Định hướng phát triển ngành điện:

Đột phá bằng các giải pháp công nghệ cao

06:00 | 06/04/2013

997 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Điện lực Việt Nam đang bước vào những năm cuối trong kế hoạch phát triển bản lề trước khi bước sang thời kỳ phát triển toàn diện 2015-2025. Và để thực hiện mục tiêu khắc phục những điểm tồn tại như thiết bị lạc hậu, ổn định nguồn phát, giảm tổn thất điện năng… ngành điện tích cực triển khai, áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp công nghệ vào sản xuất, truyền tải và phân phối điện năng.

Ưu tiên nhiệt điện

Theo lộ trình phát triển của ngành điện đến năm 2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ ưu tiên áp dụng công nghệ để phát triển nhiệt điện, thay thế các thiết bị lạc hậu của thủy điện. Để thực hiện định hướng này, trong 10 năm qua, EVN đã xây dựng nhiều trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị, đào tạo đội ngũ nhân lực vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị các nhà máy nhiệt điện, nâng cao năng lực sửa chữa thiết bị nhiệt điện. Trong đó, EVN ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ đốt than phun gồm đốt trực tiếp và gián tiếp sử dụng than trong nước dùng cho các tổ máy phát điện hiện đại, hiệu suất cao (39-40%), thông số hơi cao hơn (22-24 MPa, 560-580oC).

Ngoài ra, EVN cũng tiến hành nghiên cứu, phát triển công nghệ turbine khí chu trình hỗn hợp khu vực phía nam; khôi phục công tác hiệu chỉnh thiết bị nhiệt, trước hết là lò hơi công suất lớn; tiến hành chương trình nội địa hóa thiết bị nhiệt điện; đào tạo đội ngũ chuyên gia về tự động, điều khiển để vận hành sửa chữa các thiết bị tự động, tiếp thu công nghệ tiên tiến của thế giới. Đặc biệt, nhiều chương trình khảo sát, nghiên cứu về khả năng đưa điện hạt nhân vào Việt Nam, xây dựng các điều kiện về cơ sở hạ tầng đáp ứng việc tiếp thu công nghệ điện hạt nhân gửi nhân sự đi học kỹ thuật, công nghệ phát triển điện hạt nhân cũng được EVN triển khai.

Trạm biến áp 500kV huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang có tổng dung lượng 1.800MVA có thể phân phối tổng hợp 500kV, 220kV, 35kV

Về thủy điện, EVN sẽ áp dụng công nghệ khai thác sử dụng tổng hợp nguồn nước bằng hồ chứa, đánh giá tác động môi trường của các hồ chứa đang vận hành, hoàn chỉnh hệ thống quản lý vận hành tối ưu hệ thống các hồ chứa và bậc thang. Để làm được công tác trên, EVN sẽ hoàn thiện lắp đặt hệ thống thiết bị thu nhập dữ liệu hồ chứa, phối hợp với cơ quan khí tượng thủy văn lắp đặt và vận hành thiết bị thu thập số liệu khí tượng thủy văn cho từng công trình và cả lưu vực sông. Xem xét toàn diện các tác động của bùn cát lắng đọng để có thể đưa ra quy định phải có các cống xả phù sa trong hệ thống công trình đầu mối thủy điện.

Đại diện của EVN cho biết, tính đến thời điểm này, EVN đã thiết lập được trung tâm an toàn đập để quản lý an toàn và đồng bộ cho các đập lớn, đánh giá tổng kết về thiết kế thi công, quản lý an toàn cho một số loại đập đang được sử dụng phổ biến ở Việt Nam. Trong 3 năm tới, EVN sẽ từng bước thay thế, hiện đại hóa các thiết bị điều khiển đã lạc hậu bằng thiết bị điều khiển số đối với các tổ máy do Liên Xô trước đây cung cấp. Tập đoàn sẽ áp dụng công nghệ mới cho ngành cơ khí chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công (các loại cửa van, lưới chắn rác, thiết bị đóng mở van), thiết bị phụ cung cấp dầu, khí, nước làm mát, thông tin liên lạc. Hoàn thiện các bước cần thiết chế tạo trọn gói thiết bị tổ máy thủy điện nhỏ.

Đồng bộ truyền tải và phân phối điện

Theo định hướng phát triển, Điện lực Việt Nam sẽ xây dựng kết cấu lưới truyền tải tối ưu, hợp lý, đảm bảo đội tin cậy cần thiết, đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao hệ số tự động hóa vào công tác phân phối điện năng. Và để làm được điều này, hiện EVN đang áp dụng tiêu chuẩn của lưới điện truyền tải quốc gia khu vực (N-1,2) như: Lưới 220kV phải được tạo thành mạch vòng, các đường dây 220kV nhất thiết phải là đường dây 2 mạch…c ho thủ đô và các khu vực quan trọng; Tiêu chuẩn hóa kích thước kết cấu các loại cột, nhất là cột thép cho các đường dây trên không (ĐDK) 220kV nhằm đẩy nhanh tốc độ thiết kế thi công các công trình ĐDK; Đưa sơ đồ cột nhiều mạch cùng cấp điện áp hay 2 cấp điện áp cho nhiều đường dây vào vùng ven đô thị. Đáp ứng những tiêu chuẩn kể trên sẽ đảm bảo độ ổn định truyền tải điện trên lưới điện quốc gia, giảm tổn thất điện hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm.

EVN lắp đặt thiết bị thu thập thông tin từ xa (Remote Terminal Units) để nâng cao chỉ số an toàn, hiệu quả truyền tải điện

Đặc biệt, EVN sẽ ứng dụng công nghệ truyền tải điện một chiều với thiết bị FACTS (Flexible Alternating Current Transmission System - Hệ thống truyền tải điện xoay chiều linh hoạt), ứng dụng công nghệ chẩn đoán trạng thái thiết bị theo điều kiện vận hành (condition - based) và một phần công nghệ chẩn đoán online tại các trạm biến áp (TBA) quan trọng. Năm 2015, EVN sẽ triển khai xây dựng hoàn thiện hệ thống điều độ quốc gia mới cùng với việc tăng cường các thiết bị thu nhận thông tin từ xa RTU (Remote Terminal Units - Trạm thu thập dữ liệu trung gian) và phần cứng phục vụ việc thu thập dữ liệu từ RTU. Đồng thời, EVN sẽ thiết kế thí điểm một số đường dây 110kV để ứng dụng một số công nghệ như kết hợp sử dụng cách điện composite, xà cách điện, các loại dây dẫn hợp kim, siêu nhiệt… Đến năm 2015, EVN sẽ hoàn chỉnh lắp đặt và sử dụng tốt hệ điều khiển máy tính kết hợp hệ SCADA ở tất cả các trạm 220kV, 500kV và một số trạm 110kV quan trọng.

Về công tác phân phối điện, việc chuyển đổi cấp điện áp lưới trung áp được EVN xác định là ưu tiên hàng đầu. Trong đó, việc cải tạo chuyển đổi cấp điện áp ưu tiên khu vực các tỉnh miền Nam (trừ TP HCM) sẽ sớm chuyển đổi lưới trung áp thành lưới 22kV. Tiếp đến là khu vực các tỉnh miền Trung chuyển đổi lưới 16kV thành lưới 22kV, Hà Nội chuyển lưới 6, 10, 36 kV thành lưới 22kV. Riêng khu vực TP HCM, EVN sẽ chuyển đổi lưới 15kV khu vực các huyện ngoại thành, các quận ven đô thành lưới 22kV, các quận trung tâm vẫn tạm thời duy trì ở cấp điện áp 15kV. Với khu vực miền núi phía Bắc sẽ được tồn tại 2 cấp điện áp 35, 22 kV.

Đặc biệt, ngành điện cũng xác định phải bằng mọi cách chuẩn hóa sử dụng dây dẫn, thiết bị diện và máy biến áp vào lưới điện phân phối để nâng cao độ tin cậy đối với khả năng cung cấp điện. Trong đó, ngành điện xác định ưu tiên khu vực nội thị tại các thành phố lớn cần đẩy mạnh xây dựng, cải tạo lưới điện sử dụng công nghệ cáp ngầm XLPE (cáp trung/hạ thế), các khu vực còn lại tiến tới sử dụng cáp bọc, cáp vặn xoắn. Song song với đó, ngành điện cũng xác định đẩy mạnh việc ngầm hóa lưới điện, tập trung tại khu vực nội thành các thành phố lớn như TP Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, trang bị, bổ sung hệ thống bảo vệ, máy biến áp di động cho lưới phân phối điện. Sử dụng hiệu quả công tác sửa chữa nóng lưới phân phối tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng.

Hiện nay, ngành điện lực Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức như sự quá tải của lưới điện, sự phát triển không đồng đều của các vùng phụ tải điện… Để hoàn thành chiến lược công nghệ điện lực, EVN đã và đang nỗ lực điều chỉnh, hợp lý hóa một cách linh động các ứng dụng công nghệ cao trong phát triển ngành công nghiệp điện Việt Nam.

Thành Công