Đêm kinh hoàng trên biển

08:53 | 17/09/2013

676 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lúc rơi xuống biển, anh Thanh cố kiếm thêm một đoạn dây thừng buộc chặt con mình vào phao. Một tay anh kẹp nách con, tay còn lại anh cố gắng bám lấy cái bình nhớt để nổi trên mặt biển.

>> Chưa xác định rõ số nạn nhân mất tích vụ tàu Singapore đâm tàu cá Việt Nam

>> Thông tin mới nhất về vụ tàu Singapore đâm chìm tàu cá Việt Nam

>> Tàu Singapore tông tàu cá Việt Nam: 1 người chết, 7 người mất tích

Tiếng gọi của người cha xé tan màn đêm

Ngồi trong Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Khu vực III (Trung tâm 3), 4 nạn nhân thoát chết trong vụ tàu Singapore đâm tàu cá Việt Nam được đưa vào đất liền vẫn chưa hết nỗi bàng hoàng. Ngay sau đó khoảng 2 giờ đồng hồ, các nạn nhân được đưa đến bệnh viện Lê Lợi để tiếp tục điều trị.

Tại bệnh viện, cái đêm gặp nạn hôm ấy như luôn chực chờ tái diễn trong ký ức. Tất cả các thành viên đang trên đường tìm vào đất liền sau hơn 50 ngày lênh đênh trên biển cả để đánh bắt thủy sản. Trên tàu, cá mực chất đầy khoang chứa. Con tàu đánh bắt hướng về tỉnh Tiền Giang mà chỉ vài giờ đồng hồ nữa, các thuyền viên sẽ được sum họp cùng gia đình.

Anh Nguyễn Văn Thanh vẫn bàng hoàng nhiều lúc không tin mình may mắn thoát chết.

Anh Nguyễn Văn Thanh nhớ lại: “Tàu vẫn chạy đều đều, trên tàu chỉ còn lại 3 tài công thay phiên nhau thức. Bỗng dưng một tiếng va chạm rất lớn như bị đâm mạnh. Mọi người đột ngột mất cảm giác rồi không ai còn thấy ai nữa”. Đúng lúc này, tàu hàng Sima Sapphire mang quốc tịch Singapore cũng vừa lướt qua. Cháu Nguyễn Văn Bé (SN 2001, con anh Thanh) lọt thỏm xuống biển cùng 15 người còn lại trên con tàu lúc nào chẳng hay. Rồi mọi người lần lượt ngoi lên mặt nước. Khi trồi lên để đi kiếm con, anh chỉ kịp kêu lên: “Bé ơi, con đâu rồi?”.

Câu hỏi không lời đáp chỉ có màn đêm tĩnh mịch xen lẫn tiếng máy nổ của chiếc tàu hàng Sima Sapphire nghe văng vẳng như xa dần. Anh Thanh cố lấy hết sức gào lên lần thứ 2, lần này, cháu Bé cũng cất được thành lời: “Cha ơi, con đây”. Phán đoán tiếng kêu của đứa con trai, anh Thanh lần theo những sợi dây thừng rồi bơi tới cháu Bé. Cả hai cha con ôm chầm lấy nhau trong làn nước lạnh cóng. Những tiếng í ới gọi nhau dồn dập hơn.

Nhớ lại thời khắc thoát được tấm lưới phủ lên người, anh Thanh tin rằng: “Tui may mắn thoát chết là do số trời”. Lúc con tàu bị tông trúng rồi ụp xuống biển, anh bị tấm lưới phủ lên người và đang cố vùng vẫy trong làn nước. Đúng lúc này, một thanh ngang bằng gỗ do mảnh vỡ của con tàu trôi đến kéo theo tấm lưới hất qua đầu nên anh Thanh thoát ra ngoài trong gang tấc.

Tình cha con giữa biển cả

Khi tìm thấy con trai, anh Nguyễn Văn Hồng (SN 1975) ôm cháu Bé trên người. Đuối hơi, anh Hồng bảo Bé tìm đường đu trên những sợi dây thừng đang nổi trên mặt nước để dưỡng sức. Anh Thanh thấy con còn nhỏ, sức yếu nên chạy đến ôm quàng lấy Bé. Người cha đã cố tìm cách để cho đứa con trai nổi trên mặt nước an toàn nhất. Anh quơ được cái phao và bình nhớt đã cạn rồi bế Bé nằm vắt lên phao.

Gương mặt cháu Nguyễn Văn Bé vẫn chưa hết thất thần qua vụ tai nạn kinh hoàng.

Người cha đã dành hết tình cảm cho con bằng cách kiếm thêm một đoạn dây thừng buộc chặt Bé vào phao. Một tay anh Thanh kẹp nách con, tay còn lại anh cố gắng bám lấy cái bình nhớt để nổi trên mặt biển.

Khoảng gần 1 giờ đồng hồ sau, tàu Sima Sapphire lượn vòng quanh chỗ tàu cá bị nạn vài lần rồi mới chịu đưa xuồng ca nô bé xíu xuống để tìm kiếm các nạn nhân. Lúc tàu cá xảy ra tai nạn, sóng biển không lớn lắm. Sau đó tàu gặp nạn, biển gợn sóng mỗi lúc một hung bạo hơn. Chiếc tàu bị nạn vẫn không chìm hẳn mà một phần mũi nổi trên mặt nước. Khi tàu hàng Singapore quay trở lại, tàu hàng này thả xuồng cứu hộ nhỏ xuống biển rồi vớt từng người còn nổi trên mặt nước và đưa được 8 người sống sót lên tàu hàng.

Anh Thanh kể tiếp: “Tài công trên tàu cá tên Ánh, chủ tàu trên Hơn. Lúc được tàu Singapore vớt lên, tụi tui được thuyền viên cho ăn tùm lum, nào là cơm, bánh mì, trái cây… Thuyền viên Singapore đối xử với nạn nhân trong vụ chìm tàu cá “đẹp” lắm”. Những nạn nhân trong vụ tàu Singapore đâm chìm tàu cá đều phải trao đổi với nhau bằng tay nên có những điều không thể hiểu được.

Cháu Nguyễn Văn Bé thuyền viên nhỏ nhất trên tàu bị nạn trút nỗi lòng: “Lần bị nạn này tròn đúng 2 năm em theo cha lênh đênh trên biển”. Bé bỏ học từ hồi còn nhỏ. Công việc hằng ngày trên tàu của Bé là phụ việc cho tài công. Những lúc rảnh rỗi ngồi trên tàu, Bé lại lấy cuộn dây cước ra đan lưới cùng mọi người để hỗ trợ việc đánh bắt cá. Hỏi về thời khắc tàu nước ngoài đâm tàu cá, Bé chỉ nhớ đêm hôm ấy nằm ngủ với cha trên phòng tài công rồi có cảm giác rơi xuống biển. Lóp ngóp vài ngụp nước, Bé mới phát hiện ra tàu của mình vừa bị chìm.

Thời khắc trôi dạt trên biển, Bé chỉ mong tất cả mọi người đều bình an vô sự nhưng điều cậu muốn đã không thành hiện thực. Dù suýt thiệt mạng giữa biển khơi, nhưng Bé vẫn khẳng định sẽ tiếp tục ra biển đánh bắt thủy sản làm kế sinh nhai nối nghiệp cha.

Vụ tai nạn xảy ra, vợ con ông Thanh ở nhà vẫn chưa biết không hay biết chồng, con đi biển sống chết như thế nào. Trong đêm vào được đất liền, một nữ phóng viên đã cho cháu Nguyễn Văn Bé mượn điện thoại về gọi báo tin cho gia đình.

- A lô, mẹ hả, chị Hai đâu rồi? Cha ở đây nè!

Rồi tiếp đến, Bé chuyển điện thoại cho ông Thanh nói chuyện với vợ:

- A lô, tui vô tới bờ rồi đó nghen. Anh Sáu với anh Tư mất hết rồi. Có hay chưa? Anh Sáu mất, anh Tư, thằng Hùng “tiễn”, thằng Tề Thiên, thằng Hòa, ông Út là 8 người đó, còn 8 người sống sót.

Anh Thanh lại kể sơ lượt về nguyên nhân do con tàu nước ngoài xắn ngang tàu cá ông đang chạy. Ông nhắn nhủ với vợ từng cái tên người đi trên tàu còn hay mất. Ông Thanh cũng không quên căn dặn vợ qua nhà bà con để báo tin ông và con trai vẫn bình an vô sự trở về. Giọng người vợ đầu dây bên kia nói như thét lên trong điện thoại và mong muốn được gặp chồng ngay trong ngày hôm sau.

Hưng Long