Đức Phật đã thọ thực món gì?

18:52 | 07/05/2012

1,581 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bạn đọc: Sūkaramaddava là tên bằng tiếng Pali của món ăn mà Cunda (Thuần Đà) đã mời Đức Phật dùng trong bữa ăn cuối cùng của ngài trước khi nhập Niết Bàn. Trong chương trình “Phật học vấn đáp” của Thư viện Hoa Sen, phần trả lời cho câu hỏi số 21 đã  gọi nó là “món mộc nhĩ hay chiên đàn”, đặc biệt là đã nhiều lần gọi đó là món “mộc nhĩ”. Xin ông cho biết, Phật có thọ thực mộc nhĩ không và “chiên đàn” rốt cuộc là gì? (L.N.B, thành phố Hồ Chí Minh)

Học giả An Chi: Chiên đàn 旃檀 là hình thức phiên âm bằng tiếng Hán (đọc theo âm Hán Việt) của tiếng Pali (và cả tiếng Sanskrit) candana, có nghĩa là cây hoặc gỗ đàn hương, tiếng Pháp là santal, tiếng Anh là sandalwood. Giống cây này chỉ được dùng để làm mỹ phẩm. Tinh dầu của nó dùng để làm xà bông và chế biến nước hoa chứ nó không được dùng làm thực phẩm. Vậy thì làm sao mà món ăn của Đức Phật lại có thể là “chiên đàn”?

Tác giả sai vì đã đánh đồng hai khái niệm, hai giống thực vật hoàn toàn khác nhau. Chiên đàn, tức đàn hương là thực vật chính cống còn mộc nhĩ là nấm (trong Nam gọi là nấm mèo) mà nấm thì có tác giả cho rằng chưa phải là thực vật. Vậy thì làm sao có thể đặt ra một ngữ đoạn như “món mộc nhĩ hay chiên đàn”? Nhưng món ăn được nói đến ở đây cũng chẳng phải “mộc nhĩ” mà lại là chiên đàn nhĩ 旃檀耳. Đây là một danh ngữ cấu tạo theo cái mẫu của mộc nhĩ 木耳, nghĩa là “nấm mọc trên cây”. Vậy chiên đàn nhĩ là “nấm mọc trên cây đàn hương”. Danh ngữ này đã được kinh Phật bằng tiếng Hán dịch từ từ ghép sūkara-maddava mà bạn đã nêu. Nấm chiên đàn là một danh ngữ mà nấm là trung tâm (danh từ chính) còn chiên đàn chỉ là định ngữ nên ta không thể lấy chiên đàn mà thay thế cho cả ngữ được. Cho nên, trong phạm vi vấn đề mà bạn đặt ra thì chúng tôi xin trả lời rằng, “chiên đàn ở đây rốt cuộc là nấm chiên đàn đã bị diễn đạt thiếu chữ nấm”. Nghĩa là thực ra ở đây ta có bất đẳng thức chiên đàn ≠ nấm chiên đàn đã bị tác giả biến thành một đẳng thức. Tác giả cũng không đúng khi biến bất đẳng thức mộc nhĩ ≠ chiên đàn thành đẳng thức (món mộc nhĩ hay chiên đàn). Nhưng ngay cả nếu có nói rõ là nấm chiên đàn thì việc biến bất đẳng thức mộc nhĩ # nấm chiên đàn thành đẳng thức cũng sai vì mộc nhĩ là nấm có thể mọc trên nhiều loại cây còn nấm chiên đàn chỉ là nấm mọc trên cây chiên đàn mà thôi.

Cách hành văn không chuẩn như trên còn có thể thấy được trong “Quan điểm về ăn chay của Đạo Phật” do Tâm Diệu biên soạn, Hoa Sen xuất bản 10.400 cuốn tại Hoa Kỳ và 2.000 cuốn tại Việt Nam. Tác giả đã viết tại mục 15 (Nghi vấn về nguyên do Đức Phật niết bàn):

“Từ ngữ Chiên Đàn mà chữ Pali là sukara-maddava được các nhà học giả Tây phương dịch là truffles. Truffles có bốn nghĩa: (1) một loại thức ăn mềm cho heo, (2) một loại thức ăn mà heo rất ưa thích, (3) thịt heo mềm và (4) bột thịt heo khô xay nhuyễn (pig-pound)”.

Ở đây ta lại thấy chẳng những hai tiếng chiên đàn cũng được dùng một cách không thích hợp như đã nói, mà ngữ đoạn “được các nhà học giả Tây phương dịch là truffles” cũng là một cách diễn đạt mơ hồ. Học giả Tây phương có thể là người Anh, người Đức, người Nga, người Pháp, v.v…; còn truffle(s) thì chỉ là một từ của tiếng Anh (tiếng Pháp là truffe, tiếng Đức là Trüffeln, tiếng Nga là Трюфель).

Rồi cả bốn cái nghĩa của truffles mà tác giả nêu lên cũng không đúng. Thực ra truffle chỉ có hai nghĩa chính: 1. một loại củ có thể dùng làm thực phẩm; 2. một thứ kẹo tròn, mềm làm bằng sôcôla, có dáng dấp và màu sắc như truffle. Nghĩa của nó không có dính dáng gì đến thịt heo hoặc thức ăn cho heo cả. Ấy là ta còn chưa nói đến chuyện pig-pound là chuồng heo còn bột thịt heo khô xay nhuyễn thì phải là pig-powder.

Tác giả Tâm Diệu còn hiểu sai tiếng Pali trong một số trường hợp khác nữa. Chẳng hạn ông còn viết tiếp: “Từ sukara-maddava được kết hợp bởi hai từ sukara có nghĩa là con heo và maddava có nghĩa là phơi khô”.

Thực ra trong sukara, “u” là một nguyên âm dài, lẽ ra phải viết thành “ū” nhưng chúng tôi thiển nghĩ là do khó khăn về in ấn và font chữ nên có thể thông cảm được chứ maddava mà giảng là “phơi khô” thì lại sai hẳn nghĩa của từ này. Khô hoặc phơi khô, tiếng Pali là sukkha, thí dụ sūkara-maddava là bùn khô, sukkha-kantāra là sa mạc (kantāra là hoang địa), v.v…

Vậy thì sūkara-maddava nghĩa là gì? Tác giả Sanjivaputta (qua lời dịch của Tỳ kheo Thiện Minh) khẳng định: “Thuật ngữ sūkara-maddava được phân chia làm hai từ: “sūkara” và “maddava”. Trong từ điển Pàli được biên soạn do Robert Caesar Childers và trong quyển thuật ngữ Pàli do Dines Anderson biên soạn, cũng như trong quyển Pàli – Anh, do trưởng lão Buddhadatta biên soạn thì danh từ sukara được dịch là “lợn” mà tính từ maddava được dịch là “mềm”. Như vậy căn cứ vào nguồn gốc của từ ngữ, thuật ngữ sukara-maddava thật sự không có liên hệ gì đến bất kỳ loài “nấm” nào cả”.

Sanjivaputta đã phân tích đúng nghĩa của từng thành tố trong từ ghép sūkara-maddava nhưng việc hiểu nghĩa của cả từ thì không đơn giản là “thật sự không có liên hệ đến bất kỳ loài “nấm” nào cả”. Sở dĩ chúng tôi nói như thế là vì ta không thể không nghĩ đến những ẩn dụ tế nhị trong kinh Phật. Cứ theo lời văn trên thì Sanjivaputta chỉ hiểu maddava là “mềm” nhưng xa hơn và sâu hơn thì học giả Nhật Bản Takakusu Junjiro (dẫn theo “Phật học đại từ điển”) đã hiểu rằng, maddava là món ngon (trân vị). Chính là với nghĩa này mà một số tác giả mới hiểu rằng, sūkara-maddava là thứ mà heo rừng (sūkara) thích ăn rồi suy diễn ra thành truffle, là một thứ củ mọc dưới đất. Dùng một ẩn dụ như thế (ví món ăn của Phật với món ăn của heo rừng) mà không sợ là xấc xược và sàm sỡ à? Còn tiếng Hán thì lại dịch thành chiên đàn nhĩ, là một thứ nấm mọc trên cây (chiên đàn). Tuy nhiên, cả hai cách hiểu này đều có điểm làm ta phải phân vân. Chúng tôi thì mạo muội cho rằng, sūkara-maddava chẳng qua là món ngon chế biến từ thịt heo rừng. Còn cách hiểu này có đúng hay không và có liên quan đến vấn đề “Đức Phật có ăn chay hay không” thì chúng tôi xin nhường quyền cho các nhà Phật học.

A.C

Báo Năng lượng Mới số 117 ra ngày 4/5/2012

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.