Khi tôn kính biến thành... mê muội!

11:17 | 18/04/2016

2,549 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự tưởng nhớ công đức các vua Hùng phải là thường trực trong tâm trí chứ không chỉ đợi đến ngày Mùng 10 tháng 03 thì mới đổ xô nhau mang lễ vật đến cúng bái, đến mức dẫm đạp lên nhau suýt chết ngạc. Hành động đó, khó có thể gọi là tôn kính!  

Thật khó có thể tưởng tượng ra lòng thành kính với tổ tiên ở đâu khi mà người ta chen lấn, xô đẩy nhau đến ngất xỉu để mang mâm cao cổ đầy vào cúng bái cho bằng được?! Nếu một lòng hướng về tổ tiên, về công ơn của vua Hùng thì hẳn người ta đã không làm như vậy; trừ khi là đến để cầu xin một điều gì đó cho riêng bản thân!?

Thật ra, sự việc tại đền Hùng ngày Giổ Tổ vừa qua ở Phú Thọ không phải là cá biệt bởi ý niệm phải cúng đầy đủ lễ vật, cúng càng nhiều càng tốt, cúng đúng thời điểm… thì mới thiêng, mới được phước báo đã không còn xa lạ gì trong văn hóa tín ngưỡng của một bộ phận lớn người dân.

khi ton kinh bien thanh me muoi
Biển người chen lấn tại đền Hùng vào ngày 10.03 ÂL vừa qua (Ảnh: KT)

Đi chùa, nếu để ý thì thấy rằng vào những ngày thường, tức không phải là ngày Rằm, Mùng 1 hay ngày lễ thì chùa rất vắng vẻ, yên tĩnh. Nhưng khi đến “dịp” thì người ta chen nhau đi chùa, đông đến mức chỗ quỳ lễ Phật cũng không còn.

Rồi đến chuyện ăn chay cũng vậy, vào những ngày thường, hầu như quán nào cũng ế ẩm. Nhưng đến ngày Rằm thì trong các quán chay, lúc nào người cũng chật cứng như nem, người ta chen nhau để được ăn miếng cơm chay.

Rồi người ta kháo nhau rằng, Mùng 1 Tết mà ăn chay thì sẽ được phước ăn chay của cả một năm (!?). Nhiều người đã ăn chay và tuyệt đối tin như vậy!

Tất nhiên, chuyện đi chùa lễ Phật, ăn chay, dù là ăn ngày nào thì cũng là điều tốt. Đó là tín ngưỡng, là việc làm nuôi dưỡng lòng từ, là việc làm hướng thiện. Song, quan niệm phải cúng kiếng những mâm cỗ gì, đi chùa vào ngày nào, ăn chay ra sao… thì mới được chứng, được Trời Phật ban phước cho thì đó chẳng khác nào là sự báng bổ thánh thần.

Trong nhiều kinh sách, Phật đã dạy rất rõ ràng về việc cúng bái thế nào để gia chủ được phước báo thù thắng; đó không phải là tài vật nhiều bao nhiêu mà chính là sự thành tâm. Hay nói dễ hiểu hơn đó chính là tấm lòng thành kính.

Có người giàu có, cúng rất nhiều lễ vật nhưng không có lòng thành trong đó thì phước báo cũng không có. Ngược lại, có những người nghèo khổ, là ăn mày nhưng sự cúng bái của họ lại được phước vô biên bởi họ cúng bằng cả lòng thành kính! 

Chuyện rằng, ngày xưa, vào thời Đức Phật còn tại thế, Có một bà lão nghèo khó đi ăn xin, lòng thành muốn cúng dường Đức Phật, nhưng bà không có khả năng. Bà thấy vua A Xà Thế làm công đức là mua hàng trăm thùng dầu cúng dường Phật nên rất lấy làm cảm kích.

Bà đi xin được hai tiền nên liền đến tiệm mua dầu!

khi ton kinh bien thanh me muoi
Ảnh minh họa chuyện bà lão ăn mày cúng dường đèn cho Phật

Chủ tiệm thắc mắc sao bà không mua đồ ăn mà lại mua dầu? Bà già đáp rằng: Tôi nghe ở đời gặp được Đức Phật rất khó, vạn kiếp mới được một lần. Tôi may mắn được sinh thời Đức Phật ra đời mà chưa có dịp cúng dường. Ngày nay tôi thấy vua làm việc đại công đức, tôi tuy cùng khổ nhưng cũng muốn cúng dường ngọn đèn để làm căn bản cho đời sau.

Bà đến trước Đức Phật thắp đèn lên, tự nghĩ dầu ít quá chắc thắp không quá nửa đêm. Bà lễ Phật xong rồi về.

Các ngọn đèn của Vua cúng dường, có ngọn tắt, có ngọn đỏ, riêng ngọn đèn của Bà lão thì chiếu sáng hơn các ngọn đèn khác, suốt đêm không tắt, dầu lại không hao.

Trời sáng, Đức Phật bảo ngài Mục Kiền Liên vào tắt các ngọn đèn. Ngài Mục Kiền Liên vâng lời, nhưng riêng ngọn đèn của bà lão thổi ba lần cũng không tắt được, lấy áo cà sa quạt thì ngọn đèn lại đỏ rực hơn. Đức Phật thấy vậy liền bảo: Hãy dừng lại, ngọn đèn ấy là hào quang công đức của một vị Phật tương lai, không thể làm tắt được.

Vua A Xà Thế nghe chuyện, liền hỏi tôn giả Kỳ Bà: Ta làm công đức lớn như vậy mà Đức Phật không thọ ký cho ta thành Phật, còn bà già kia chỉ thắp một ngọn đèn mà được thọ ký là cớ làm sao? Kỳ Bà đáp: Ngài cúng đèn tuy nhiều mà tâm không chuyên nhất, không bằng được tâm thuần thành của bà già kia đối với Đức Phật.

Ý nghĩa của câu chuyện kể trên đã được thể hiện rất rõ ràng rằng: tâm thành chiến thắng tất cả. Trong nhiều bài kinh khác, Đức Phật còn nhắc đến điều này. Nhưng ngày nay, nhiều người đi chùa mà quên mất lời dạy này của Phật.

khi ton kinh bien thanh me muoi
Tranh thôn nữ cúng sửa cho Đức Phật

Cũng vì đi chùa nhưng không hiểu kinh Phật nên hoạt động tâm linh của nhiều người đang trở thành mê tín. Họ cứ chạy lo sắm lễ cúng bái, cầu xin đủ thứ trên đời chứ chẳng còn mấy ai nghĩ đến chuyện đi chùa lễ Phật là để tâm bình an, thanh tịnh!

Trở lại chuyện biển người chen lấn tại đền Hùng, việc tưởng nhớ đến công ơn của các vua Hùng là chính đáng; song, sự tưởng nhớ đó phải là thường trực trong tâm trí chứ không chỉ đợi đến ngày Mùng 10 tháng 03 thì mới đổ xô nhau mang lễ vật đến dâng lên. Hành động đó khó có thể gọi là tưởng nhớ công ơn, có khi đó chỉ là sự vòi vĩnh, “lấy lòng” các bậc tiền nhân!

Lê Trúc

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.