Đức tin và kim tiền

07:00 | 10/05/2013

870 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đức tin và kim tiền là chủ đề đàm luận kỳ này nhân chuyện thiên hạ sau các thú chơi nhà, chơi xe, chơi thú lạ và nhiều thứ chơi quái gở khác, bây giờ đã có mốt mới, mốt “chơi” chùa của một số đại gia.

Thọ Vinh (NLM số 219)

Đã ló dạng đây đó những ngôi chùa “tư nhân hóa” với mục tiêu kinh doanh rõ rệt biến thành doanh nghiệp chuyên buôn thần bán thánh mà xem ra sự tấp nập không đến nỗi nào.

Các thiện nam tín nữ lên chùa lễ Phật, ai cũng ngạc nhiên khi thấy bức ảnh cỡ đại một gia đình giàu có sang trọng treo chình ình giữa chốn tôn nghiêm. Thì ra đây là ảnh một gia đình hằng tâm hằng sản cung tiến nhiều tiền của để tu tạo chùa. Đây chính là điều mà một số nhà báo gọi là “biến dạng công đức”. Điều đau lòng là có cả những ngôi chùa cổ vài trăm năm tuổi bỗng nhiên mang tên mới chứ không phải tên làng xã quê cảnh thuở xưa. Sau khi thêm tượng mới họ tô tô chét chét, môi son má phấn, bày cả sư tử châu Phi bằng đá đã mang tên người bỏ tiền tu tạo là ông X, ông Y. Bảng đồng ghi tên gắn ở cổng, ảnh cỡ lớn treo nơi chính điện, rồi tượng song thân, bản thân đặt ngang hàng... với tượng Phật. Tất cả nhằm minh chứng cho thú chơi của các đại gia trong việc trùng tu, phục dựng và xây mới đền chùa hẳn sự ghi nhận đơn sơ thường thấy ở các công trình từ thiện, nhân đạo.

Các chuyên gia văn hóa tâm linh cho rằng mốt “chơi” chùa rồi đây sẽ thành phong trào gây khó khăn cho các cơ quan quản lý không biết sẽ phải xử lý ra sao. Cấm ư? Khó đấy! Không cấm thì chùa chiền sẽ mọc như nấm sau mưa dễ xâm hại các di tích thật và xâm hại cả thuần phong mỹ tục. Ai dám đảm bảo rằng sẽ không có chùa tư, chùa nhà mọc lên ở cả những nơi nhếch nhác, xóm liều, khu ổ chuột, khu đèn mờ, khu ăn chơi sa đọa?

Ảnh gia đình đại gia ở chùa Cà Hom, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh  

Nay mai khi du khách nước ngoài có dịp thăm chùa theo tour du lịch sắp xếp sẵn sẽ xem lễ, mua hàng, dùng cơm chay và chắc sẽ ngạc nhiên vì sự đa tôn giáo biến dạng ở xứ ta. Có đánh đố họ cũng không sao hiểu nổi đây là thứ tín ngưỡng gì?

Các vị chân tu trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, đây là chuyện chưa từng xảy ra trong giáo luật chứ không chỉ riêng Việt Nam. Sử sách ghi rằng, xưa kia khi cho xây chùa, tạc tượng, đúc chuông đến nhà vua cũng không ghi tên, treo bài vị hoàng tộc mà chỉ thể hiện trên sắc chỉ ban ra về việc tâm linh này. Các Phật tử từng hành hương sang đất Phật cũng kể rằng, ở trong chùa thì đến ảnh Tổng thống cũng không treo đừng nói việc treo ảnh gia đình. Có dịp sang Lào, Campuchia, Thái Lan, nơi đạo Phật là quốc giáo cũng không hề thấy việc “tư nhân hóa” các chùa. Hầu như đời vua nào cũng đóng góp công quả dựng chùa nhưng không ai dám đặt tượng mình trong chùa. Ngay tại chùa Vàng chùa Bạc ở Campuchia, người ta cũng chỉ đặt tượng nhà vua Norodom  (1834-1904) ngoài khuôn viên chùa.

Ở nơi nọ có tin đại gia đang tìm cách chuyển nhượng một khu đất chùa nhưng vì giá quá cao nên chưa thành. Ở chỗ kia cũng có dự án xây chùa mới trên vị trí của ngôi chùa cũ nhỏ bé rêu phong. Công việc chuẩn bị um xùm lắm, thu hút dư luận cư dân vùng quê với mấy chục phần trăm hộ cận nghèo đang chưa có đường, trường trạm, trại.

Các cụ xưa có câu “có tiền mua tiên cũng được” vận vào cảnh nhộn nhạo chùa tư, chùa đại gia hiện nay, có thể đọc thành “có tiền mua chùa cũng được”.

Người dân đặt câu hỏi chính quyền đâu rồi, cán bộ văn hóa, mặt trận, cơ quan dân vận tôn giáo các cấp đâu rồi mà để chùa chiền như thế?

Trong câu chuyện của các thiện nam tín nữ người ta vẫn rỉ tai nhau rằng ông A, ông B đội bát nhang ở chùa này, đền kia; bà C đỡ đầu ni sư chùa nọ, bà D có phủ ở nhà riêng, bà C công đức cho chùa cái xe Toyota… Điều này cho thấy mê tín dị đoan đang bám rễ trổ mầm trong đời sống tâm linh của các tầng lớp, ngành nghề, địa vị cư dân trong xã hội. Người bị mang tiếng mê tín không chỉ là những người bị coi là dân trí thấp mà cả trí thức, cán bộ đảng viên công chức và quan chức chạy theo xu hướng trần tục hóa, vật chất hóa tín ngưỡng. Làm gì có người nghèo đi vay đi trả ở đền Bà Chúa Kho mà lễ vật đến cả trăm triệu? Mê tín và kiêng cữ khiến nhiều hoạt động của cơ quan như khai trương, khánh thành, họp mặt, thậm chí cả đại hội chi bộ, công đoàn, chi đoàn cho hội cũng phải chọn ngày lành tháng tốt. Cán bộ đi công tác trong nước và nước ngoài nhất nhất kiêng đi vào ngày sát chủ và chọn lọc kỹ càng ngày nọ ngày kia theo lịch vạn sự. Trước khi khởi hành có khóa lễ cầu an.

Bên cạnh việc trần tục hóa, lại có xu hướng thần bí hóa ở cả những di tích linh thiêng bậc nhất. Mới đây tại Đền Thượng trong khu Di tích Đền Hùng bỗng nhiên xuất hiện một hòn đá lạ được dư luận quan tâm. Đây là hòn đá do một người buôn đá quý cung tiến. Quan sát kỹ, người ta thấy hòn đá là đạo bùa Bách Giải Tiêu Tai Phù thường dùng trừ tà tại tư gia, pha trộn giữa Phật giáo Mật tông, Đạo giáo, phù thủy, trận đồ bát quái như của Khổng Minh.

Các chuyên gia cho rằng hiện vật này không thích hợp khi rước vào Đền Thượng, không hiểu tại sao lại được trưng bày ở một nơi thờ Quốc tổ linh thiêng như Đền Hùng. Theo các nhà phong thủy, hòn đá được viết vẽ pha tạp này không thể mang lại cát khí cho dân cư. Ai đó cho rằng, từ khi đặt hòn đá ở Đền Hùng, mọi công việc ở Phú Thọ diễn ra rất tốt đẹp, suôn sẻ chắc là sản phẩm của trí tưởng tượng. Nên nhớ, theo Luật Di sản, đây là hành vi vi phạm. Việc tùy tiện trưng bày một hiện vật không có hồ sơ kiểm định là trách nhiệm của Ban Quản lý khu Di tích Đền Hùng.

Vụ hòn đá lạ thêm một minh chứng về mê tín được “quốc gia hóa” nhưng suy cho cùng cũng là một dạng thờ cúng lễ sống rắn lạ, cá thần… Mê tín gia tăng, nhưng lòng tin lại có xu hướng suy giảm đến kiệt quệ.

Đến chốn linh thiêng không cầu bình an may mắn mà lao vào tranh giành, cướp ấn, đoạt lộc để hy vọng được phù hộ để thăng quan tiến chức, tiền của đầy nhà. Trong cái biển hỗn độn với cái tâm bất an không thể có cơ may để Phật, Thánh ngự được vào. Ai đó nói rất đúng rằng cảm giác quyền lực và kim tiền đang chiếm lĩnh không gian tâm linh. Những kẻ kiếm tiền dễ dàng đã phung phí vào việc xây chùa, dựng tượng, đúc chuông nhằm cầu có thêm nhiều tiền, lắm của kiếp này mà còn cho cả kiếp sau.

Nếu như các vị chức sắc trong Giáo hội Phật giáo, nếu như các nhà sư trụ trì, đồng tâm hiệp lực giữ quy tắc nghiêm cẩn, chắc chắn không thể “tư nhân hóa”, đại gia hóa dù một am thờ nhỏ bị quên lãng. Vạn lần xin lỗi nhà chùa một khi đã đi xe Lead… tất sẽ khó giữ vững nếp chùa. Xin được nói thẳng ra rằng bản thân một số vị trụ trì cũng có khuynh hướng thích hoành tráng, ham đua chen xây chùa thật sang trọng, quy mô.

Xem ra các đại gia đã lobby tất tần tật cả trong và ngoài chùa để tiến hành “âm mưu thôn tính tâm linh” nhân danh “xã hội hóa”. Chùa ngày thêm đông, thêm đồ sộ mà nhân tâm lại trống rỗng và bóng dáng đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn của Đức Phật thêm vắng là cảm nhận ưu thời không chỉ của người có đức tin mà còn của cư dân có dịp về nơi cửa Phật.

T.V