Dệt may làm cách nào để giữ vị thế xuất khẩu tại thị trường Mỹ?

07:11 | 14/08/2023

39 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm của dệt may Việt Nam sang Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022.

Sau năm 2022 đạt mức tăng trưởng ấn tượng tại thị trường Mỹ với kim ngạch xuất khẩu đạt 17,8 tỉ USD, bước sang 6 tháng đầu năm 2023, ngành dệt may đối mặt với nhiều khó khăn. Theo ông Trương Văn Cẩm - Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VISTA), tác động của suy thoái toàn cầu, các thị trường tiêu thụ giảm nhu cầu khiến xuất khẩu dệt may của Việt Nam sụt giảm ở nhiều thị trường, trong đó có thị trường Mỹ.

Do tác động khách quan từ suy thoái kinh tế, xuất khẩu dệt may Việt Nam vào Mỹ giảm gần 27%
Do tác động khách quan từ suy thoái kinh tế, xuất khẩu dệt may Việt Nam vào Mỹ giảm gần 27% (ảnh minh họa)

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ đạt hơn 6 tỉ USD, giảm khoảng 27% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là con số sụt giảm khá lớn.

Mới đây, tại tọa đàm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sự kiện kết nối cung ứng quốc tế tại Việt Nam năm 2023, ông Trần Minh Thắng - Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) chia sẻ: nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may vào Mỹ giảm mạnh có một số nguyên nhân.

Thứ nhất, thời điểm dịch Covid-19 trong năm 2020-2021 làm gián đoạn nguồn cung, các doanh nghiệp Mỹ lo đứt chuỗi cung ứng đã nhập khẩu khá nhiều. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, kinh tế suy thoái, lạm phát khiến người dân thắt chặt chi tiêu, lượng hàng tồn kho lớn nên thị trường này giảm nhu cầu nhập khẩu.

Không chỉ giảm nhập khẩu từ Việt Nam mà các thị trường khác cũng ghi nhận sự sụt giảm xuất khẩu dệt may vào Mỹ như từ Trung Quốc giảm hơn 31%, từ Ấn Độ giảm hơn 20,8% hay từ Bangladesh giảm 19%.

Thứ hai, các nhà nhập khẩu Mỹ tập trung vào các nhà cung cấp gần ở châu Mỹ nhằm đa dạng nguồn hàng, giảm nguồn cung từ Trung Quốc. Theo đó, Mỹ đầu tư mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng giúp các doanh nghiệp tiêu thụ được sản lượng rất lớn bông, sợi... Với kim ngạch xuất khẩu ấn tượng năm 2022, Việt Nam cũng là nhà xuất khẩu dệt may hàng đầu vào Mỹ nên đứng trước áp lực khá lớn.

Một nội dung khác doanh nghiệp dệt may cũng không thể không lưu tâm. Đó là đạo luật chống lao động cưỡng bức đối với người Ngô Duy Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc. Đạo luật có hiệu lực từ tháng 6/2022, các nhà nhập khẩu của Mỹ chủ động rà soát trong chuỗi cung ứng, từ các nhà sản xuất, nhà gia công ở các nước thứ 3 như Việt Nam để đảm bảo sản phẩm được sản xuất và tiêu thụ không sử dụng lao động cưỡng bức.

Đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại, từng bước chủ động nguyên vật liệu là giải pháp lâu dài, căn cơ cho ngành dệt may
Đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại, từng bước chủ động nguyên vật liệu là giải pháp lâu dài, căn cơ cho ngành dệt may

Trao đổi thêm về nội dung này, theo Phó Chủ tịch VISTA Trương Văn Cẩm, vấn đề này đang được doanh nghiệp dệt may quan tâm và VISTA đã làm việc với các cơ quan có liên quan của Mỹ để nắm bắt thông tin.

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất xuất khẩu theo nhiều hình thức nên cần có hình thức ứng xử phù hợp. Với các doanh nghiệp sản xuất theo chỉ định của khách hàng về nguyên phụ liệu, doanh nghiệp phải có cam kết cụ thể, rõ ràng với khách hàng để xác định người chịu trách nhiệm khi sử dụng nguyên phụ liệu này. Ngược lại, nếu sản xuất theo hình thức mua đứt bán đoạn, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính cần biết rõ nguồn gốc nguyên phụ liệu, chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ giải trình trong trường hợp bị kiểm tra.

Bên cạnh đó, dù có nhiều cố gắng nhưng hiện hơn 50% nguyên phụ liệu sản xuất của ngành nhập từ Trung Quốc. Khi các quy định của đối tác nhập khẩu ngày càng chặt chẽ, doanh nghiệp cần quan tâm đa dạng hoá nguồn cung từ các thị trường mới. Theo ông Trương Văn Cẩm, có thể việc tiếp cận nguồn cung mới ban đầu gặp một số khó khăn nhất định nhưng doanh nghiệp phải cố gắng khắc phục bởi thực tế, đã có doanh nghiệp đã chuyển sang nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…

Về lâu dài, các doanh nghiệp cũng tính đến việc khó nhưng rất căn cơ. Đó là tự chủ nguyên vật liệu trong nước. Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có nhấn mạnh việc chủ động sản xuất nguồn cung trong nước, doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, dần dần từng bước giải quyết khó khăn, chủ động nguồn cung để giảm bớt phụ thuộc.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Doanh nghiệp dệt may nhọc nhằn “bơi” theo tăng trưởng xanhDoanh nghiệp dệt may nhọc nhằn “bơi” theo tăng trưởng xanh
Dệt may linh hoạt ứng phó suy thoáiDệt may linh họat ứng phó suy thoái