Doanh nghiệp FDI tiếp tục báo lỗ!

14:48 | 06/01/2021

313 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đến cuối năm 2019 có 25.054 doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam nhưng chỉ có 22.603 doanh nghiệp có dữ liệu BCTC đầy đủ để phân tích.

Đây là kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của các doanh nghiệp FDI được Bộ Tài chính gửi Thủ tướng mới đây. Kết quả cho thấy vẫn còn nhiều bất cập tồn tại lâu năm chưa được khắc phục.

doanh thu của 55% doanh nghiệp FDI báo lỗ trong năm 2019 được ghi nhận khoảng 846,8 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu của 55% doanh nghiệp FDI báo lỗ trong năm 2019 được ghi nhận khoảng 846,8 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, doanh thu năm 2019 của các doanh nghiệp FDI đạt hơn 7,1 triệu tỷ đồng, tăng hơn 720 nghìn tỷ đồng so với năm kế trước. Lợi nhuận trước thuế năm 2019 của doanh nghiệp FDI đạt khoảng 387 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 324,4 nghìn tỷ đồng.

Doanh nghiệp FDI báo lỗ tăng 12,7%

Trong năm 2019, có 9.494 doanh nghiệp báo lãi, chiếm tỉ lệ 45% số doanh nghiệp có báo cáo. Còn lại 55% doanh nghiệp báo lỗ, tương đương con số 12.455 doanh nghiệp lỗ. Đáng chú ý, doanh thu của 55% doanh nghiệp FDI báo lỗ trong năm 2019 được ghi nhận khoảng 846,8 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, doanh thu của các doanh nghiệp FDI báo lỗ đang tiếp tục tăng lên.

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, các nhóm ngành hai năm liền có số doanh nghiệp FDI lỗ trước và sau thuế tăng là sản xuất sắt, thép và kim loại khác; dầu khí, xăng dầu, nhiên liệu khí và sản phẩm hóa dầu; viễn thông, phần mềm.

Về doanh nghiệp FDI lỗ lũy kế nhiều năm trên báo cáo tài chính, Bộ Tài chính cho biết, đến hết năm 2019 có 14.822 doanh nghiệp FDI lỗ lũy kế, chiếm 66% doanh nghiệp báo cáo.

Tổng giá trị lỗ lũy kế của các doanh nghiệp FDI trên báo cáo tài chính khoảng 520.700 tỷ đồng. Ngoài ra, số doanh nghiệp FDI lỗ mất vốn trong năm 2019 là 3.545 doanh nghiệp, tăng 24,2% cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, vẫn còn hiện tượng chuyển giá, trốn thuế ở một số doanh nghiệp FDI. Có doanh nghiệp luôn báo lỗ, thậm chí lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh thu các năm đều tăng gây thất thoát, thiệt hại cho ngân sách nhà nước (NSNN).

“Formosa Hà Tĩnh và Posco Yamoto Vina tổng doanh thu vẫn tăng nhưng nộp NSNN lại giảm từ 101 tỷ đồng xuống còn 92,6 tỷ đồng. Đóng góp cho NSNN chưa tương xứng với những ưu đãi (đất đai, thuế...) dành cho những doanh nghiệp lớn này”, Bộ Tài chính nhận định.

Điển hình nhất là vụ Coca-Cola Việt Nam bị truy thu, xử phạt về thuế hơn 821 tỷ đồng vào cuối năm 2019. Đây được xem là doanh nghiệp FDI đứng đầu danh sách nghi án chuyển giá tại Việt Nam và Cục Thuế TP.HCM đã xếp doanh nghiệp này ở vị trí số 1 trong danh sách doanh nghiệp có nghi vấn chuyển giá. Kể từ khi vào Việt Nam từ năm 1995 đến nay, Coca-Cola báo lỗ tới hơn 20 năm liên tiếp.

Ngoài Coca-Cola Việt Nam, cuối năm 2019, qua kiểm tra, cơ quan thuế cũng truy thu Heineken Việt Nam 916 tỷ đồng tiền thuế và tiền chậm nộp thuế. Trước đó, một loạt doanh nghiệp FDI khác cũng bị truy thu thuế như Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered bị truy thu 19 tỷ đồng…

Nhiều “trò” biến lãi thành lỗ

Lý giải thực trạng này, ông Đoàn Xuân Tiên - Phó tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, không ít tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp FDI đã thiết lập một hệ thống trung gian phức tạp để mua đi - bán lại hàng hóa, dịch vụ giữa các công ty con, công ty liên kết.

Tổng giá trị lỗ lũy kế của các doanh nghiệp FDI trên báo cáo tài chính khoảng 520.700 tỷ đồng.
Tổng giá trị lỗ lũy kế của các doanh nghiệp FDI trên báo cáo tài chính khoảng 520.700 tỷ đồng.

"Họ thường bán hàng trong hệ thống với giá thấp hơn, thậm chí bán 2,3 vòng mới tới tay người tiêu dùng. Do đó, làm giảm nghĩa vụ nộp thuế, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt", ông Tiên nói.

Một phương pháp khác cũng được ông Tiên nhắc tới khi muốn "biến lãi thành lỗ" là bán sản phẩm, dịch vụ của công ty mình cho các công ty liên kết với giá thấp hơn giá thành, nhưng mua nguyên vật liệu, máy móc của họ với tỷ trọng lớn và mức giá cao hơn.

Ông Tiên cũng cho rằng, việc doanh nghiệp FDI lựa chọn mua sắm nhiều tài sản hữu hình từ bên liên kết so với các nguồn độc lập, dù chúng có thể được mua ngay tại địa phương với ưu điểm thuậ̣n tiện về vậ̣n chuyển, chủ động về thời gian là một dấu hiệu cho thấy họ muốn thực hiện chuyển giá.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng Bộ môn kiểm toán thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhiều doanh nghiệp FDI thường có lãi trong thời gian được miễn thuế, nhưng báo lỗ sau khi hết thời hạn này.

Bà Hoa cho rằng, sự thay đổi trong kết quả hoạt động báo cáo (lãi, lỗ) của doanh nghiệp FDI gắn liền với thời điểm phải thực hiện nghĩa vụ thuế cho thấy mục tiêu doanh nghiệp hướng tới là tránh hoặc giảm số thuế phải nộp.

Vì vậy, các giao dịch nội bộ với bên liên kết có thể được định giá theo cách để giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu tránh thuế. Ngoài ra, các khoản chi cho dịch vụ nội bộ và trong cùng hệ thống như đào tạo, tư vấn quản trị, tài chính sẽ chiếm tỉ trọng lớn và kéo dài qua nhiều năm.

"Dịch vụ tư vấn quản trị, đào tạo không có tính tái diễn đều đặn giữa các năm. Do đó, nếu chi phí cho các dịch vụ này diễn ra kéo dài ổn định qua nhiều năm thì đó là điều bất thường", bà Hoa nhận xét.

Vẫn theo bà Hoa, chuyển giá ở dịch vụ khó phát hiện hơn so với ở tài sản vật chất vì các dịch vụ mang tính đặc thù duy nhất, trên thị trường không tồn tại dịch vụ so sánh được nên không có giá thị trường để tham chiếu.

Các đối tượng được chuyển giao, bao gồm nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ, dịch vụ đào tạo, dịch vụ tư vấn đều có tính đặc thù do độc quyền, trên thị trường không có đối tượng có tính so sánh được. Do đó, không có giá thị trường để so sánh và đánh giá giá chuyển nhượng.

"Nguy cơ chuyển giá ở những đối tượng này cao hơn rất nhiều vì khó có căn cứ để xử phạt doanh nghiệp FDI", bà Hoa chia sẻ.

Theo enternews.vn

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps