Chuyên gia Phạm Chi Lan: Tránh thống kê "kinh tế ngầm" đổi lấy % GDP hay nới trần nợ công

08:31 | 19/02/2019

587 lượt xem
|
Chính phủ muốn minh bạch nền kinh tế đã quyết tâm lập đề án kinh tế ngầm để có đối sách phù hợp. Tuy nhiên, không nên sử dụng kết quả của thống kê này để làm gia tăng % của GDP hay nới trần nợ công, Chính phủ cần lấy dữ liệu thống kê này để đưa ra chính sách, đối sách giúp doanh nghiệp lớn lên và diệt trừ tham nhũng vặt, sân sau. 

Sau khi Chính phủ lập đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát thường được gọi tắt là "kinh tế ngầm", khu vực kinh tế phi chính thức, giới chuyên gia tán đồng và có nhiều kỳ vọng vào mục tiêu, cách thức triển khai.

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Tránh thống kê

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Đã đến lúc thừa nhận kinh tế phi chính thức và có thước đo, chính sách phát triển cho họ. PV Dân Trí có cuộc trao đổi ngắn với nữ chuyên gia xung quanh vấn đề đang thu hút dư luận hiện nay.

Chính phủ vừa lập đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát với 5 thành tố gồm kinh tế ngầm, kinh tế phi chính thức, bà đánh giá gì về chủ trương này?

- Theo tôi, việc thống kê kinh tế chưa được quan sát là chủ trương cần làm để kiểm đếm thực chất nền kinh tế và có những đánh giá, thước đó đúng đắn.

Qua đo lường một cách tương đối khu vực kinh tế chưa được quan sát, hay được gọi là kinh tế phi chính thức, kinh tế ngầm sẽ cho thấy quy mô kinh tế của nước ta như thế nào?

Mô hình kinh tế Việt Nam lớn, nhỏ ra sao, nó có thể tỷ trọng của nó trong nền kinh tế kể cả GDP, giá trị gia tăng, công ăn việc làm… và cuối cùng sẽ xuất hiện một loại chỉ số thức đo của nó.

Điều tra khu vực kinh tế chưa được quan sát cần đặt ra vấn đề các khu vực này đang hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nào? Ở mỗi lĩnh vực thì quy mô đóng góp ra sao? Bên cạnh khu vực chính thức trong cùng lĩnh vực, khu vực phi chính thức có vai trò như thế nào?

Nếu điều tra được một vài lĩnh vực không có khu vực kinh tế chính thức tham gia mà chỉ có doanh nghiệp phi chính thức, kinh tế ngầm chiếm lĩnh thì chúng ta phải có biện pháp quản lý, giám sát như thế nào để hiệu quả?

Tôi cho rằng, phạm vi và quy mô điều tra kinh tế chưa được quan sát cần làm rõ các đối tượng nào đang tham gia khu vực kinh tế ngầm? Địa bàn hoạt động chủ yếu ở đô thị hay nông thôn, miền xuôi hay miền núi, những vùng và đối tượng cụ thể nào?

Nhiều người đang hiểu là đưa kinh tế ngầm ra ánh sáng, làm rõ nó, minh bạch để kiềm tỏa tác động tiêu cực. Bên cạnh đó, mục đích cuối cùng là hỗ trợ, giúp khu vực kinh tế phi chính thức lớn lên, tham gia vào chuỗi sản xuất thế giới?

- Thống kê để hỗ trợ thay vì kiểm soát, kiềm tỏa. Trong điều tra thống kê kinh tế phi chính thức, rất cần quan tâm đến góc độ xã hội, lao động, dân số.

Nếu chúng ta chỉ điều tra về số lượng kinh tế phi chính thức sẽ không giải quyết được vấn đề an sinh, bảo hiểm, số người phụ thuộc vào kinh tế hộ gia đình, kinh tế tiểu thủ... đây là thành phẩn của kinh tế phi chính thức.

Cuộc điều tra cũng cần làm rõ xưa nay, các đối tượng kinh tế ngầm chịu tác động thế nào từ chính sách của Chính phủ, các chính sách nhà nước khuyến khích thế nào cho kinh tế phi chính thức hoạt động, mở rộng ra như thế? Những chính sách nào đang cản trở khu vực kinh tế trở thành chính thức?

Ở các nước, chính phủ, Nhà nước đều mong muốn khu vực chính thức càng rộng lớn. Nếu có khu vực kinh tế ngầm lớn chỉ chứng tỏ sự kém cỏi của chính sách hoặc chính sách bị thiết kế, ứng dụng tồi đến mức người ta không dám trở thành khu vực kinh tế chính thức, chỉ làm ngầm

Hoặc trường hợp thứ hai là chính sách Chính phủ, Bộ, ngành đang dung túng, tiếp tay cho những người làm kinh tế ngầm phát huy năng lực, bắt tay với một số nhóm trong nhà nước, để trốn tránh nghĩa vụ DN, cá nhân, không tham gia phải đóng góp, nộp thuế, minh bạch công khai với người tiêu dùng, với Nhà nước.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thống kê và gọi tên được kinh tế ngầm, phi chính thức là nhiệm vụ rất khó và phức tạp, để làm được không phải dễ. Theo bà quy mô kinh tế ngầm ở Việt Nam ra sao và thách thức nào cho mục tiêu của Việt Nam?

- Đo lường, chỉ mặt đặt tên kinh tế ngầm luôn là bài toán khó đối với mọi quốc gia, không riêng ở Việt Nam. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, chúng ta chưa có số liệu thống kê đầy đủ, kỹ thuật thống kê hiện đại và con người làm thống kê chuẩn quốc tế nên thách thức là rất lớn.

Trong Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) "Doing Bussiness" 2019 công bố mới đây và dữ liệu hàng năm. WB thường đưa ra kết luận môi trường kinh doanh càng tốt, kha năng biến khu vực phi chính thức thành chính thức càng cao, môi trường kinh doanh tồi, những người kinh doanh muốn làm ở khu vực phi chính thức hơn là chính thức, không muốn hợp thức hoá hoạt động của mình.

Môi trường kinh doanh tốt nằm ở khía cạnh thiết kế, thực thi chính sách. Chính môi trường tồi, khu vực phi chính thức lớn là chỗ dung dưỡng cho một loạt tham nhũng vặt, nhưng thực tế không vặt chút nào, nuôi bộ máy lớn, những người làm ở đơn vị thẩm quyền cấp hơn như cấp huyện, phường, xã… Trong khi cấp cao hơn ăn vào chính sách thiết kế quy củ.

Khu vực kinh tế ngầm, nhất là những lĩnh vực phi pháp như cờ bạc, mại dâm… nuôi dưỡng cho tội phạm. Ở đâu kinh tế ngầm lớn, tội phạm nảy sinh. Đó là lực lượng bảo kê cho kinh tế ngầm hoạt động.

Với người dân, quá nhiều người tham gia hoạt động, làm công cho khu vực này là sự thiệt thòi lớn cho họ. Làm cho khu vực không đảm bảo tính ổn định, thu nhập khó có thể cao, tạo thành gánh nặng bất hợp lý cho cả xã hội.

Cái mà cần tránh nhất, dừng thống kê khu vực kinh tế ngầm để chứng minh GDP của Việt Nam cao hơn nhiều so với hiện nay. Điều tra GDP tăng thêm điểm phần trăm nào đó lại nới thêm nợ công của Việt Nam ra, khiến cả xã hội gánh trả gánh thêm là không nên.

Cảm nhận được khó khăn, Chính phủ đã kêu gọi sự chung ta của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF tham gia và cùng đồng hành với Việt Nam nhằm thống kê khu vực kinh tế nhạy cảm này, bà có nhận định gì về động thái này?

- Có lẽ là rất rộng mở và tốt thôi bởi chúng ta khi đã kêu gọi quốc tế tham gia vào thì nó cho thấy thái độ của Việt Nam là rộng mở là sẵn sàng làm minh bạch nền kinh tế.

Trong 5 bộ phận cấu thành của khu vực kinh tế chưa được quan sát, kinh tế ngầm, kinh tế phi chính thức được nhìn nhận nhiều ở yếu tố tiêu cực như: sân sau, lót tay, bôi trơn, tham nhũng vặt... Việc xác định mục tiêu và mời quốc tế tham gia là tín hiệu tốt, cho thấy Chính phủ không ngại vấn đề này và dám đương đầu với nạn tham nhũng vặt đang ảnh hưởng lớn lên bộ máy ở cấp thực thi chính sách.

Cũng vì lẽ đó, nên Thủ tướng Chính phủ nhận thấy chỉ một mình Tổng cục Thống kê sẽ không dễ dàng và làm đầy đủ được nên mới nhờ sự tư vấn và tham gia của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF.

Tôi nhớ, chủ trương thống kê kinh tế chưa được quan sát rộ lên từ năm 2017 và 2018 và Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT làm song đơn vị này không lên kế hoạch cụ thể được.

Về phương pháp, tôi tin IMF sẽ có kinh nghiệm sẽ giúp Việt Nam làm tốt hơn thống kê kinh tế ngầm, các chính sách xử lý cho từng loại thế nào, khi thống kê sử dụng phương pháp nào cũng sẽ được làm khoa học. Nếu chúng ta có những dữ liệu thống kê chuẩn, từ đó mới có các chính chính sách cho từng loại hình phù hợp.

Theo tôi, sự giúp đỡ, hỗ trợ của IMF cần tổng thể từ đầu đến cuối, đặt đề tài, phép tính cho đúng với từng loại. Sau khi đo được, dùng cái đó để làm gì và làm như thế nào? IMF không nên thống kê sau đó trả kết quả nghiên cứu cho phía Việt Nam muốn làm gì thì làm?

Có vẻ với một số người, đo lường kinh tế ngầm để GDP cao hơn, từ đó chi tiêu lãng phí, tận thu người dân lãng phí như tận thu cả xe ôm, trà đá… Làm sao, trong tư duy thống kê kinh tế ngầm là phải tránh kiểu làm chính sách như vậy.

Về góc độ doanh nghiệp, thời gian qua có rất nhiều luồng thông tin kinh tế cá thể, hộ gia đình, hợp tác xã... không muốn trưởng thành doanh nghiệp? Bà có lời khuyên gì để những người làm chính sách trước thực tế hiện hữu này?

- Hộ kinh doanh không muốn lớn đã được nói ở Việt Nam từ lâu. Luật Doanh nghiệp (DN) năm 1999, trong nhóm soạn thảo tranh luận rất lớn về điều này. Thậm chí nhiều DN nói thay vì mở rộng quy mô, họ sẽ lập DN mới, tránh quy mô to vì quy mô to không được hưởng lợi từ chính sách của Nhà nước bằng lập DN mới. Chưa kể, quy mô to bị các cơ quan thuế nhòm ngó nhiều.

DN kê khai sử dụng nhiều lao động, rủi ro lớn. Hồi đó kiến nghị DN nói, tuyển dụng hàng trăm DN không ai khen, cho nghỉ việc một vài người lười biếng, Nhà nước nhảy vào trừng phạt bảo vệ 1 vài cá nhân không tốt nên DN không dám mở rộng hoạt động.

Điều này xảy ra ở nước ta cho đến bây giờ, trừ khi họ trở thành DN thật lớn như đại gia, quá lớn không làm sao sụp đổ được thì mới không dám can dự.

Còn với DN ở quy mô trung bình trở xuống lại khó khăn hơn. Vấn đề cốt lõi là quyền tài sản của DN được bảo đảm, thực thi nghiêm minh thì họ mới dám lớn.

Chính sách của Nhà nước cần làm gì để hộ sản xuất, cá nhân kinh doanh phi chính thức tự tin lên doanh nghiệp?

- Đã làm kinh doanh phải theo tính kinh tế, theo quy mô, nhiều lĩnh vực quy mô bé không có lợi thế, không cho phép đầu tư như đầu tư công nghệ, kết nối vào chuỗi giá trị.

Muốn người làm kinh doanh yên tâm lên doanh nghiệp thì phải đảm bảo quyền tài sản cho họ. Quyền tài sản là số 1, đảm bảo quyền tài sản về đất đai, DN nào cũng sợ thuê mảnh đất này là thuê Nhà nước, một ngày đẹp trời, Nhà nước lấy lại, bao nhiêu công sức bị đổ sông đổ bể.

Hiện một số doanh nghiệp ngoài nộp thuế ra còn phải chi ngoài số tiền cho bôi trơn, hơi tý bị kêu gọi công đức làm mạnh thường quân. Vậy làm sao để có chế tài bảo vệ họ, yên tâm làm ăn.

Khu vực phi chính thức duy trì lâu, tồn tại dai dẳng vì người làm kinh doanh không chỉ né tránh nghĩa vụ thuế mà còn là muốn tránh nhiều khoản đóng vô lý khác. Nếu chúng ta nhìn rõ và giải quyết được vấn đề này, thì họ sẵn sàng ra "ánh sáng" để làm ăn.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Theo Dân trí

Nợ công Mỹ chạm mốc cao kỷ lục
Kinh tế “ngấm đòn”, Trung Quốc vào thế “lưỡng nan” trước Mỹ
TS Lưu Bích Hồ: "Chúng ta đang sống trên một núi nợ"
Hàng triệu tỷ đồng đầu tư công: "Gần như không có câu trả lời hiệu quả thấp hay cao"