Đổi mới báo chí trước xu thế thời đại

08:51 | 10/12/2015

882 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 26-11 vừa qua, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận và đều nhất trí rằng, việc sửa đổi Luật Báo chí là rất quan trọng, cấp thiết, phù hợp với xu thế phát triển nhanh chóng của thời đại và nhận định đây là một dự luật khó.

Trước đó, thẩm tra dự án luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã đánh giá: “Điểm mới của dự thảo luật so với luật hiện hành là cụ thể hóa chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013; mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; quan tâm đến kinh tế báo chí; thừa nhận và cụ thể hóa phạm vi, lĩnh vực và nội dung liên kết trong tất cả các loại hình báo chí; bổ sung một số quy định mới về tổ chức báo chí”.

tin nhap 20151201085051

Dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần này có nhiều điểm mới về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Dự thảo luật cũng lựa chọn luật hóa những quy định trong các văn bản dưới luật về thông tin trên báo chí, thẻ nhà báo, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú… đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật nhằm tăng tính khả thi của luật.

Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận vừa qua, các ĐBQH đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để dự thảo luật chỉnh sửa bổ sung và trình Quốc hội vào kỳ họp sau.

Về quy định “Người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng giám đốc, giám đốc; cấp phó của người đứng đầu là phó tổng giám đốc, phó giám đốc”, có ý kiến cho rằng, các cơ quan báo lớn có rất nhiều ấn phẩm, đa phương tiện thì quy định này có thể áp dụng được, nhưng cơ quan báo chí nhỏ chỉ có 1 ấn phẩm thì việc áp dụng quy định này gây thêm nhiều rắc rối trong quá trình quản lý.

Về việc quản lý báo chí, ĐBQH Thuận Hữu - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nêu ý kiến: “Tại sao lại bắt cơ quan chủ quản báo cáo hoạt động của cơ quan báo chí với cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí. Thế chủ quản là Chính phủ thì Chính phủ cũng phải báo cáo Bộ Thông tin & Truyền thông à?”. Đồng thời, việc quản lý các cơ quan thường trú của các báo cũng nên để chính các báo đảm nhiệm chứ không nên giao cho UBND các địa phương; bởi như dự thảo thì sẽ thêm một khâu trung gian quản lý báo chí.

Về tuổi nghỉ hưu của tổng biên tập, đại biểu Cù Thị Hậu - Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam và đại biểu Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng thể hiện sự chưa đồng tình với quy định quản lý nhân sự với cơ quan báo chí. Bà Hậu cho rằng, khống chế cứng tuổi nghỉ hưu với tổng biên tập là khiên cưỡng, nhất là với các tờ báo không thuộc diện Nhà nước cấp kinh phí.

Nhiều ý kiến chỉ rõ, dự thảo luật cũng chưa quy định việc xử lý vi phạm trong quá trình đọc, kiểm tra báo chí lưu chiểu, chưa quy định các chính sách phát triển báo chí hay bảo đảm quy định tự do báo chí. Dự thảo quy định: “Nhà báo, công dân có quyền tiếp cận thông tin mà pháp luật không cấm” là rất chung chung. Một số địa phương, đơn vị, cá nhân chưa thực hiện nghiêm quy định về cung cấp thông tin cho báo chí, né tránh hoặc tìm cách không cung cấp thông tin cho báo chí. Điều đó khiến để lại khoảng trống thông tin, dẫn đến những suy diễn, đồn đoán từ nguồn thông tin không chính thống.

Việc báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật và xu hướng thương mại hóa có chiều hướng tăng nhanh. Do đó, các đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định  thẩm quyền của các cơ quan quản lý và chế tài cụ thể với các nhà báo không tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp và tổng biên tập cho đăng những tin bài không đúng tôn chỉ mục đích, đi ngược lại truyền thống văn hóa Việt Nam thì phải chịu trách nhiệm ra sao thì mới đủ sức răn đe.

Do Luật Báo chí hiện hành không đề cập đến chủ thể phóng viên nên thời gian qua nhiều phóng viên bị từ chối cung cấp thông tin, cản trở trong quá trình tác nghiệp vì chưa có thẻ nhà báo. Nhiều cơ quan báo chí phải cấp giấy giới thiệu tạm thời cho phóng viên đi làm việc, trong khi đó vẫn có cơ quan báo chí tự ý cấp thẻ phóng viên không đúng quy định dẫn đến khó khăn trong quản lý báo chí. Vì thế, chủ thể phóng viên cần luật hóa để đảm bảo việc quản lý, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích của phóng viên trong quá trình tác nghiệp.

Đặc biệt, trong phiên thảo luận này, nhiều ý kiến đã đề cập tới “việc ăn theo” và “sống ký sinh” của các trang thông tin tổng hợp. Các đại biểu ví các cơ quan báo chí thì “làm thật, ăn giả”, còn các trang mạng cứ vô tư “làm giả, ăn thật”, lấy thông tin từ các báo đưa lên rồi thu lợi bất chính…

Vì vậy lần sửa đổi bổ sung này, người làm báo nói riêng và dư luận xã hội nói chung rất mong cơ quan soạn thảo bổ sung những điều luật và chế tài cụ thể, thiết thực để bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền thông tin, quyền lợi của nhà báo cũng như có những hình thức xử phạt nghiêm khắc với những hoạt động sai với tôn chỉ mục đích của báo chí và sai với chức năng thông tin của các trang mạng.

 

Bùi Đức

Năng lượng Mới 479