Điện với “tam nông”

07:35 | 15/04/2015

440 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đến nay, lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn (tam nông) ở Quảng Nam đã có bước chuyển tích cực, đời sống người dân nông thôn ngày càng khấm khá hơn lên. Trong đó, nhiệm vụ cung ứng điện vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp đã tạo động lực thúc đẩy chính sách tam nông phát triển nhanh, bền vững.

Vai trò động lực

Trước khi có điện, năng suất cây trồng và con vật nuôi rất thấp, tự cung, tự cấp; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp manh mún, nhỏ lẻ; văn minh nông thôn chậm phát triển và chênh lệch khá xa so với thành thị. Người nông dân bám chặt ruộng vườn, đời sống cơ cực, vất vả, tình trạng “ly hương” ngày càng nhiều. Ngay khi tái lập tỉnh, lãnh đạo tỉnh chủ trương thu hút đầu tư thúc đẩy công nghiệp dựa trên một nền nông nghiệp bền vững, với chính sách nông nghiệp - nông dân - nông thôn toàn diện. Động lực chủ yếu để thực hiện chủ trương này, trong đó có năng lượng điện, nhưng lúc ấy nhiều xã còn chưa có điện hay chất lượng điện kém.

Vượt lên những thách thức đó, đến nay, 208/213 xã nông thôn của Quảng Nam, với 98% số hộ dân đã có điện. Chất lượng điện nhiều khu vực tăng lên, khắc phục tình trạng yếu điện nhiều nơi. Lưới điện nông thôn ít bị sự cố hơn, việc cắt điện bảo trì lưới điện không còn căng thẳng như trước nên số lần mất điện trung bình của một khách hàng giảm từ 37,3 lần năm 2011 xuống còn 19,9 lần năm 2014; thời gian mất điện trung bình của khách hàng giảm từ 6.697 phút xuống còn 1.992,7 phút…

Điện với “tam nông”

Một góc thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam

Điện cho nông thôn, nhất là ở khu vực miền núi mang tính phục vụ là chính. Tuy nhiên, việc nâng cao lợi ích của hộ dân cũng được chú trọng. Xuất phát từ đặc thù khó khăn trong kinh doanh điện ở nông thôn Quảng Nam, từ năm 2011, Đảng ủy công ty đã ban hành Nghị quyết tập trung chăm lo chất lượng dịch vụ khách hàng và điện nông thôn. Qua thực hiện nghị quyết, Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) đã cải thiện chất lượng điện năng và các dịch vụ điện nông thôn, tạo nền tảng thuận lợi triển khai các chương trình, mục tiêu mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đề ra. PC Quảng Nam cũng chủ động đề ra những giải pháp phù hợp với đặc điểm tâm lý tiêu dùng của khách hàng ở các vùng, miền ở nông thôn, tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận, tham gia, giám sát trong việc triển khai các tiện ích dịch vụ mà công ty đã công khai rộng rãi.

Nâng cao chất lượng sản phẩm và chất lượng phục vụ là điều kiện ắt có và đủ trong kinh doanh của PC Quảng Nam. Công ty đã xây dựng hệ thống quản lý tiên tiến, đổi mới công nghệ, triển khai tài liệu văn hóa EVNCPC và quy tắc ứng xử văn hóa của công ty. Mỗi năm, công ty mở các lớp huấn luyện, đào tạo để nâng cao năng lực chuyên môn, kiến thức quản lý và phương pháp chăm sóc khách hàng. Qua việc cụ thể hóa nội dung quy trình giao tiếp khách hàng của EVN và Nghị quyết của Đảng ủy công ty bằng hình thức chấm điểm thi đua, cũng như qua kiểm tra giám sát nội bộ; gửi thư lấy ý kiến đóng góp của khách hàng; động viên khen thưởng nêu gương người tốt, việc tốt kịp thời… Công ty đã cải tiến mạnh mẽ phong cách phục vụ của cán bộ, công nhân viên. Ngoài ra, công ty còn tạo nhiều thuận lợi cho người nông dân như rút ngắn thời gian giải quyết các dịch vụ, giảm thời gian lắp đặt công tơ từ 10 ngày xuống còn 5 ngày; chỉ số tiếp cận điện năng bình quân dưới 45 ngày đối với công trình do ngành điện đầu tư và dưới 60 ngày công trình do khách hàng đầu tư, với sự tư vấn hỗ trợ của công ty…

Tam nông khởi sắc

Từ một tỉnh thiếu điện, đến nay hầu như nông dân ai cũng có điện. Điện đã đem lại hiệu ích rất lớn, không chỉ thúc đẩy an sinh xã hội mà còn là động lực chủ yếu phát triển kinh tế, nhất là kinh tế hộ gia đình. Điện là tiêu chí của nông thôn mới và là động lực quan trọng thúc đẩy các tiêu chí khác. Hiện Quảng Nam đã có 57,3% số xã nông thôn đạt tiêu chí về điện, riêng với 60 xã điểm của tỉnh đợt đầu, đã có 98,3% xã đạt yêu cầu.

Ngoài sản xuất, thắp sáng, có điện, văn minh nông thôn thay đổi từng ngày trên cơ sở phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời; trình độ dân trí và kiến thức người nông dân tăng lên qua việc mở rộng giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ việc sử dụng các thiết bị nghe nhìn và công nghệ thông tin. Nếp sống sinh hoạt cộng đồng không còn co cụm ở làng xã, thôn nóc như trước mà được mở rộng ra phạm vi lớn, rút ngắn khoảng cách giữa miền ngược và miền xuôi.

Tốc độ dùng điện ở nông thôn đã, đang và sẽ tăng không ngừng do đòi hỏi cơ khí hóa ngành nghề, ứng dụng công nghệ mới, thay đổi tập quán canh tác, cải tạo vườn đồi, vườn tạp. Rất nhiều đồ dùng thủ công đã biến mất và thay vào đó là các thiết bị, dụng cụ dùng điện trong gia đình và trong kinh tế hộ. Điện thúc đẩy tăng năng suất trong công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và các trang trại, các cơ sở chăn nuôi tập trung, nuôi trồng chế biến thủy sản. Điện được đưa ra đồng để thủy lợi hóa đất màu, tưới tiêu chủ động hơn 56% diện tích gieo trồng. Ngoài ra, có điện đã tạo thông tin định hướng thị trường cho nông dân tiêu thụ hàng nông sản.

Một số nơi điện đã thúc đẩy các cụm công nghiệp, khôi phục phát triển làng nghề. Sản phẩm nông nghiệp tăng bình quân 4,32% giai đoạn 2011-2014, dịch vụ tăng 14%. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 còn 12,1%, giảm 2,8% so với năm 2013; thu nhập của dân cư nông thôn tăng hơn 2,5 lần trong 5 năm 2010-2014. Điện góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững, văn minh, giàu đẹp, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tạo cú huých quan trọng đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn Quảng Nam.

Điển hình như huyện Thăng Bình, từ khi có chủ trương “tam nông”, lượng điện tiêu thụ từ 10 triệu kWh (CN-TTCN 300.000kWh) năm 1997, đến nay đã tăng lên 86 triệu kWh (CN-TTCN 30,4 triệu kWh). Theo đánh giá của UBND huyện, toàn huyện hiện có 21 doanh nghiệp nhỏ, vừa và 1.520 cơ sở sản xuất TTCN được cấp điện ổn định, kinh doanh có hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, giá trị sản phẩm làng nghề, TTCN chiếm hơn 20% giá trị ngành công nghiệp; năng suất cây trồng và con vật nuôi không ngừng tăng; tình trạng “ly hương” của nông dân giảm mạnh. Năm 2014, tổng giá trị sản xuất ngành kinh tế của huyện đạt 2.509 tỉ đồng (giá cố định 1994), tăng 13% so với năm 2013; kinh tế hộ gia đình cũng đổi thay từng ngày. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 30,6% năm 2006 xuống còn 8,52% vào năm 2014, hộ cận nghèo giảm còn 9,18%.

Thời gian tới, PC Quảng Nam nỗ lực cấp điện thực hiện chính sách tam nông và đảm bảo cho 100% xã nông thôn mới đạt yêu cầu về tiêu chí số 4 (tiêu chí điện). Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án cấp điện nông thôn của tỉnh giai đoạn 2013-2020, với mục tiêu 100% xã, thôn có điện đến 2015 và 100% hộ dân có điện trước năm 2020. Mặt khác, năm 2015 tỉnh triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ về cung cấp điện các xã còn lại vùng núi cao và dự án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Cù Lao Chàm (TP Hội An) bằng cáp ngầm vượt biển.

Về lâu dài, hoạt động kinh doanh điện trên địa bàn các xã miền núi, hải đảo phải đối mặt với những khó khăn như: Vốn đầu tư lớn, khó hoàn vốn, nhiều rủi ro khách quan trong quản lý, hành lang an toàn lưới điện dễ bị xâm hại, doanh thu thấp, không lợi nhuận. Vì vậy, sự quan tâm của địa phương trong đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư và sự hậu thuẫn của người dân là rất cần thiết để PC Quảng Nam làm tốt nhiệm vụ cung ứng điện, góp phần để chính sách tam nông của Đảng và Nhà nước nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả cao hơn nữa.

Nguyễn Quang Vinh

(Giám đốc PC Quảng Nam)