Điểm tin kinh tế ngày 22/5/19: Chứng khoán giảm nhẹ, vàng tiếp đà lao dốc
Chứng khoán giảm nhẹ, VN-Index xuống 983,78 điểm
![]() |
Chỉ số chứng khoán hôm nay (22/5) của một số sàn lớn trên thế giới. (Nguồn: Maybank Kim Eng) |
Dù tăng trong buổi sáng nhưng chịu áp lực lớn từ đà giảm của nhóm vốn hóa lớn, kết phiên VN-Index giảm nhẹ 2,51 điểm (-0,25%) xuống 983,78 điểm và HNX-index giảm nhẹ 0,15 điểm (-0,15%) xuống 106,13 điểm.
Thị trường Việt Nam tăng trong phiên sáng với sự tích cực lan tỏa ở nhiều cổ phiếu lớn. Diễn biến tiêu cực tại phiên chiều với đà giảm của các nhóm vốn hóa lớn như VNM (-1%), VHM (-0,2%), GAS (-0,9%), MSN (-1,4%), VRE (-0,6%), NVL (-2,2%), FPT (-1,4%), NT2 (-1,8%)…
Riêng nhóm ngân hàng CTG (+1,4%), MBB (+1,2%), VPB (+0,5%), BID (+0,5%) và nhóm vốn hóa lớn khác như HPG (+0,3%), PLX (+1,1%), HVN (0,7%), VJC (+0,6%), GMD (+0,2%) tăng nhẹ giúp đà giảm của VN-Index thu hẹp lại.
Kết phiên, VN-Index giảm nhẹ 2,51 điểm (-0,25%) xuống 983,78 điểm và HNX-index giảm nhẹ 0,15 điểm (-0,15%) xuống 106,13 điểm. Thị trường vẫn chịu áp lực chốt lời nhất định trong hôm nay và chấp nhận kết quả giảm nhẹ ở cả hai chỉ số. Trạng thái tại VN-Index tiếp tục duy trì mức tích cực nhẹ và HNX-Index vẫn là trung tính. Nhà đầu tư có thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu nhỉnh hơn tiền trong bối cảnh hiện nay.
Giá vàng lao dốc, xuống mức thấp nhất gần 2 tháng
Theo Reuters, giá vàng giao ngay phiên chiều 22/5 đã giảm 0,1% xuống còn 1.274,10 USD/ounce. Trong phiên trước đó, kim loại đã giảm xuống còn 1.268,97 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 3/5. Giá vàng tương lai của Mỹ không đổi ở mức 1.273,70 USD/ounce. Đồng đô la đang ở mức cao nhất trong bốn tuần khi Mỹ cấm cửa nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei.
Giá vàng hiện cao hơn 5% so với mức đỉnh cuối tháng 2 năm 2019 là 1.346,73 USD mỗi ounce. Trong khi đó, lượng vàng quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust nắm giữ đã tăng 0,4% lên 739,69 tấn vào thứ ba. Tuy nhiên, lượng vàng nắm giữ đã giảm gần 7% trong năm nay, cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư đã giảm bớt trước vàng thỏi.
Tỷ lệ nội địa hóa hàng Việt tiếp tục nâng cao
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày 21/5, Bộ Công Thương cho biết tỷ lệ nội địa hóa hàng Việt Nam đang tiếp tục tăng lên.
Cụ thể, sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực, tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất, tiêu thụ cao. Chỉ số tăng trưởng sản xuất công nghiệp qua các năm có sự tăng trưởng đáng kể (năm 2018 là 10,2%; năm 2017 là 9,4%; năm 2016 là 7,5%; năm 2015 là 9,8%). Sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí, ước tăng 9,9%/năm, tiếp đó là ngành chế biến, chế tạo ước tăng 9%/năm.
Một số ngành sản xuất hàng Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm (tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giầy chiếm khoảng 40 - 50%; áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất ô tô, chế biến sữa, sợi và dệt nhuộm của ngành dệt may nhằm tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm,…).
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây.
TP HCM bảo đảm nguồn cung thịt lợn an toàn cho người tiêu dùng
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn TP HCM chưa phát hiện dịch tả lợn châu Phi, nhưng trước tình hình dịch bệnh này diễn biến phức tạp, thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp phòng, chống và giám sát chặt chẽ, đảm bảo nguồn cung thịt lợn an toàn cho người dân.
Để kiểm soát nguồn cung thịt lợn cung ứng, phân phối, tiêu thụ trên địa bàn thành phố, các sở, ngành TP HCM đã tăng cường lấy mẫu giám sát dịch lợn tả châu Phi từ các tỉnh, thành nhập vào thành phố. UBND TP HCM chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức nhiều chốt kiểm dịch tạm thời tại các tuyến cửa ngõ của thành phố. Song song đó, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành có nguồn cung ứng thịt lợn vào TP HCM để xác minh, quản lý khâu vận chuyển, giết mổ, phân phối, tiêu thụ…
Từ ngày 25/2 đến nay, cơ sở giết mổ tại TP HCM đã không tiếp nhận nguồn thịt lợn từ các tỉnh phía Bắc nhằm hạn chế nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh. Đồng thời, không cấp giấy kiểm dịch xuất sản phẩm thịt lợn từ những cơ sở giết mổ thuộc vùng có dịch lợn tả châu Phi, tăng cường kiểm tra đối với cơ sở giết mổ tại vùng tiếp giáp có xuất nguồn thịt lợn về TP HCM tiêu thụ.
Tôm càng đỏ Trung Quốc 'nóng' diễn đàn Quốc hội
Trước sự "gia nhập" ồ ạt của tôm càng đỏ, trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 22/5, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết hiện Việt Nam có khoảng 100 sinh vật ngoại lai và kêu gọi có giải pháp quyết liệt ngăn chặn.
"Gác cửa là Bộ Tài nguyên & Môi trường, nhưng các loài này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cây nông nghiệp, vật nuôi nên chúng tôi phối hợp thêm. Mong địa phương thấy việc gì có lợi có dân, ảnh hưởng đến sản xuất thì xông vào. Đặc biệt là Đại biểu Quốc hội đưa vào chương trình tiếp xúc, hệ thống chính trị vào cuộc có giải pháp quyết liệt để ngăn chặn", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
"Chúng tôi đặt mục tiêu đến 2020 bằng mọi giải pháp cơ học, tuyên truyền cố gắng giảm một nửa, co dần lại những loại này. Hiện nay gây ảnh hưởng nặng nhất là ốc bươu vàng, cây mai dương", ông Cường thông tin. Theo ông, để làm được phải làm thường xuyên, bằng biện pháp kinh tế và hình sự.
Trước đó, ngày 19/5, Bộ NN&PTNT đã gửi công văn hoả tốc yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát loài tôm hùm đất Trung Quốc được bày bán tại Việt Nam. Một số đầu mối chuyên bán sỉ cũng tiết lộ, các nhà hàng ở Hà Nội, Sài Gòn nhập tương đối nhiều vì đây là món đặc sản đang gây sốt trên thị trường.
Lâm Anh (t/h)
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng