Doanh nghiệp thủy sản Quảng Ngãi lao đao vì thiếu nguyên liệu tôm, cá
Xuất khẩu cá ngừ có dấu hiệu chậm lại |
Xuất khẩu tôm hùm, cua, ốc, ngêu sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng đột phá |
Ảnh minh họa |
Công ty TNHH Hải sản Nghi Bông tại KCN Quảng Phú đã phải ngừng hoạt động nhiều tháng do không có đủ nguyên liệu tôm để chế biến và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Giám đốc công ty, bà Phạm Thị Bông, chia sẻ rằng sau dịch Covid-19, việc sản xuất gặp khó khăn khi doanh nghiệp không thể tìm được nguồn tôm dù đã tìm kiếm khắp trong và ngoài tỉnh. Ngay cả khi doanh nghiệp đã liên kết với các hộ nuôi tôm để bao tiêu sản phẩm, nhiều hộ vẫn phá vỡ cam kết khi có thương lái trả giá cao hơn.
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Nghi Bông mà nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản tại KCN Quảng Phú cũng đang gặp khó khăn tương tự. Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Gallant Dachan Seafood, bà Hồ Thị Hoàng Anh, cho biết hiện tại công ty chỉ tự chủ được khoảng 30% nguồn tôm nguyên liệu từ Quảng Ngãi, phần còn lại phải thu mua từ các tỉnh khác, gây nhiều bất lợi trong sản xuất.
Không chỉ tôm, các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn với nguyên liệu cá. Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Hoàng Rin, hoạt động chế biến tôm và cá xuất khẩu sang Thái Lan và Philippines, cho biết nguyên liệu chỉ tập trung từ tháng 4 đến tháng 9, khiến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong những tháng thiếu hụt nguyên liệu.
Quảng Ngãi có sản lượng thủy sản khai thác lớn, nhưng chỉ khoảng 47% sản lượng cập cảng trong tỉnh, còn phần lớn bị thương lái ngoài tỉnh thu mua. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong tỉnh phải tìm kiếm nguyên liệu từ các tỉnh khác để duy trì hoạt động.
Theo định hướng phát triển, Chính phủ muốn giảm khai thác, tăng cường nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới. Tuy nhiên, diện tích nuôi tôm ở Quảng Ngãi đang dần thu hẹp do gặp nhiều khó khăn về quy hoạch và điều kiện tự nhiên. Ông Nguyễn Đức Bình, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, khuyến nghị các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ hơn với các hộ nuôi trồng thủy sản để đảm bảo nguồn nguyên liệu, đồng thời đầu tư máy móc hiện đại và kho trữ để chủ động trong sản xuất.
Các doanh nghiệp thủy sản cũng đề xuất tỉnh hỗ trợ ngư dân phát triển đội tàu đánh bắt, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đồng thời có chính sách khuyến khích phát triển vùng nuôi tập trung và chuỗi giá trị từ khai thác, nuôi trồng đến tiêu thụ sản phẩm.
Quảng Ngãi hiện có 17 doanh nghiệp chế biến thủy sản đang hoạt động tại KCN Quảng Phú với công suất gần 50.000 tấn/năm. Trong giai đoạn 2020-2023, tổng sản lượng chế biến đạt hơn 64.500 tấn, vượt 134% công suất đăng ký. Sản lượng tiêu thụ nội địa đạt gần 38.500 tấn, trong khi xuất khẩu đạt hơn 22.400 tấn, với giá trị trung bình 28,9 triệu USD/năm. Các thị trường xuất khẩu chính bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Trung Đông.
PV
-
Phát triển khoa học công nghệ gắn với kinh tế biển
-
Bình Định tăng cường phối hợp với các tỉnh phía nam quản lý tàu cá
-
Quảng Ninh: Nhiều tiềm năng trở thành trung tâm thủy sản của miền Bắc
-
VASEP: Cá ngừ Việt Nam đứng trước cơ hội “vàng”
-
Khu kinh tế Ninh Cơ - Hạt nhân phát triển kinh tế biển của Nam Định