Quan niệm sai lầm về 'ngày lành, tháng tốt'

17:30 | 18/07/2016

1,994 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người Á Đông hay quan tâm về tuổi tác, ngày giờ tốt - xấu để khởi sự làm ăn hay quyết định một việc gì. Nhưng hầu hết đều sai lầm khi cho rằng sự tốt xấu đó là từ bên ngoài, do sự vận hành của vũ trụ, thay vì là từ chính bản thân ta tạo ra. 

Dễ thấy là trong đời sống hiện nay, từ việc cưới hỏi, khai trương, hợp tác làm ăn, đi xa, chuyển nhà… người ta đều xem tuổi, xem ngày giờ tốt lành để bắt đầu. Thật ra, đó là điều phổ biến trong tâm thức của người Á Đông nói chung. Vì tín niệm về ngày giờ tốt xấu, cát hung nên vấn đề tuổi tác có hợp nhau không, với tuổi đó thì ngày giờ nào là tốt - xấu... luôn là một mối bận tâm hàng đầu của nhiều người.

Thực tế cho thấy, có không ít người hoàn toàn tin tưởng vào sự tốt - xấu này. Họ sẵn sàng thay đổi quyết định, hoặc từ bỏ luôn dự định nếu bị phán là “tuổi không hợp”, “ngày giờ xấu”, “khắc nhau”…

Nếu nói riêng vì chuyện tình duyên thì không biết đã có bao nhiêu đôi trai gái yêu nhau tan vỡ giấc mộng hôn nhân cũng vì điều này!

quan niem sai lam ve ngay lanh thang tot
Rất nhiều người đi xem tuổi, xem ngày, giờ kết hôn và họ tin tuyệt đối vào sự tốt- xấu đó (Ảnh minh họa)

Thật ra, chuyện tuổi tác và ngày giờ tốt - xấu thế nào vẫn tùy thuộc vào cảm nhận riêng của từng người. Nhưng trong nhà Phật thì không quan niệm như vậy. Cụ thể, trong một phẩm kinh đức Phật Thích Ca Mâu Ni có dạy các học trò rằng, ngày tốt hay xấu là do chính bản thân người đó tạo ra chứ không phải là tác động từ bên ngoài.

Cụ thể, trong phẩm kinh “Cát tường”, thuộc chương III của bộ kinh Tăng Chi Bộ I, có đoạn kinh được tóm tắt như sau: Một thời đức Phật đang trú ở Ràjagaha. Tại đấy, Ngài gọi các Tỳ kheo và dạy rằng: - Các loài hữu tình nào, vào buổi sáng, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ kheo, có một buổi sáng tốt đẹp.

- Các loài hữu tình nào, vào buổi trưa, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ kheo, có một buổi trưa tốt đẹp.

- Các loài hữu tình nào, vào buổi chiều, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ kheo, có một buổi chiều tốt đẹp.

Như vậy, theo lời dạy của Phật thì ngày nào mà “tam nghiệp” thân - khẩu - ý của chúng ta được thanh tịnh thì đó là ngày tốt đẹp. Tức là khi chúng ta có những phẩm chất tốt đẹp như suy nghĩ (ý) điều thiện, nói lời nói (khẩu) thiện và làm (thân) những việc thiện thì ngày đó chính là ngày tốt thật sự. Tức, ngày tốt hay xấu phải là do chính bản thân người đó tạo ra chứ không phải do tạo hóa hay bất cứ sự vận hành nào sắp đặt trước.

Điều này đúng với thuyết “Nhân - Quả” trong nhà Phật. Khi ta gieo nhân tốt bằng hành động, lời nói và cả trong suy nghĩ thì chắc chắn sẽ gặt được quả tốt. Còn ngược lại, dù đó là ngày nào, người đó cầm tinh tuổi gì đi chăng nữa thì nếu gieo điều xấu thì ắt sẽ gặt quả xấu!

Phẩm kinh trên khuyên con người rằng, tuổi tác, ngày giờ tốt - xấu là nhân duyên và nghiệp báo chứ không phải tạo hóa an bài. Cho nên, thay vì đi tìm và trong chờ vào sự tốt đẹp từ bên ngoài thì nên chủ động tạo ra những ngày giờ tốt đẹp cho mình bằng cách thanh tịnh hóa tam nghiệp.

Nếu như sáng, trưa, chiều, tối không làm việc xấu ác, sai trái mà trái lại là làm việc thiện, tốt đẹp thì ngày đó là ngày tốt, ngày hạnh phúc và an vui!

V.T

Tăng chi Bộ kinh, Lời Phật Dạy