Điện ảnh Việt: Bao giờ thì đến... ngày xưa!

19:00 | 13/07/2013

1,184 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lẽ thường, cuộc sống càng phát triển thì rõ ràng người ta phải hướng về phía trước, mơ những giấc mơ đẹp hơn. Thế nhưng có một thực tế là càng xem phim Việt đương đại, khán giả lại chỉ muốn quay lại ngày xưa…

Không dám mơ đến những giải thưởng như giải thưởng mà “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” đạt được: Giải thưởng của Hội đồng hoà bình thế giới và Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho nữ diễn viên Trà Giang tại Liên hoan phim (LHP) Moscow 1973, hay Huy chương vàng LHP quốc tế Moscow 1981, Giải đặc biệt của Liên đoàn báo chí Điện ảnh quốc tế của “Cánh đồng hoang”...

Không còn mơ đến cảnh khán giả ùn ùn kéo nhau vào rạp xem phim, đến mức, có người còn bị chết ngạt ở cửa như cái thời vàng son của dòng phim mì ăn liền. Với những “Lửa cháy thành Đại La”, hay “Phạm Công Cúc Hoa”.

Trà Giang trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm

Ngày nay, khán giả vẫn ùn ùn kéo nhau tới rạp nhưng không phải để xem phim Việt mà để xem phim nước ngoài. Những bộ phim hành động bom tấn của Mỹ. Những bộ phim tình cảm lãng mạn của Hàn Quốc. Hay cả những 3D - 4D - 5D đưa khán giả vào một không gian đa chiều, với những cảm giác cực mạnh.

Thời hoàng kim của những bộ phim chính luận kinh điển đã qua, thời hoàng kim của những bộ phim đậm chất thị trường cũng đã qua.

Công bằng mà nói, sau hai thời kỳ phát triển nói trên, điện ảnh Việt đương đại vẫn gặt hái được những thành công đáng kể. Bằng chứng là những giải thưởng quốc tế mà “Áo lụa Hà Đông”, “Chuyện của Pao”, “Trăng nơi đáy giếng”, “Chơi vơi”, “Bi đừng sợ” đạt được… Nhưng trong bối cảnh phim nhựa vừa thiếu lại vừa yếu, thì những tác phẩm điện ảnh có sự đầu tư cả chất xám lẫn kinh phí lâu lâu mới có một lần đó có thể nói là như muối bỏ bể. Kinh phí, kịch bản, và cả khâu diễn viên đang là những “vật cản” khiến những đạo diễn phim nhựa trong nước nhụt chí và dần bước chân sang địa hạt khác: phim truyền hình.

Điện ảnh chỉ có một mùa Tết là sôi động trong khi các kênh truyền hình thì phát triển như vũ bão hàng ngày hàng giờ, nhu cầu về phim truyền hình là rất lớn. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, gần như 100% các nhà làm điện ảnh đều và muốn đi làm phim truyền hình. Nguyên nhân chủ yếu là do làm phim truyền hình “an toàn” hơn. Một đạo diễn có nghề có thể kiếm vài trăm triệu một năm nếu làm hai phim truyền hình nhưng nếu làm phim nhựa phải mất 2-3 năm, nhuận bút chỉ khoảng trên dưới 50 triệu mà số phận của bộ phim đó thì cực “long đong” không biết sẽ về đâu. Từ nỗi lo doanh thu đến những vướng mắc ở khâu kiểm duyệt gây tranh cãi trong dư luận thời gian gần đây đã như giọt nước tràn ly, để các hãng phim vốn đã thận trọng lại càng phải thận trọng hơn mỗi khi bắt tay vào một dự án phim truyện nhựa nào đó.

Hồng Ánh là gương mặt "đắt giá" hiếm hoi của điện ảnh Việt đương đại

Phim truyện nhựa là cuộc chơi của thương hiệu còn phim truyền hình là mưu sinh. Suy đi tính lại, có mấy ai dám đổ tiền tỷ chỉ để đổi lấy nỗi thấp thỏm, mịt mờ. Xét cho cùng không ai dám đùa với nỗi lo cơm áo. Hơn nữa các nhà làm phim nước ta hình như cũng chưa biết cách chấp nhận thất bại.

Ít phim, và ít phim hay, nên dẫn đến thực trạng tất yếu là điện ảnh Việt đang thiếu hẳn những ngôi sao đúng nghĩa. Như thời của những Trà Giang, Thế Anh, Như Quỳnh, Chánh Tín… Những gương mặt đã làm nên diện mạo của một nền điện ảnh cách mạng. Hay như các minh tinh bán vé của dòng phim thương mại ở thời kỳ hưng thịnh như Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh…

Tiếc thay, cái thời điện ảnh Việt có giải diễn viên xuất sắc trong các Liên hoan phim quốc tế đã xa, cái thời một diễn viên có thể tạo nên cả một làn sóng hâm mộ cũng lùi vào dĩ vãng. Cho dù công nghệ làm phim bây giờ tốt hơn, kinh phí nhiều hơn, PR giỏi hơn, nhưng trên bầu trời điện ảnh Việt, thật khó có thể tìm thấy một diễn viên nào có được sức hút lẫn hào quang tỏa sáng của một ngôi sao thực thụ. Mà chỉ cần có tên họ trên poster cũng đã đủ để kéo khán giả chen lấn xô đẩy nhau tới rạp.

Nếu như không nhầm, ngoài Hồng Ánh từng đạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Dubai năm 2009 với bộ phim “Trăng nơi đáy giếng”, gần như chúng ta không tìm thấy gương mặt nào khác có tầm vóc quốc tế. Để đọ sắc đua tài với các minh tinh nước bạn, nói đâu xa xôi, như Trung Quốc hay Hàn Quốc chẳng hạn.

Mặc dù thành công với Chuyện của Pao, nhưng Đỗ Hải Yến vẫn không có nhiều đất để diễn

Chưa kể thực tế, “Trăng nơi đáy giếng” cũng như phần lớn các phim giật giải quốc tế ở nước ta lại thường bị xếp vào thể loại phim chỉ để dự liên hoan, xong rồi cho vào kho. Hoặc nếu may mắn được công chiếu, thì cũng bị cắt gọt. Thậm chí, đã được cắt gọt cẩn thận, thì vẫn tạo nên những khen chê trái chiều nhau trong dư luận, thậm chí bị khán giả phản ứng kịch liệt, ỉ ôi hết lời.

Nếu theo lời đạo diễn Lê Hoàng: “Diễn viên ăn khách là diễn viên đóng nhiều bộ phim ăn khách” thì điện ảnh Việt Nam còn lâu lắm mới có lại những ngôi sao thực sự.

Con đường vươn tới… ngày xưa của điện ảnh Việt hình như càng lúc càng vợi xa…

Ha Ny

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps