nào đó mà mỗi người đều có lợi chứ không thể hy sinh lợi ích chung vì một nhóm người nào đó.

Vài năm nay, mùa mưa ở ĐBSCL rất ít, chỉ bằng 1/2 so với trước đây. Mực nước cũng tụt giảm nghiêm trọng, với đà này thì tình trạng hạn hán ở vùng ĐBSCL sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Thiên thời, địa lợi… đều mất!

PV: Thưa GS, rõ ràng là tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn trong vài năm qua không chỉ là đe dọa mà là đã ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến sản xuất lúa tại vùng ĐBSCL - “vựa lúa miền Nam”. Phải chăng đã đến lúc chúng ta phải thức tỉnh trong cơn mơ làm giàu nhờ xuất khẩu lúa gạo chăng?

GS.TS KH Lê Huy Bá: Tôi nhất trí với quan điểm này, chúng ta không nên nói mãi về “vựa lúa ĐBSCL” hay xuất khẩu lúa gạo nữa mà đã đến lúc nói đến chuyện công nghiệp, thủ công nghiệp… Ở các nước phát triển, không nước nào đi lên theo hướng nông nghiệp cả. Nhưng nói thế không có nghĩa là xóa nông nghiệp, ĐBSCL vẫn phải trồng lúa để đáp ứng an ninh lương thực. Tuy nhiên, diện tích trồng lúa nên thu hẹp lại dần, chỉ trồng trên những cánh đồng thuộc dạng bờ xôi ruộng mật, tức những vùng đất trù phú có khả năng cho năng suất cao nhất mà thôi.

Theo đó, những vùng chịu tác động hoặc có nguy cơ bị tác động do biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn thì không trồng lúa nữa mà chuyển sang trồng cây khác, thậm chí làm đồng cỏ nuôi bò, trồng cây thuốc… Nói chung là những giống không đòi hỏi sử dụng quá nhiều nước ngọt. Vì theo tính toán, cứ 1 ha lúa thì cần đến mấy triệu mét khối nước ngọt. Bên cạnh đó là tăng cường nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn - đó là một hướng phải tiến hành ngay.

Tóm lại, tôi khuyên mọi người phải thức tỉnh chứ đừng ngủ quên trên “vựa lúa”. Chúng ta duy trì một diện tích trồng lúa vừa đủ để đảm bảo an ninh lương thực chứ không phải để phát triển kinh tế, đất nước và xuất khẩu thu lợi nhuận qua con đường nông nghiệp trồng lúa. Nước ta không thể đi theo con đường đó nữa, bởi bây giờ trồng lúa khó quá, thiên thời, địa lợi đã dần dần không còn nữa rồi!

PV: Trong thời gian qua, vấn đề biến đổi khí hậu như sôi sục lên trên bàn đàm phán kinh tế - chính trị hay tại các hội nghị, hội thảo quốc tế, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Có vẻ như tác động của biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng, thưa GS?

GS.TS KH Lê Huy Bá: Theo nghiên cứu thì Việt Nam sẽ là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu làm trái đất nóng lên, băng hai cực tan ra và kéo theo nước biển dâng. Tốc độ dâng đang nhanh, ở Vũng Tàu chúng tôi đo được là đã tăng lên vài cm. Theo kịch bản biến đổi khí hậu ở mức trung bình thôi thì 30-40% vùng Tây Nam Bộ nước ta sẽ bị ngập trong vài chục năm tới. Nếu chúng ta chủ quan thì sẽ ảnh hưởng nặng nề!

Trong khi đó thì ngược lại, miền Đông sẽ khá khô hạn, nhất là Tây Nguyên sẽ bị khô hạn khốc liệt. Không nói đâu xa, ở Tây Nguyên bây giờ người ta phải khoan đến vài chục mét mới có nước ngầm, trong khi ngày trước chỉ cần khoan xuống vài mét là có nước. Như vậy khô hạn đã làm mạch nước ngầm tụt rất sâu xuống rồi.

Hơn nữa, trong vài năm gần đây chúng ta cũng đã bắt đầu quen dần với các kiểu thời tiết dị thường, độc hại; đó là mưa đá, tuyết rơi, rét đậm rét hại, siêu bão, hạn hán kéo dài… Đó là thảm kịch của biến đổi khí hậu gây ra.

Các hội nghị, hội thảo về biến đổi khí hậu ở nước ta đã diễn ra nhiều nhưng từ hội nghị mà ra thực tiễn thì rất khó. Ngồi nói với nhau thì ai cũng thấy được, nói được nhưng để bắt tay vào làm thực tế thì khó lắm, bởi nó đụng đến rất nhiều vấn đề từ chính sách, kinh phí, kỹ thuật…

PV: Cảm ơn GS đã chia sẻ

GS.TS KH Lê Huy Bá: Hiểu biết sai lầm về biến đổi khí hậu!

Thú thật tôi khá buồn khi mà nhiều người, kể cả một số người hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn cũng không hiểu rõ về vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay.

Biến đổi khí hậu là biểu hiện thay đổi rất mạnh mẽ về các yếu tố cấu thành khí hậu như: nhiệt độ, mưa, gió, bão, độ ẩm… và thời tiết. Biến đổi thời tiết là một trong những biểu hiện của biến đổi khí hậu, là giai đoạn đầu của biến đổi khí hậu chứ không phải là biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu tất yếu sẽ tạo ra những biến đổi thời tiết bất thường, dị thường; còn biến đổi thời tiết nhiều, liên tục nhiễu loạn có thể sẽ dẫn đến biến đổi khí hậu.

Những hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ dữ, siêu bão, hạn hán kéo dài, siêu lốc xoáy… là những thảm kịch của biến đổi khí hậu gây ra. Song, đó chỉ mới là những nốt nhạc dạo đầu của biến đổi khí hậu mà thôi chứ chưa phải là toàn bộ bản chất của biến đổi khí hậu. Tôi xin cảnh báo cho mọi người biết là nó chưa dừng lại ở đó, nó còn thay đổi nhiều nữa, mạnh nữa!

Ví dụ như trước đây bão chỉ đến cấp 12, nhưng giờ có đến cấp 18, 19 và sau này là lên đến 20, 21... Tức cường độ của bão sẽ tăng lên rất nhanh. Kế đến là lốc xoáy, lúc trước có thể xoáy nhỏ thôi, cùng lắm là nhấc bổng một người lên mấy mét nhưng sau này có thể nhấc cả ôtô, đoàn tàu mà quăng đi xa mấy trăm mét.

Nhiệt độ cũng vậy, không có nóng, lạnh theo thời tiết bình thường mà có nhiều dị thường. Có thể nhiệt độ trung bình vẫn chưa có thay đổi gì đáng kể nhưng nhiệt độ tối thấp và tối cao đã biến đổi rất mạnh. Khi con người không chịu được sự biến đổi đó thì rất dễ bị hủy hoại.

Hiện tượng nước biển dâng cũng là một biểu hiện của biến đổi khí hậu. Nước biển dâng ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương đã khá rõ rồi nhưng ở Việt Nam thì vẫn chưa rõ lắm nên tôi thấy người ta vẫn chưa có nhiều lo lắng. Và nước biển dâng sẽ tác động đến độ ngập của từng vùng. Nước ta có nhiều tỉnh ven biển, nếu bây giờ không lo ứng phó với nước biển dâng mà đợi “nước tới chân”, tôi e không kịp nhảy nữa!

Lê Trúc

Năng lượng Mới số 506

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc