Định giá đúng doanh nghiệp để cổ phần hóa thành công

06:19 | 02/06/2014

1,583 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Điều quan trọng nhất để thực hiện thành công cổ phần hóa là đánh giá đúng tài sản của doanh nghiệp, vì nếu đánh giá thấp sẽ tạo kẽ hở làm thất thoát tài sản Nhà nước, ngược lại định giá quá cao quá sẽ không thu hút được nhà đầu tư, không cổ phần hóa được”, ông Nguyễn Gia Hảo, chuyên gia tư vấn kinh tế, Cố vấn pháp lý Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam) cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới.

Năng lượng mới số 326

Sát giá thị trường

PV: Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011-2015” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có nêu ra trọng tâm của tái cơ cấu là việc cổ phần hóa, tuy nhiên trong 3 năm qua (2011-2013) quá trình cổ phần hóa diễn ra rất chậm. Theo ông tại sao việc cổ phần hóa diễn ra chậm như vậy?

Ông Nguyễn Gia Hảo: Vừa qua có nhiều ý kiến phê phán rằng công cuộc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong mấy năm qua đã tiến hành rất chậm so với kế hoạch ban đầu. Nhiều nguyên nhân đã được nêu ra, song tôi cho rằng, nguyên nhân chủ yếu vẫn là về kinh tế, cổ đông, nhà đầu tư chỉ sẵn sàng đầu tư khi thấy cổ tức cao hơn lãi suất gửi tiền vào ngân hàng. Nôm na mà nói cổ phần hóa doanh nghiệp coi như định giá để “bán” doanh nghiệp, như Mác đã nói: “Hàng hóa chỉ trở thành hàng hóa khi nó thực hiện được giá trị (bán được) trên thương trường”, chúng ta không định giá đúng được thì sẽ không bán được. Theo tôi, đây cũng là lý do chính khiến việc cổ phần hóa diễn ra chậm.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Gia Hảo

Điều quan trọng nhất là đánh giá tài sản của doanh nghiệp sao cho đúng để định giá cổ phiếu thực sự sát với thị trường và khả năng huy động vốn trước tiên của người lao động tại từng doanh nghiệp và sau đó là các nhà đầu tư từ bên ngoài. Đánh giá thấp sẽ tạo kẽ hở cho việc thất thoát tài sản Nhà nước, ngược lại cao quá sẽ không thu hút được nhà đầu tư.

Thực tế nữa là nhiều doanh nghiệp đang chịu một khoản nợ quá lớn so với khả năng thanh toán (nợ xấu). Nếu đưa khoản nợ này vào ngay để đẩy giá cổ phiếu lên cao và trút trách nhiệm trả nợ cũ lên vai những nhà đầu tư mới thì rất khó cho việc cổ phần hóa. Đây là bài toán khó và luẩn quẩn. Theo tôi nên xem xét giãn nợ, để sau một thời gian sẽ “tính sổ” lại khoản nợ cũ nhằm giúp cho các doanh nghiệp sớm phục hồi khi thực hiện cổ phần hóa.

Việc hoạch định chiến lược và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa đương nhiên sẽ do đại hội cổ đông thông qua. Tuy nhiên, để cổ phần hóa thành công ban vận động cũng phải đưa ra phương hướng sao cho thực tế có thể thu hút được cổ đông. Để làm việc này, điều quan trọng đầu tiên là phải thay đổi tư duy từ cấp quản lý vĩ mô đến đơn vị sản xuất, kinh doanh, bởi lẽ người lãnh đạo nắm “vai trò then chốt, chủ đạo” mà thiếu bình đẳng trong điều hành thì sao có thể tạo ra được môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng, tiếp tục vẫn còn tình trạng “con đẻ” (doanh nghiệp Nhà nước), “con nuôi” (doanh nghiệp dân doanh) và lại còn có cả “con ngoài giá thú” (doanh nghiệp FDI).

PV: Theo ông doanh nghiệp có “tốt lên” sau khi cổ phần hóa hay không?

Ông Nguyễn Gia Hảo: Tôi có vài lần trao đổi với một số doanh nghiệp Nhà nước ở một số ngành, trong đó có vài đơn vị đã cổ phần hóa. Tôi cảm thấy việc đổi mới tư duy, tinh thần và phong thái làm việc trước và sau cổ phần hóa cũng chưa thực sự chuyển biến lắm. Điều đó có lẽ là đã in vào nếp nghĩ của nhiều người. Cổ phần hóa rồi, mình vừa là người đi “làm thuê” (ăn lương), mình vừa là “người chủ” (lĩnh cổ tức), song thói quen “làm thuê” vẫn cao hơn “làm chủ”, vì vậy, tinh thần chủ động tham gia công việc kinh doanh của đơn vị còn chưa chuyển biến, vẫn dồn lên trên ra quyết định là chính.

PV: Vậy các doanh nghiệp cần làm gì để nâng cao được hiệu quả sản xuất, kinh doanh sau khi thực hiện cổ phần hóa, thưa ông?

Ông Nguyễn Gia Hảo: Ta không thể có ngay “bình mới, rượu mới”, ta không thể chấp nhận “bình mới, rượu cũ”, tạm thời phải chấp nhận “bình cũ, rượu mới” vậy. Các doanh nghiệp Nhà nước sau khi cổ phần hóa phải hoạt động với một tinh thần mới, điều này chỉ có được là nhờ những người thực sự có tư duy mới điều hành, còn không, đành phải chấp nhận quy luật đào thải khốc liệt của thương trường… Đồng thời, nếu bên trên thay đổi tư duy mà dưới không chuyển thì cũng chẳng giải quyết được gì. Từng ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp phải thấy được trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này muốn tồn tại được thì mình phải luôn đổi mới.

Một ý kiến tôi muốn tham gia nữa là tốc độ phát triển khoa học kỹ thuật hiện nay rất nhanh, “tuổi thọ” của hàng hóa ngày càng ngắn lại, sự thay đổi ngày càng nhanh, song khi được hỏi về thời hạn của chiến lược doanh nghiệp, tôi thấy thường vẫn tính cho 10 năm, 15 năm; tôi e rằng, với thời hạn dài như vậy thì rất khó hiệu chỉnh so với thực tế, nhất là đối với một số ngành có hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm cao.

Phòng chống “chia phần hóa”

PV: Quay lại với việc thực hiện cổ phần hóa, nhiều người lo lắng việc thực hiện cổ phần hóa sẽ gây ra những thất thoát tài sản Nhà nước bởi sự trục lợi của các nhóm lợi ích. Vậy theo ông những điều gì cần thận trọng khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiêp Nhà nước để hạn chế tối đa tình trạng này?

Ông Nguyễn Gia Hảo: Để cho cổ phần hóa thực sự là công cuộc xã hội hóa về tư liệu sản xuất, xác định quyền làm chủ của người lao động, nhà đầu tư về tư liệu sản xuất bằng năng lực tài chính của mình, tránh tình trạng lợi dụng cổ phần hóa để “chia phần hóa”, nếu không muốn nói là lợi dụng cổ phần hóa để ăn cắp tài sản của Nhà nước và của người

Trong 2 năm 2014 và 2015 sẽ cổ phần hóa 432 doanh nghiệp, như vậy cứ khoảng 2 ngày sẽ có 1 doanh nghiệp được cổ phần hóa. Tổng số doanh nghiệp cổ phần hóa từ trước đến nay là 4.065 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước tính đến ngày 31-12-2013 còn 949 doanh nghiệp.

dân… thì phải tiến hành thận trọng, đòi hỏi việc cổ phần hóa phải công khai, minh bạch, không “áo gấm đi đêm”, lặng lẽ làm trong “nội bộ”. Tính minh bạch được thể hiện ở chỗ công bố công khai tài sản của các doanh nghiệp, người mua, giá mua để toàn dân được biết vì tài sản của doanh nghiệp Nhà nước là một phần tài sản của nhân dân, người dân có quyền được biết. Vì vậy, việc niêm yết công khai là một yêu cầu rất cần thiết trong quá trình cổ phần hóa.

PV: Có ý kiến cho rằng, cần đặc biệt thận trọng khi thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến khai thác tài nguyên, khoáng sản, các doanh nghiệp có cơ sở hạ tầng lớn... Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Gia Hảo: Với câu hỏi này tôi xin trao đổi xuất phát từ nghĩa vụ công dân hơn là dựa trên những luận cứ kinh tế. Tài nguyên, trước tiên phải hiểu là tài sản chung của quốc gia, hạ tầng của đất nước do Nhà nước dùng ngân sách, trong đó có tiền của người dân đóng góp, chủ yếu thông qua thuế và phí; tài nguyên của đất nước, trong đó có rừng và biển lại thường nằm ở những khu vực nhạy cảm liên quan tới an ninh kinh tế và quốc phòng… Vì vậy, không cho phép bất cứ ai lợi dụng việc được Nhà nước giao cho quản lý lại làm thất thoát tài sản quốc gia, kinh doanh không có hiệu quả và rất nguy hiểm, nếu lại “tô nhượng” với thời hạn quá dài! Do đó, tùy theo yêu cầu về an ninh kinh tế, an ninh quốc phòng và trình độ quản lý mà Nhà nước có thể “xã hội hóa” ngành hay khu vực nào đó để thu lại những đầu tư trong quá khứ và cho xã hội được tham gia kinh doanh, hưởng những lợi ích từ hiệu quả của kinh doanh và phát triển ngành hay địa phương đó.

Đối với lĩnh vực khai thác tài nguyên, ngoài những thứ thuế áp dụng đối với các doanh nghiệp, thuế tài nguyên và môi trường chắc phải là một phần Nhà nước phải thu hồi lại để điều tiết cho những hoạt động khác. Chắc những nhà làm chính sách cụ thể sẽ không cào bằng giữa các ngành và các địa phương. Một thực tế là tài nguyên có hạn, không phải vô tận nên việc khai thác sao cho còn “của để dành” cho các thệ hệ sau cũng là một vấn đề Nhà nước cần phải cân nhắc, đồng thời phải làm sao để tăng giá trị gia tăng bằng việc giảm xuất thô tài nguyên.

Đối với các ngành có cơ sở hạ tầng lớn như: đường sắt, hàng không, hàng hải… có lẽ cần cân nhắc để có thể cổ phần hóa dần từng công đoạn, không nên quá vội vàng cổ phần hóa ở những doanh nghiệp này; cầu đường, sân bay, bến cảng có thể Nhà nước vì lợi ích chung của cả quốc gia, Nhà nước còn cần phải nắm giữ. Còn đoàn tàu (đường sắt), đội tàu (hàng hải), máy bay… có thể cổ phần hóa để cho xã hội tham gia sẽ có hiệu quả hơn. Một thực tế là trong ngành viễn thông, tuy chưa cổ phần hóa triệt để, song việc phá vỡ độc quyền đã mang lại những hiệu quả lớn cho xã hội và tạo điều kiện cho cả ngành phát triển với tốc độ không thua kém với các nước như hiện nay.

PV: Theo ông, Nhà nước cần thực hiện cổ phần hóa đến mức nào?

Ông Nguyễn Gia Hảo: Cũng nên cân nhắc xem nhà nước cần nắm giữ bao nhiêu phần trăm vốn trong các doanh nghiệp sẽ được cổ phần hóa. Điều này tùy thuộc vào nhiều yếu tố, tùy theo từng ngành và từng địa phương, tùy thuộc vào việc Nhà nước xem xét, vào khả năng điều tiết của ngành đó đối với toàn bộ nền kinh tế, tới an ninh kinh tế, quốc phòng, vào khả năng quản lý vĩ mô của Nhà nước và vào khả năng đóng góp vốn của xã hội… Thiết nghĩ, đối với nhiều doanh nghiệp trong ngành như dịch vụ, thương mại thì Nhà nước cũng không cần phải giữ cổ phần lớn làm gì.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mai Phương (thực hiện)