Chuyện Đức Phật Thích Ca thọ thực món nấm cực độc

07:00 | 16/05/2016

35,917 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) – Trước khi nhập Niết bàn, Đức Phật Thích Ca đã thọ dùng bát canh nấm cực độc do cư sĩ Thuần-Đà cúng dường. Vì sao Phật biết canh cực độc mà vẫn dùng? Và vì sao Thuần-Đà gây “tội” lớn với Phật mà vẫn được phước hơn người?

Trong suốt 49 năm tu đạo và hoằng Pháp, Đức Phật Thích Ca đã thọ nhận không biết bao nhiêu sự cúng dường của Phật tử khắp gần xa ở xứ Ấn Độ thời bấy giờ. Nhưng trong vô số sự cúng dường đó, Đức Phật xác nhận có 2 sự cúng dường đặc biệt nhất, có phước báo to lớn nhất, đó chính là bát cháo sữa của nữ cư sĩ Tu-Xà-Đa và canh nấm của anh thợ rèn Thuần-Đà.

Nàng Tu-Xà-Đa đã cúng dường bát cháo sữa ngay đúng thời điểm Sa môn Tất-Đạt-Đa bị kiệt sức sau 6 năm tu khổ hạnh ép xác. Chính bát cháo sữa ấy đã giúp Ngài lấy lại tinh thần minh mẩn và thân thể tráng kiện để bước vào con đường tu mới, con đường Trung đạo và chứng được Phật quả ngay sau đó. Đây chính là sự cúng dường sau cùng, trước khi Sa môn Tất-Đạt-Đa đắc đạo, trở thành đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

chuyen duc phat thich ca duoc cung mon canh nam doc
Tranh nàng Tu-Xà-Đa cúng dường Sa môn Tất Đạt Đa

Phước đức vô lượng từ sự cúng dường của nàng Tu-Xà-Đa thì bất cứ ai cũng có thể dễ dàng hiểu được, nhưng với sự cúng dường của anh thợ rèn Thuần-Đà thì lại rất khác.

Thuần-Đà đã cúng dường cho Phật bát canh nấm cực độc mà theo Kinh Đại Bát Niết Bàn ghi lại thì canh nấm ấy độc đến mức ngoại trừ Phật thì hàng Trời, người không ai có thể tiêu hóa nổi. Sau khi thọ bát cháo ấy, sức khỏe Phật càng suy kiệt và Ngài đã nhập Niết bàn sau đó.

Ấy vậy mà Đức Phật ghi nhận rằng, phước báo từ sự cúng dường của Thuần-Đà và nàng Tu-Xà-Đa là ngang bằng nhau và là cao hơn tất cả các sự cúng dường khác. Điều này đã khiến nhiều người đọc Kinh Phật rất lấy làm thắc mắc.

Câu chuyện cúng dường của cư sĩ Thuần-Đà được ghi lại rằng, lúc bấy giờ, đức Phật đã 80 tuổi, ngài đã trải qua 49 năm hoằng Pháp độ sanh khắp nơi ở xứ Ấn Độ (nay là Ấn Độ và Nepal). Một hôm, Ngài gọi Tôn giả A-Nan đến và bảo Tôn giả thông báo với các Tỳ Kheo biết rằng, trong 3 tháng nữa, Phật sẽ nhập Niết bàn.

Đức Thế Tôn chọn thành Câu-Thi-Na là nơi nhập Niết bàn. Và trên đường đi đến thành này, Ngài đã nhận sự cúng dường của người thợ rèn Thuần-Đà, đây cũng chính là sự cúng dường cuối cùng trong cuộc đời Phật tại thế.

chuyen duc phat thich ca duoc cung mon canh nam doc
Tranh Phật nhập Niết bàn tại rừng Sala Song Thọ

Thuần-Đà là một người thợ rèn sống gần rừng cây Sa-la, thuộc thành Câu-Thi-Na. Một hôm, Thuần-Đà hay được tin Phật sắp nhập Niết bàn tại rừng Sa-la gần làng mình, thiện tâm phát khởi, lòng mong ước cúng dường cho Phật phát sinh mãnh liệt. Ngay sau đó, Thuần-Đà đã đến đảnh lễ dưới chân Phật và dâng lời thỉnh cầu Phật và chư Tăng từ bi nhận lễ cúng dường tại nhà ông.

Đức Phật đã hoan hỉ nhận lời!

Hôm sau, vào đúng ngọ, Thế Tôn và chư Tăng đến nhà Thuần-Đà thọ trai. Trong lúc đại chúng đang thọ trai, Thuần-Đà dâng lên đức Phật một bát canh nấm rất thơm do đích thân ông vào rừng hái để cúng dường Phật. Khi dùng qua bát nấm này, Đức Phật cho biết là bát canh nấm rất độc và bảo Tôn giả A-Nan nôn đem chôn tất cả còn lại đi chứ không cho ai dùng.

Thợ rèn Thuần-Đà nghe Phật nói thế thì vô cùng kinh hãi, khóc lóc, kêu than bởi mong muốn được cúng dường tạo phước báu cho đời sau thì giờ lại thành tội lớn với Phật.

Đức Phật thấy thế liền gọi Thuần-Đà đến bên cạnh và dạy rằng: “Người không nên than khóc cũng đừng nên hối hận, phải vui sướng lên vì người đã được cúng dường bữa cơm cuối cùng cho ta. Có hai bữa ăn đáng kỷ niệm nhất, và có nhiều phước báu nhất, đó là lần đầu tiên của nàng Tu-Xà-Đa cúng dường cho ta trước khi thành đạo và bữa cơm này, trước khi ta vào Niết bàn”. Nghe đức Phật dạy như thế, Thuần-Đà và cả gia quyến đều hoan hỷ, cúi đầu đảnh lễ đưa tiễn đức Phật và chư Tăng về rừng Sa-la.

Theo kinh điển Nam Tông ghi lại thì sau khi thọ dùng bát cháo ấy, sức khỏe Phật suy kiệt nghiêm trọng, chư Tăng phải dìu Phật đi đến rừng Sa-la để kịp ngày nhập diệt đã định.

Tại rừng Sa-la, Phật bảo với đại chúng Tăng rằng: “Có hai vật thực cúng dường đến Như Lai mà phước báo bằng nhau và lớn hơn tất cả. Đó là vật thực cúng dường đến Bồ Tát ngay trước khi Người chứng đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và vật thực cúng dường đến bậc Giác Ngộ trước khi Người nhập Niết bàn. Hai vật thực ấy đem lại phước báu bằng nhau, quả bằng nhau và quý báu hơn tất cả các sự cúng dường khác.

chuyen duc phat thich ca duoc cung mon canh nam doc
Tranh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

Do thiện nghiệp này mà người phát tâm tịnh tín cúng dường sẽ được phước báu. Sau khi mất sẽ được tái sinh vào các cõi trời, vào cảnh giới vua chúa, quyền quý cao sang, được nhiều may mắn và danh vọng”.

Lời dạy này của Đức Phật đã nói lên ý nghĩa vì sao ông Thuần-Đà cúng dường cho Phật bát nấm độc nhưng vẫn được phước báo vô lượng.

Trong Kinh Phật cũng có dạy rằng, nguồn gốc của tội – phước là do thân – khẩu – ý tạo thành. Ở trường hợp cúng dường của Thuần-Đà, cả ba nghiệp thân – khẩu – ý đều thanh tịnh. Thuần-Đà một lòng phát tâm cúng dường cho Phật và chư Tăng, ông tự tay đi tuyển chọn những cây nấm hương ngon nhất để cúng dường Phật và tự tay chế biến, dâng lên Phật bằng tất cả lòng thành kính. Thuần-Đà không hề biết rằng nấm có độc. Ở đây, tâm của Thuần-Đà là thiện và rất chí thành nên không tạo tội mà được phước báo lớn.

Cũng có thắc mắc rằng, vì sao Phật biết trước bát canh nấm của Thần-Đà cúng là có độc nhưng vẫn thọ dùng? Có ý kiến rằng, do Đức Phật muốn độ cho cư sĩ Thuần-Đà vì nhân duyên và tâm thành kính của ông đối Phật.

Kế đến, cho dù có thọ dùng bát canh nấm độc của Thuần-Đà hay không thì ngày nhập Niết bàn cũng đã được Đức Phật định trước. Cho nên, Có ý kiến cho rằng vì bát canh nấm độc của Thuần-Đà mà Phật mới nhập Niết bàn là không chính xác...

Vậy là gần ba thiên niên kỷ đã trôi qua, sự cúng dường của nàng Tu-Xà-Đa và thợ rèn Thuần-Đà đã được Kinh sách ghi lại và lưu truyền cho đến tận bây giờ. Những phẩm hạnh cúng dường ấy, những công đức to lớn ấy là hai tấm gương để hậu thế ngàn đời sau noi theo mà có thể gieo trồng và tạo phước báo cho mình và người thân.

Trúc Vân