Dồn dập vốn đổ vào thị trường logistics Việt

09:43 | 02/10/2023

146 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất nổi bật của thế giới, từ đó góp phần đưa thị trường logistics hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

Nhiều dự án mới được đưa vào hoạt động

Nhiều dự án logistics quy mô lớn, vốn đầu tư “khủng” đã được đưa vào hoạt động tại Việt Nam - cho thấy sức hút của thị trường logistics Việt vẫn chưa “giảm nhiệt”, bất chấp tình hình kinh tế còn khó khăn.

Theo đó, hồi đầu tháng 9/2023, SPX, đơn vị cung cấp dịch vụ giao hàng với mạng lưới giao nhận hàng hóa trải rộng khắp 63 tỉnh thành trên cả nước đã đưa vào hoạt động Trung tâm phân loại hàng hóa tự động (Sorting Center) quy mô hiện đại tại khu công nghiệp xanh VSIP - Vietnam Singapore Industrial Park (tỉnh Bắc Ninh), có tổng diện tích lên đến 100.000 m2.

Theo SPX, đây là Trung tâm phân loại lớn và hiện đại nhất của SPX trong khu vực Đông Nam Á, có thể xử lý đến 2,5 triệu bưu kiện mỗi ngày sau giai đoạn 1 và dự kiến sẽ đạt 5 triệu bưu kiện mỗi ngày ở giai đoạn 2. “Trung tâm phân loại mới này ra đời nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu của ngành thương mại điện tử và nền kinh tế số đang tăng trưởng vượt bậc, đồng thời còn là cầu nối giúp sản phẩm từ các nhà bán hàng, doanh nghiệp và thương hiệu đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, an toàn”- bà Nguyễn Kim Anh, Giám đốc SPX, chia sẻ.

Dồn dập vốn đổ vào thị trường logistics Việt
Thị trường logistics Việt Nam tiếp tục thu hút vốn đầu tư

Cũng trong tháng 9, tại Bình Dương, FM Logistic - Công ty cung cấp dịch vụ hậu cần đến từ Pháp đã khánh thành trung tâm phân phối đa khách hàng hiện đại ở Bắc Tân Uyên, Bình Dương. Trung tâm này có diện tích trên 20.000 m2, vốn đầu tư lên tới 50 triệu USD, khả năng mở rộng lên đến 50.000 m2, trang bị 78 cửa xuất nhập hàng, cùng các tính năng thiết lập an toàn và bảo mật cao nhất, cung cấp các dịch vụ lưu trữ, quản lý, vận hành và phân phối đạt chất lượng cao, tối ưu hóa chi phí.

Theo tiết lộ của FM Logistic, việc xây dựng mở rộng trung tâm được chia thành 3 giai đoạn, trung tâm phân phối này cho phép khách hàng của FM vừa có thể mở rộng quy mô hoạt động, vừa đảm bảo sự phát triển của khách hàng trong cùng một cơ sở.

Việc đưa trung tâm mới đi vào hoạt động trong thời điểm này được ông Hamza Harti - Giám đốc điều hành của FM Logistic Việt Nam nói rằng, tiềm năng phát triển lĩnh vực logictics của Việt Nam còn rất lớn. “Đối với kho này, mặc dù mới đi vào vận hành nhưng 20.000 mét vuông đầu tiên đã đầy khách thuê. Chúng tôi sẽ sớm đẩy nhanh quá trình đầu tư các giai đoạn tiếp theo trong năm 2025”- ông Hamza Harti nói.

Ngoài 2 dự án kể trên, vào ngày 29/9 còn có thêm dự án kho lạnh được Công ty TNHH MTV Đầu tư Long An và Công ty Cổ phần Logistics Long An (2 công ty con của Công ty Cổ phần Transimex) đưa vào hoạt động tại Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc 2, Bến Lức, tỉnh Long An.

Theo chủ đầu tư, với mức đầu tư lớn, sau 14 tháng thi công, Long An Logistics sở hữu kho lạnh có công suất lưu trữ lớn và hiện đại tại Việt Nam hiện nay với tổng diện tích 29.000m2, sức chứa 56.000 vị trí pallets, bao gồm 1 kho đông tự động và 2 kho đông từ -18oC đến -22oC, 2 kho mát từ 2oC đến 6oC, 3 kho nhiệt độ phòng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Transimex, Giám đốc Công ty Cổ phần Logistics Long An, sau khi hoàn thành giai đoạn 1, giai đoạn 2 của công ty được xây dựng khu kho lạnh vận hành hoàn toàn tự động với công suất lưu trữ 40.000 vị trí pallet, lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái sử dụng năng lượng tái tạo cho vận hành kho lạnh nhằm bảo vệ môi trường.

Trước những dự nêu trên đã có không ít dự án khác được đưa vào hoạt động như: Dự án Trung tâm phân phối (HCM DC) tại TP. Hồ Chí Minh của Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn (SATRACO) - công ty thành viên thuộc Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO); hay Trung tâm phân loại hàng hóa công nghệ cao Lazada Logistics Park tại Bình Dương của Tập đoàn Lazada…

Dư địa thị trường còn lớn

Điểm qua một vài dự án kể trên có thể thấy thị trường logistics Việt Nam tiếp tục là thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư - bấp chấp những khó khăn đang hiện hữu của nền kinh tế. Lý giải cho điều này, các chuyên gia của Savills cho biết, ngành công nghiệp logistics Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ nhờ sự tăng trưởng của thương mại điện tử.

Cụ thể, báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số công bố cho thấy, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Ước tính, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt 20,5 tỷ USD, chiếm khoảng 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Theo ông Thomas Rooney, Quản lý Cấp cao, Dịch vụ Tư vấn Bất động sản, Savills Hà Nội, trước những bước phát triển mạnh mẽ, logistics tại Việt Nam hiện vẫn tập trung hầu hết tại các thị trường lớn. Đây là cơ hội với các nhà đầu tư đối với mảng này để mang tới nguồn cung đáp ứng nhu cầu ngày càng đi lên của logistics. Cũng theo ông Thomas Rooney, thị trường logistics hiện nay vẫn chưa được khai phá hết tiềm năng. Nguồn cung chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu, đòi hỏi các chủ đầu tư cần linh hoạt đưa ra những mô hình mới và tối ưu diện tích kho bãi sẵn có.

Phân tích về nhu cầu đối với logistics, ông Thomas cho biết, ngành thương mại điện tử cần diện tích thuê kho lớn để lưu trữ nhiều mặt hàng cũng như lắp đặt hệ thống hỗ trợ hoạt động lấy hàng, đóng gói. Thêm vào đó, các nhà sản xuất quốc tế với những mặt hàng giá trị gia tăng cao đều kỳ vọng có cả mặt bằng kho bãi để lưu trữ hàng hóa sau sản xuất. Thực tế cho thấy nguồn cung đối với mặt bằng nhà kho tại thị trường Việt Nam, đặc biệt tại phía Bắc vẫn chưa nhiều. Do vậy, các nhà đầu tư có thể cân nhắc tới các nhà kho cao tầng hoặc kho cảng thông minh.

“Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất nổi bật của thế giới với môi trường đầu tư ngày một được cải thiện và các Hiệp định thương mại lớn được ký. Điều này đã tạo thêm sức hút của thị trường công nghiệp Việt Nam đối với danh mục đầu tư của các doanh nghiệp quốc tế lớn và uy tín. Đầu tư về hệ thống hạ tầng và kho vận sẽ đồng thời củng cố chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất. Đi kèm với đó, triển vọng tích cực của ngành thương mại điện tử và nhu cầu giao hàng nhanh tiếp tục tăng cao hứa hẹn sẽ là tiền đề để thị trường logistics thêm phát triển trong thời gian tới với những mô hình hoạt động hiệu quả và được tối ưu hơn” - ông Thomas Rooney nhận định.

Ông Hamza Harti, Giám đốc điều hành của FM Logistic Việt Nam: Tham vọng trở thành nhà cung cấp logistics đứng top 3 tại Việt Nam

Việt Nam là một ứng viên sáng giá có thể trở thành trụ sở chính cho các trung tâm phân phối vùng tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Với vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng phát triển, chi phí lao động và vận hành cạnh tranh, Việt Nam mang đến nhiều cơ hội hấp dẫn cho các doanh nghiệp muốn thành lập hoặc mở rộng hoạt động thị trường của mình tại châu Á. Ngoài ra, lợi thế sở hữu một di sản thương mại lâu đời, cùng quan hệ thương mại năng động với các nước láng giềng, càng nâng cao vị thế của Việt Nam với vai trò là một trung tâm hậu cần nổi bật ở châu Á.

Cũng theo ông Hamza Harti, FM Logistic nhận thấy thị trường dịch vụ kho bãi tới đây sẽ có nhu cầu dịch chuyển xa ra so với TP. Hồ Chí Minh. Chẳng hạn như kho mới của FM Logistic tại Bình Dương, mặc dù mới đi vào vận hành nhưng 20.000 mét vuông đầu tiên đã đầy khách thuê.

Ông Hamza Harti cũng bày tỏ tham vọng rằng FM Logictics muốn trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ logistics trong top 3 Việt Nam và toàn toàn tự tin tham vọng này sẽ đạt được trong vòng 3 năm tiếp theo.

Bà Nguyễn Kim Anh, Giám đốc SPX: Sẽ tiếp tục mở rộng trong tương lai

Việc khánh thành Trung tâm phân loại hàng Bắc Ninh vào đầu tháng 9/2023 đánh dấu một cột mốc vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của SPX. Trung tâm phân loại mới này ra đời nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu của ngành thương mại điện tử và nền kinh tế số đang tăng trưởng vượt bậc, đồng thời còn là cầu nối giúp sản phẩm từ các nhà bán hàng, doanh nghiệp và thương hiệu đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, an toàn, đáng tin cậy hơn.

Trong tương lai, chúng tôi sẽ liên tục cải thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo dịch vụ vận chuyển cho thương mại điện tử và người bán hàng địa phương để thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nền kinh tế kỹ thuật số.

Theo Báo Công Thương

Vai trò không thể thiếu của công nghệ trong lĩnh vực logistics

Vai trò không thể thiếu của công nghệ trong lĩnh vực logistics

Trong lĩnh vực logistics đầy cạnh tranh tại Việt Nam, các doanh nghiệp không ứng dụng công nghệ mới sẽ đẩy tương lai của mình vào thế rủi ro.