Trợ cấp nhiên liệu được tiến hành ở Đông Nam Á như thế nào?

16:15 | 25/07/2024

378 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Malaysia và Indonesia đều bắt đầu giảm bớt những khoản trợ cấp đã tồn tại lâu nay. Trước đó, những khoản trợ cấp này đã giữ giá nhiên liệu thấp hơn nhiều so với giá thị trường.
Trợ cấp nhiên liệu được tiến hành ở Đông Nam Á như thế nào?
Một nhân viên bán lẻ xăng dầu ở Malaysia. Ảnh AFP

Indonesia và Malaysia là hai trong số những gã khổng lồ về dầu mỏ ở Đông Nam Á. Những năm 1970 và đầu những năm 1980 là thời kỳ phồn thịnh của Indonesia nhờ vào giá dầu thô cao, khiến Chính phủ thời kỳ Cách mạng mới có nguồn ngoại hối dồi dào từ xuất khẩu dầu. Xuất khẩu dầu cũng là một phần quan trọng trong nguồn thu công của Malaysia vì Chính phủ kiếm được hàng tỷ đô la cổ tức hàng năm từ Công ty dầu khí quốc gia Malaysia - Petroliam Nasional Berhad (Petronas).

Khi một đất nước sở hữu nhiều dầu, quốc gia đó thường sẽ xuất khẩu sang các quốc gia khác với mức giá cao nhất mà thị trường có thể chấp nhận được. Sau đó, Chính phủ các nước này sẽ trợ giá nhiên liệu cho người dân trong nước, nhờ việc kiểm soát mạng lưới cung ứng và sản xuất của họ. Điều này giúp cho họ có được lợi ích tối đa từ cả hai phía.

Malaysia và Indonesia từ lâu đã đi theo chiến lược này, với giá xăng bán lẻ ở thị trường nội địa được trợ giá rất nhiều. Nhưng điều này hiện đang bắt đầu thay đổi. Malaysia đã cắt giảm trợ cấp nhiên liệu diesel vào tháng 6/2024, cho phép giá tăng khoảng 50%. Vào năm 2022, Indonesia đã cho phép giá xăng Pertalite được trợ cấp chính, nhưng cũng tăng khoảng 30%.

Chính phủ hiện đang cho thấy tín hiệu rằng họ có ý định siết chặt các quy định về ai có thể mua xăng Pertalite hoặc các dạng nhiên liệu được trợ cấp khác như dầu diesel. Trong khi đó, hiện tại thì gần như ai cũng có thể mua được, kể cả những người không cần thiết mua những loại xăng trợ cấp, như lái xe ô tô sang trọng và SUV. Kế hoạch cuối cùng vẫn đang được cân nhắc, nhưng có vẻ như Chính phủ sẽ sớm áp dụng các biện pháp nhằm tối ưu hoá việc hỗ trợ này.

Cải cách chương trình trợ cấp ở các nước này là điều mà nhiều nhà quan sát, đặc biệt là các nhà kinh tế, đã kêu gọi từ lâu vì chúng làm bóp méo thị trường. Tuy nhiên, một khi các khoản trợ cấp đã được ban hành thì rất khó để thu hồi vì không Chính phủ nào muốn nói với công dân của mình rằng họ sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho một mặt hàng thiết yếu mà trước đây có thể mua được với mức giá thấp hơn giá thị trường. Vậy tại sao điều này lại xảy ra vào thời điểm này?

Rõ ràng, lí do là để tiết kiệm tiền. Bằng cách giảm trợ cấp nhiên liệu diesel, nhà nước Malaysia được cho là sẽ tiết kiệm được khoảng 850 triệu USD chỉ riêng trong năm nay. Đối với Indonesia, động lực tài chính thậm chí còn lớn hơn. Lượng dầu dự trữ của Indonesia đang cạn kiệt và nước này không còn là nước xuất khẩu lớn trên toàn cầu. Các khoản trợ cấp nhiên liệu hào phóng là di sản của thời kỳ Indonesia có nhiều dầu so với hiện tại. Với chính quyền sắp tới dưới thời Tổng thống mới của Indonesia - Prabowo Subianto, cam kết đầu tư vào các chương trình xã hội và cơ sở hạ tầng cao cấp tốn kém. Chính phủ chắc chắn muốn tiết kiệm chi phí từ các khoản trợ cấp nhiên liệu là để hướng phần tài chính này vào các dự án có hiệu quả sản xuất hơn.

Trợ cấp nhiên liệu được tiến hành ở Đông Nam Á như thế nào?
Một cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở Indenesia. Ảnh AFP

Có lẽ cũng có yếu tố chính trị ở đây. Cả Malaysia và Indonesia đều mong muốn tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch và để làm được điều đó, họ phải coi trọng việc cải cách chính sách trợ cấp. Bất kỳ chính sách năng lượng sạch nào dựa vào giá cả để điều phối hoạt động kinh tế sẽ không hiệu quả khi nhiên liệu hoá thạch vẫn được trợ cấp, bởi vì giá mua và bán nhiên liệu khiến các nhà đầu tư và người tiêu dùng đưa ra nhận định sai. Việc giảm bớt trợ cấp không chỉ tiết kiệm tiền bạc mà còn phản ánh một sự thật rằng thế giới đang dần hướng đến năng lượng sạch và ngay cả những quốc gia từng là nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn cũng cần phải dỡ bỏ một số khoản trợ cấp nhiên liệu.

Tuy nhiên, những dỡ bỏ này có thể diễn ra một cách từ từ. Chúng ta cần cẩn trọng để không đánh giá quá mức về những cải cách nhỏ nhặt mà chúng ta thấy đang diễn ra. Mặc dù Malaysia đã giảm trợ cấp nhưng giá nhiên liệu cho người tiêu dùng trong nước vẫn thấp hơn nhiều so với giá ở hầu hết các thị trường khác. Tương tự ở Indonesia cũng vậy, Chính phủ vẫn tiếp tục chi hàng tỷ đô la trong ngân sách hàng năm để trợ cấp năng lượng dù họ có mục tiêu tốt hơn.

Đây là điểm quan trọng cần lưu ý khi xem xét cách thực hiện các sáng kiến năng lượng sạch dựa trên thị trường, như Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), có hiệu quả ở các quốc gia có trữ lượng nhiên liệu hoá thạch lớn. Indonesia và Malaysia đều cho thấy họ sẵn sàng giải quyết vấn đề trợ cấp nhiên liệu, làm sao vừa để tiết kiệm tiền và vừa khuyến khích đầu tư vào những các lĩnh vực khác như năng lượng sạch. Nhưng có lẽ họ sẽ tiến hành cải cách một cách chậm rãi. Những nỗ lực cố gắng tăng tốc có thể gặp phải sự phản đối, bởi vì suy cho cùng, các nhà hoạch định chính sách ở những quốc gia này phải chịu trách nhiệm trước người dân trong nước, đồng thời, việc tiếp cận nhiên liệu giá rẻ trong nhiều năm khiến việc tăng giá trở thành một điều vô cùng khó khăn.

Dừng trợ cấp xăng dầu: Angola đối mặt làn sóng biểu tìnhDừng trợ cấp xăng dầu: Angola đối mặt làn sóng biểu tình
Nhật Bản tiếp tục gia hạn trợ cấp nhiên liệuNhật Bản tiếp tục gia hạn trợ cấp nhiên liệu
Cải cách trợ cấp giá dầu của Malaysia - cú sốc sau một đêmCải cách trợ cấp giá dầu của Malaysia - cú sốc sau một đêm

Nh.Thạch

AFP