Dự kiến tiếp nhận 8 triệu liều vắc xin trong tháng 7
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ: Bộ Y tế đã và đang nỗ lực để làm sao có vắc xin về Việt Nam ngày một nhiều, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của nhân dân. Tuy nhiên do nguồn cung khan hiếm vào thời điểm này, nên cao điểm vắc xin về Việt Nam là quý 4/2021. Dự kiến sẽ có khoảng 8 triệu liều vắc xin được nhập về trong tháng 7/2021.
![]() |
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì tại cuộc họp |
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, để triển khai chiến dịch hiệu quả và đảm bảo chất lượng vắc xin, tất cả các quy trình phải phối hợp chặt chẽ từ vấn đề bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm, ứng dụng công nghệ thông tin và cả công tác truyền thông cho chiến dịch.
Đặc biệt, vấn đề an toàn tiêm chủng phải được đặt lên hàng đầu, tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc “tiêm đến đâu, an toàn đến đó". "Không được cắt ngắn quy trình chuyên môn, phải khám sàng lọc chặt chẽ. Việc hoãn tiêm đối với những trường hợp chống chỉ định trong tiêm chủng phải làm chặt chẽ, lập danh sách đối tượng tiêm, để tiến hành sàng lọc xem đối tượng nào sẽ tiêm tại bệnh viện, tở cơ sở y tế hay điểm tiêm lưu động. Phải đảm bảo an toàn tối đa trong chiến dịch tiêm chủng”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Một điểm nữa được Trưởng Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 nhấn mạnh là “tất cả các liều vắc xin về đến Việt Nam phải được sử dụng hiệu quả, không được phép lãng phí một liều nào”.
Chiến dịch tiêm chủng lần này có điểm khác là công tác điều hành mọi quy trình tiêm chủng được thực hiện trực tuyến (online), quản lý bằng công nghệ thông tin. Việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp quản lý công khai, minh bạch mọi hoạt động tiêm chủng. Việc phân bổ vắc xin sẽ tiếp tục được công khai minh bạch, phân bổ cho các điểm tiêm bao nhiêu, tiêm bao nhiêu liều, còn lại bao nhiêu để người dân giám sát chặt chẽ… Dự kiến có khoảng 19.000 điểm tiêm và số lượng có thể thay đổi để phù hợp với thực tiễn, sẽ huy động toàn bộ ngành y tế (kể cả y tế các bộ ngành và y tế tư nhân) để đảm bảo tốc độ tiêm những tháng cuối năm.
Trình bày dự thảo kế hoạch triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn cho biết, chiến dịch tiêm chủng sẽ diễn ra từ tháng 7/2021-4/2022, với mục tiêu chung là phòng chống chủ động bằng việc sử dụng vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng.
Mục tiêu cụ thể, trong năm 2021, tiêm tối thiểu cho 50% người từ 18 tuổi trở lên. Trên 70% dân số được tiêm vắc xin đến hết quý 1/2022 và đảm bảo an toàn khi tiêm chủng. Ngoài những đối tượng tiêm theo Nghị quyết 21, dự thảo đã bổ sung thêm các đối tượng bao gồm trong cả lĩnh vực Nhà nước và tư nhân được tiêm vắc xin Covid-19.
Chiến dịch sẽ triển khai trên quy mô toàn quốc, trong đó ưu tiên các tỉnh, thành phố đang có dịch, có nhiều khu công nghiệp. Trong tỉnh, thành phố, ưu tiên tiêm chủng cho các đối tượng ở vùng đang có dịch... Trong đó, đặc biệt yêu cầu các cơ sở tiêm chủng bố trí tiêm theo khung giờ, chia nhiều bàn, điểm tiêm đảm bảo giãn cách phòng, chống dịch. Sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong tiêm chủng, bố trí cán bộ hỗ trợ sử dụng công nghệ thông tin. Tại các cơ sở điều trị tiến hành tiêm cho các đối tượng cần được theo dõi đặc biệt theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Minh Châu
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025