Để hàng hải trở thành “trụ cột” của kinh tế biển

07:00 | 22/03/2018

3,263 lượt xem
|
“Trong khi vận tải biển đứng trước nhiều khó khăn, việc phát triển hoạt động logistics, container hóa cảng biển được xác định là hướng đi sống còn của ngành hàng hải quốc gia, nỗ lực định hình chỗ đứng trong chuỗi phân phối hàng hóa xuất nhập khẩu”.

Ông Nguyễn Xuân Sang - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) nhấn mạnh như trên về những ưu tiên số một để ngành hàng hải trở thành “trụ cột” của kinh tế biển.

Mới nắm được 10% thị phần xuất nhập khẩu

Theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2017, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt hơn 519 triệu tấn, tăng 6% so với năm 2016. Trong đó, hàng container đạt 165,7 triệu tấn, tăng 12% so với năm 2016. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, sản lượng vận tải tiếp tục tăng trưởng, tạo động lực cho sự phát triển.

Đối với hoạt động vận tải nội địa, đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam đã đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển (trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời…). Riêng đối với tàu container của Việt Nam, hiện nay số lượng tàu vận tải nội địa đã tăng lên 42 chiếc.

de hang hai tro thanh tru cot cua kinh te bien
Ngành hàng hải cần tận dụng ưu thế tối đa về hạ tầng để trở thành ngành mũi nhọn, trụ cột của kinh tế biển

“Trên tuyến vận tải biển Bắc - Nam, vận tải biển nội địa cơ bản đáp ứng với nhu cầu vận chuyển khối lượng lớn các loại hàng hóa như than, clinker, xi măng bao, vật liệu xây dựng, thép, thiết bị máy móc, container, xăng dầu, hàng hóa tổng hợp như gạo, phân bón, gỗ, hàng bách hóa…” - Cục Hàng hải cho biết thêm.

Với lợi thế về giá cước so với các loại hình vận tải khác, với khoảng cách các tuyến vận tải 300-500km và từ các bến cảng thủy nội địa sâu trong sông kết nối với các cảng biển, phương thức vận tải ven biển đang phát triển mạnh, khối lượng hàng hóa được các tàu VR-SB vận tải thông qua cảng biển từ khi mở tuyến (6-2014) đến hết năm 2017 đạt 36,2 triệu tấn với hơn 41 nghìn lượt.

Tuy nhiên, đánh giá của các chuyên gia kinh tế hàng hải nhận định, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam trong năm qua vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân cơ bản do số tàu vận tải nhiều, lượng hàng tăng trưởng không lớn, giá cước giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp vận tải biển tiếp tục gặp khó khăn. Đối với vận tải biển quốc tế, đội tàu biển Việt Nam hoạt động chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Đội tàu biển Việt Nam hiện mới chỉ nắm được khoảng 10% thị phần vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam.

Khai thác tối đa ưu thế hạ tầng

“Để giải bài toán khó khăn, việc đầu tiên là tập trung khai thác hệ thống cơ sở hạ tầng mà trực tiếp là điều chỉnh lại cách công bố luồng. Thay vì công bố theo tải trọng tàu thì luồng sẽ được công bố trên cơ sở thông số kỹ thuật của luồng như bề rộng luồng, độ sâu, bán kính cong… Trên cơ sở đó, các cảng vụ, chủ tàu, đại lý, hoa tiêu, bảo đảm hàng hải… căn cứ vào đó để xem xét cho các tàu lớn hơn đảm bảo ra vào. Với những giải pháp đó, vừa qua một loạt các tàu lớn ra vào cảng đều đảm bảo an toàn. Tàu lớn vào đã đem lại hiệu quả như giá cước giảm, cơ sở hạ tầng được khai thác hiệu quả, số thu từ phí cảng vụ và phí đảm bảo hàng hải tăng lên” - Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang đưa ra giải pháp.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công, thì Cục Hàng hải Việt Nam cần tiếp tục thực hiện giải pháp giảm chi phí; tổ chức đối thoại với doanh nghiệp cảng biển, các hiệp hội, doanh nghiệp hàng hóa nhằm thống nhất nguyên tắc điều chỉnh lại giá dịch vụ cảng biển theo hướng tăng để đảm bảo lợi ích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có điều kiện tái cơ cấu và khả năng đổi mới công nghệ.

“Ngoài ra, ngành hàng hải cần nâng cao chất lượng đào tạo thuyền viên, đổi mới chương trình đào tạo, có cơ chế chính sách thu hút người lao động học về lĩnh vực hàng hải. Có như vậy thì hàng hải Việt Nam mới đủ tiềm lực về nhân lực và vật lực để tiếp cận kỹ thuật tiên tiến, đưa các cảng hiện đại như cảng Cái Mép - Thị Vải của Việt Nam tiếp tục là một trong những cảng có tốc độ hàng hóa thông qua lớn thuộc Top đầu trong các bến cảng trên thế giới” - ông Công cho biết thêm.

An An