Diễn biến nguy hiểm về cuộc nội chiến ở Syria

19:04 | 29/05/2013

1,231 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Việc EU dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với phe đối lập tại Syria đang có nguy cơ khiến cuộc khủng hoảng tại đây thêm trầm trọng vì nếu phe đối lập sẽ được EU trang bị vũ khí thì phe chính phủ cũng sẽ được Nga cung cấp tên lửa S-300.

>> Tên lửa S-300 sẽ làm nản lòng “những cái đầu hiếu chiến” tại Syria

>> Vì sao Mỹ và Israel sợ tên lửa S-300 của Nga?

Ngoại trưởng Anh William Hague (trái) và Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders tại hội nghị các bộ trưởng ngoại giao EU ở Brussels, 27/5/2013

Cuộc nội chiến tại Syria có nhiều diễn biến mới trong vài ngày qua, cả hai phe đều nói đến chuyện có thêm vũ khí và nỗ lực của Nga và Mỹ để triệu tập một hội nghị quốc tế đã bị trì hoãn.

Hôm 27/5, hai nước Anh và Pháp đạt một thắng lợi quan trọng tại hội nghị các ngoại trưởng EU, kết quả là hai nước này có thể gửi thêm vũ khí cho quân nổi dậy Syria.

Trưởng ban Đối ngoại EU, bà Catherine Ashton loan báo tin này sau khi họp suốt ngày ở Bruxelles: “Mọi người cố gắng tìm ra giải pháp tốt nhất để ủng hộ nhân dân Syria, và tìm ra cách nào tốt nhất để có một giải pháp chính trị càng nhanh càng tốt”.

Tuy nhiên, các thành viên EU đồng ý là họ sẽ khoan gửi vũ khí cho quân nổi dậy cho tới ít nhất là khi nào Nga và Mỹ triệu tập được một hội nghị quốc tế để bàn về giải pháp cho Syria.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Ryabkov gọi quyết định của EU cho phép gửi vũ khí cho quân nổi dậy là “đáng tiếc”, kế đó ông xác nhận Nga sẽ gửi tên lửa phòng không cho chính phủ Syria: “Nước Nga chúng tôi cung cấp phương tiện tự vệ cho một chính phủ đã có từ lâu nay, dựa trên hợp đồng đang có, và các tên lửa sẽ giúp chính phủ Syria đối phó với mối đe dọa về không kích”.

Các nhà phân tích nói rằng các tên lửa phòng không S-300 của Nga là để chống lại bất kỳ cuộc không kích có thêm của Israel hoặc chống lại sự can thiệp của Mỹ và châu Âu.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov gọi quyết định của EU cho phép gửi vũ khí cho quân nổi dậy là “đáng tiếc”, kế đó ông xác nhận Nga sẽ gửi tên lửa phòng không S-300 cho chính phủ Syria

Trong khi đó, ngày 27/5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã họp tại Paris, nhưng hai ông không thể xác nhận kế hoạch cho hội nghị hòa bình về Syria.

Theo sáng kiến của Matxcơva, ngày 30/6/2012, Hội nghị Quốc tế về Syria đã được tổ chức tại Genève, Thụy Sĩ, với sự tham dự của 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo An LHQ (Nga, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Anh), đại diện Liên đoàn Arập, Iraq, Koweit, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, đại diện Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, một năm đã trôi qua, xung đột vẫn tiếp tục tại Syria, khoảng 94.000 người thiệt mạng. Do vậy, Nga – đồng minh chủ chốt của chế độ Assad và Mỹ cố gắng tổ chức Hội nghị quốc tế về Syria – được gọi là Hội nghị Genève 2 vào đầu tháng 6 tới, thúc đẩy chính quyền Damas và phe đối lập đối thoại với nhau các điều khoản về chính phủ chuyển tiếp nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở nước này. Triển vọng tổ chức Hội nghị Genève 2 tạo hy vọng cho một giải pháp chính trị tại Syria. Bởi vì, cộng đồng quốc tế lo ngại cuộc khủng hoảng này lan sang các nước láng giềng.

Phía Nga nói rằng họ đã nhận được lời hứa “trên nguyên tắc” của chính phủ Syria sẽ gửi một đại diện đến dự hội nghị, nhưng một số nhóm thuộc phía nổi dậy cương quyết không muốn nói chuyện với chính phủ hoặc bàn về một vai trò tương lai của Tổng thống Assad.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng tìm được sự đồng thuận của tất cả các phe nhóm Syria là trở ngại chính: “Hai nước chúng tôi muốn hội nghị này trở thành hiện thực và nhiều nước khác cũng muốn tham gia. Chúng tôi đã bàn đến chuyện những ai sẽ tham gia, và chuyện này vẫn còn tiếp tục bàn thảo”.

Hệ thống tên lửa S-300 của Nga sẽ đảm bảo cho chính quyền Syria không bị bất kỳ cuộc không kích có thêm của Israel hoặc chống lại sự can thiệp của Mỹ và châu Âu

Một số nhà phân tích tin rằng các diễn biến mới nhất có thể buộc phe nổi dậy phải thay đổi lập trường.

Nhà phân tích David Hartwell của tổ chức an ninh IHS Jane nói rằng phe của Tổng thống Assad đã mạnh lên trong mấy tuần qua nhờ có tên lửa của Nga, thêm vũ khí của Iran, sự ủng hộ của nhóm Hezbollah, và chiếm được thêm một số điểm nóng.

Trong khi đó, phe nổi dậy vẫn tiếp tục mất đoàn kết, và có nhiều người e ngại phe này có những phần tử cực đoan. Nhà phân tích này nói tiếp: “Tất cả các yếu tố này hội tụ lại đúng vào thời điểm này để cho Tổng thống Assad, hay ít ra ông cũng tạo cho người ta cái cảm tưởng rằng ông sẽ vẫn tiếp tục tồn tại trong một thời gian dài. Chế độ của Tổng thống Assad đang có thêm tự tin và họ có thể thắng thêm vài trận nữa trong những ngày tới, kể cả tái chiếm Aleppo, thành phố lớn nhất Syria”.

Nhà phân tích Chris Doyle, chuyên viên về Syria cũng phải miễn cưỡng chấp nhận rằng Tổng thống Assad đang ở vào thế mạnh, đủ để ông ta có thể tồn tại, ít ra là trong giai đoạn chuyển tiếp: “Chúng ta không thể loại trừ khả năng này”.

Cho đến giờ này, phe nổi dậy vẫn muốn ông Assad ra đi, và các nhà phân tích nói rằng nếu không triệu tập được hội nghị quốc tế và nếu EU gửi vũ khí cho phe nổi dậy, thì tình hình người tỵ nạn sẽ tệ hại hơn, và viễn ảnh của một giải pháp chính trị càng xa vời thêm.

Hiện tại, khó có thể cho rằng kịch bản Syria sẽ kết thúc với kết quả như thế nào. Nếu tình trạng xung đột tiếp diễn, việc mất kiểm soát an ninh tại Syria sẽ đe dọa tới toàn bộ khu vực. Giới quan sát đang trông đợi với ảnh hưởng của hai siêu cường Nga - Mỹ, hội nghị quốc tế về Syria sắp tới có thể giúp chấm dứt bạo lực, tiến tới hòa giải dân tộc với sự tham gia của người dân Syria. Thế nhưng, hy vọng đó là hết sức mong manh trong bối cảnh hiện nay.

Th.Long (Tổng hợp)