DNNN: Góc tối sau những thành công

11:36 | 22/04/2012

502 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nắm trong tay hầu hết các lĩnh vực then chốt, mũi nhọn của nền kinh tế nhưng nhiều doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) lại đang phải đối diện với một loạt vấn đề như thua lỗ lớn, nợ xấu ngân hàng ở mức độ cao, nợ quá hạn kéo dài. Do đó, khi chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế của Đảng và Chính phủ đang được triển khai quyết liệt và mạnh mẽ, DNNN phải là lực lượng tiên phong, đi đầu nhằm củng cố sức mạnh nội tại của nền kinh tế.

Mỗi doanh nghiệp cần chủ động xây dựng phương án cơ cấu lại chính bản thân mình

Hiệu quả còn khiêm tốn!

Tại hội thảo “Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO” mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế đã khẳng định, trong những năm qua, mặc dù DNNN giảm về số lượng và giảm phần tài trợ của Nhà nước, nhưng trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng thì mạnh lên, quy mô vốn tăng, cơ bản thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt, có vị trí then chốt, làm công cụ vật chất để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế.

Các DN này bảo đảm hầu hết yêu cầu sản phẩm và dịch vụ công ích, các điều kiện giao thông, cáp điện, nước, thông tin, các vật tư hàng hóa cho xuất khẩu và thị trường trong nước, đóng góp cho NSNN, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đặc biệt, DNNN luôn chiếm tỉ lệ khá cao về xuất nhập khẩu. Tốc độ tăng kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân hằng năm 20%. DNNN là đầu mối xuất khẩu hầu hết các mặt hàng quan trọng như dầu thô, than, gạo, cao su, thủy sản, hàng may mặc… Đồng thời, chiếm trên 98% tổng số dự án liên doanh với nước ngoài, góp phần tạo ra nguồn ngân sách đáng kể từ khu vực này.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Thế giới, mặc dù các DNNN đang chiếm giữ một nguồn lực rất lớn của xã hội (khoảng 60% tín dụng của các ngân hàng, tổ chức tín dụng) nhưng lại đóng góp rất hạn chế cho nền kinh tế; tỉ trọng đóng góp cho GDP giải quyết việc làm, hiệu quả sử dụng các yếu tố sản xuất (đất đai, tiền vốn, nguyên vật liệu…) kém hơn các loại hình DN khác… Cơ chế quản lý vẫn còn nhiều bất cập, như quyền quản lý Nhà nước đối với DNNN, vai trò của chủ sở hữu hoặc người đại diện chủ sở hữu, vai trò và cơ chế trách nhiệm, quyền lợi của HĐQT hoặc HĐTV chưa rõ ràng; sự gắn kết lợi ích vật chất với trách nhiệm của người quản lý và đội ngũ lao động bộc lộ nhiều khiếm khuyết, bất cập…

Và theo số liệu được đưa ra tại buổi họp báo sáng 11/4, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính từ đầu năm đến nay, với riêng các DNNN, mức nợ xấu tại các ngân hàng của DNNN đã là 76.000 tỉ đồng, chiếm tới 70% tổng nợ xấu của các ngân hàng và đang có xu hướng tăng khi mà 1 đồng vốn của DNNN chỉ làm ra 0,095 đồng lợi nhuận trước thuế thì cùng 1 đồng vốn của công ty cổ phần (được chuyển đổi từ DNNN) lại làm ra 0,19 đồng lợi nhuận.

Dưới một góc nhìn khác, ông Đặng Quyết Tiến – Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết: Tính đến tháng 2/2012, cả nước đã sắp xếp được hơn 4.800 DN, trong đó có gần 3.400 DN và bộ phận DN đã cổ phần hóa (chiếm 71,8%). Ngoài ra, 100% DN được chuyển sang DN TNHH MTV và nhiều tổng công ty được tổ chức lại bằng cách hợp nhất, giải thể. Tuy nhiên, phần lớn các DN đã cổ phần hóa làm ăn kém hiệu quả, vốn sử dụng không hiệu quả, năng suất lao động không tăng. Và nếu loại bỏ ưu đãi trong quá trình cổ phần hóa thì hiệu quả kinh doanh còn khiêm tốn hơn nữa.

Cú hích cho nền kinh tế

Vị trí của các DNNN trong nền kinh tế là vô cùng quan trọng và điều này đã được thể hiện rất rõ tại Chỉ thị 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN. Theo đó, đổi mới DNNN là công tác được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo thường xuyên và đã đạt được những kết quả quan trọng. Thể chế, cơ chế quản lý DNNN và chuyển đổi DNNN được ban hành khá đồng bộ. DNNN giảm về số lượng, nhưng DN trong những ngành, lĩnh vực quan trọng thì quy mô vốn tăng lên, hiệu quả hoạt động tốt hơn, cơ bản thực hiện được vai trò nòng cốt của kinh tế Nhà nước, làm công cụ vật chất để Nhà nước định hướng và điều tiết kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DNNN hoạt động trong những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước chỉ tập trung vào những ngành, lĩnh vực kinh doanh chính. Hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực được giao; quản trị DN chưa theo kịp yêu cầu phát triển trong cơ chế thị trường. Việc quản lý Nhà nước và tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN còn bất cập.

Và mới đây, nhằm quán triệt các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đồng thời thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đặt ra trong năm 2011-2015 là phải đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN nhằm tạo ra khu vực DNNN có cơ cấu hợp lý, hiệu quả và sức cạnh tranh cao hơn, thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ được giao, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Đề án đổi mới quản lý Nhà nước đối với DN sau khi đăng ký thành lập với mục tiêu nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước đối với DN sau khi đăng ký thành lập; tăng cường việc tuân thủ pháp luật và giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật của DN.

Đề án đã đưa ra 3 nhóm giải pháp trọng tâm: Thứ nhất, nhóm giải pháp đổi mới mô hình giám sát DN sau đăng ký thành lập theo hướng phát huy vai trò của xã hội và của các chủ thể khác nhằm hỗ trợ Nhà nước trong quản lý, giám sát DN; Thứ hai, đổi mới công tác xây dựng pháp luật DN; Thứ ba, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý Nhà nước đối với DN sau khi đăng ký thành lập.

Xung quanh vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đắc Hưng (Học viện Tài chính) cho rằng: Muốn tháo gỡ những yếu kém, khuyết điểm để DNNN xứng đáng là xương sống, là huyết mạch của nền kinh tế thì bên cạnh những chính sách vĩ mô, mỗi DN cần phải tự ý thức, chủ động xây dựng phương án cơ cấu lại chính bản thân mình, từ đó tạo bước đột phá, phát triển.

Cụ thể: Cơ cấu lại quản trị điều hành các tập đoàn, tổng công ty, cần nâng cao năng lực lãnh đạo điều hành, thay đổi lãnh đạo, cần thiết thuê chuyên gia nước ngoài trong một số lĩnh vực; nâng cao hiệu quả đầu tư vốn của Nhà nước, hoàn thành dứt điểm, đúng tiến độ các dự án đầu tư, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và tập thể để dự án kéo dài, lãng phí và chậm đưa vào khai thác, sử dụng; nâng cao trách nhiệm trong việc huy động vốn và sử dụng có hiệu qua vốn đầu tư, chấm dứt việc thành lập nhiều công ty con, hạn chế tới mức thấp nhất việc thành lập các công ty liên kết, chỉ thành lập các công ty dạng này khi thực hiện các dự án, hợp đồng thuộc nhiệm vụ chức năng chính hay có liên quan trực tiếp đến chức năng chính; phải có lộ trình rõ ràng, chặt chẽ, thực hiện nghiêm và đúng kế hoạch việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

“Đặc biệt, cần có biện pháp giảm lãi suất cho vay trong nền kinh tế, ổn định tỉ giá. Bởi vì hai yếu tố này có liên quan, chặt chẽ rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của các DNNN nói riêng và các DN nói chung. Chính sách cần phải được linh hoạt, cần phải xem mức độ tác động của công cụ lãi suất trong kiềm chế lạm phát, cũng như tác động hai chiều trong điều chỉnh tỉ giá. Nói cách khác, chính sách tài chính – tiền tệ có liên quan chặt chẽ đến năng lực cạnh tranh của các DN trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay”, PGS.TS Nguyễn Đắc Hưng nhấn mạnh.

Thanh Ngọc