NHỮNG DỊCH VỤ "MỚI VÀ LẠ" Ở PHỐ PHƯỜNG:

Dịch vụ… "gia sư ảo"

07:00 | 06/03/2013

859 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhiều dịch vụ mới cũng ra đời đáp ứng cho việc học. Thế là có gia sư điện thoại, gia sư email, gia sư qua Internet…

>> Bài 1: Nở rộ dịch vụ cho thuê “văn phòng ảo

>> Bai 2: Đi chợ trên... tầng cao

>> Bài 3: Dịch vụ... 'cho thuê đồ chơi'

Đang làm bài tập, gặp vấn đề nghĩ mãi không ra, Trinh nhấc máy gọi điện đến tổng đài Học mãi nhờ giải đáp. Thắc mắc được trả lời trong ít phút, Trinh cảm thấy tiện lợi vô cùng.

Nhanh chóng, tiện lợi

“Gia sư ảo” là hình thức tư vấn, giải đáp thắc mắc các vấn đề về giáo dục qua tổng đài điện thoại hoặc Internet. Đối tượng khách hàng chủ yếu là học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học Phổ thông. Các Tổng đài này cung cấp dịch vụ khá phong phú: từ gia sư trực tiếp qua điện thoại, tra cứu điểm thi, điểm chuẩn, chọn trường, chọn ngành; cho đến tư vấn tâm lý học đường.

Đến nay, mô hình tư vấn giáo dục qua tổng đài điện thoại đang khá phát triển ở Việt Nam, ngày một nhiều hơn và khẳng định được những ưu thế cũng như tạo được những hiệu ứng tích cực.

Các tư vấn viên đảm nhiệm vai trò gia sư trực tuyến được tuyển chọn khá kĩ lưỡng. Gia sư trực tuyến đòi hỏi không chỉ cần có năng lực chuyên môn mà phải có thêm khả năng giảng giải, nói ngắn gọn, dễ hiểu...

Hồng T.  – Biên tập viên làm ở website học trực tuyến Hocmai.vn chia sẻ: “Để được nhận làm ở Hocmai.vn mình phải trải qua 3 vòng tuyển chọn: Trả lời câu hỏi IQ, phỏng vấn trực tiếp, và vòng cuối cùng là phỏng vấn đấu với một đối thủ khác”. Công việc chính của Hồng T. là quản lý các khóa học online môn Ngữ Văn, biên tập đưa tài liệu lên khóa học; đánh giá bài giảng và tài liệu; đồng thời trả lời các câu hỏi tư vấn.

Gia sư qua điện thoại hay mạng internet, giúp phụ huynh cũng như học sinh tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí cho việc thuê gia sư về tận nhà. Đặc biệt đối với những bậc cha mẹ học sinh bận bịu với công việc làm ăn, không có thời gian kèm cặp, giải đáp bài tập cùng con, thì hình thức gia sư qua điện thoại càng trở nên hữu ích.

Một phụ huynh có nickname Sukara 232 chia sẻ trên diễn đàn Làm cha mẹ: “Ở công ty công việc bận túi bụi, tôi không có thời gian để kèm cặp con. Cũng đón một cô sinh viên về làm gia sư, nhưng một tuần chỉ dạy có vài tiếng. Mỗi lúc bé làm bài tập chưa hiểu lại gọi điện hỏi mình, bất tiện vô cùng”. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể gọi điện tới tổng đài nhờ tư vấn khi dạy con những bài học khó.

Dịch vụ gia sư qua mạng đang được nhiều phụ huynh quan tâm.

Hiện nay, số lượng các công ty, tổng đài mới tham gia vào thị trường tư vấn giáo dục ngày một nhiều hơn; với các tổng đài quen thuộc như: 1900571 294; 1900 561 262 hay 1088 (nhánh số 6)... Cước phí cho mỗi cuộc gọi tư vấn qua điện thoại là 1.500 đồng/ 1 phút (gọi từ máy cố định) và 3.000 đồng/phút (gọi từ máy di động). Như vậy, thay vì bỏ hàng trăm nghìn mỗi tuần cho việc thuê gia sư về nhà, thì hình thức này trở nên “kinh tế” hơn nhiều.

Dễ mà vẫn khó

Học sinh ngồi trước màn hình máy vi tính với bộ tai nghe và micro để chuẩn bị học, làm bài tập. Chỉ với cú "click" chuột vào phần mềm kết nối qua Internet, Học sinh đã thấy gia sư của mình – giáo viên lúc này đang ngồi chờ sẵn trước    màn hình nhỏ cho dù cách đó ở một khoảng cách xa, thế là buổi học có thể được bắt đầu.

Thực tế dễ thấy rằng, dù có nhiều tiện ích nhưng gia sư qua điện thoại hay qua mạng internet sẽ không đạt được hiệu quả cao như gia sư trực tiếp. Hạn chế bởi đường truyền mạng internet, “lúc đó cả thầy và trò đều đang rất hào hứng trao đổi với nhau, mạng rớt, thế là mất hứng ngay”. Giới hạn về khoảng cách sẽ khó để có thể truyền đạt được hết kiến thức của người dạy cho người học.

Hơn nữa, các tổng đài tư vấn chủ yếu hỗ trợ giải đáp thắc mắc, bài tập ngắn, tức thì – không mang tính hệ thống theo một bài giảng, chuyên đề nào. Vì thế, học sinh sẽ không có được một cái nhìn tổng thể, khái quát.

Hồng T. cho biết, mặc dù được tuyển chọn khá gắt gao, kỹ lưỡng nhưng đôi lúc  cô và các đồng nghiệp của mình vẫn bị lâm vào thế bí. “Nhiều khi các em học sinh Tiểu học hỏi bài nhưng khi mình giải thích lại có những từ mà các em không hiểu”.

Trước đó, Hồng T. cũng đã từng đi dạy gia sư. Theo Hồng T., khi dạy gia sư trực tiếp cô chủ động hơn trong việc phân vùng và chuẩn bị kiến thức. Nhưng khi tư vấn qua điện thoại, các câu hỏi thường bất ngờ, không có sự chuẩn bị trước, lại phải trả lời một cách ngắn gọn, dễ hiểu nên công việc cũng không hề đơn giản.

Bên cạnh đó, việc học sinh chủ động gọi điện tới tổng đài, lâu dài, có thể dẫn tới việc ỉ lại, bị lệ thuộc vào tổng đài, mất đi sự chủ động trong suy nghĩ. Chị Nguyễn Thùy Dung ( Tây Mỗ - Từ Liêm – Hà Nội) bày tỏ: “Không nên để con gọi điện hỏi bài nhiều. Có thể phụ huynh không quan tâm vấn đề tiền điện thoại, nhưng nếu gọi thường xuyên, con sẽ bị lệ thuộc quá nhiều vào người khác, hình thành thói quen gọi điện thoại nói chuyện”.

Nguyễn Hoan - Trang Trần

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc