Để dòng điện tin cậy và hiệu quả

08:00 | 15/01/2015

520 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngành điện phải đi trước để tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội đất nước là một trong những nội dung được đề cập tại Nghị quyết số 13-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Chính vì vậy, xây dựng một hệ thống điện tin cậy, an toàn và hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước đang là mục tiêu mà ngành điện đặt ra. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu này, ngành điện vẫn đang phải đối diện với không ít vấn đề cần tháo gỡ.

Năng lượng Mới số 390

Thách thức với nguồn điện

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch Điện VII), để đáp ứng tiêu chí trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, tổng sản lượng điện của Việt Nam phải đạt 330-362 tỉ kWh và đến năm 2030 là 695-834 tỉ kWh. Đây chính là một thách thức rất lớn đặt ra cho ngành điện, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đứng trước nhiều biến động lớn. Chính vì vậy, một trong những mục tiêu hàng đầu được ngành điện đặt ra là phải đảm bảo sự tăng trưởng, phát triển đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế.

Và để cụ thể hóa mục tiêu này, những năm qua, một loạt các dự án nguồn điện đã được ngành điện triển khai đúng và vượt tiến độ theo Quy hoạch Điện VII đề ra. Sau công trình Thủy điện Sơn La - nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á - hoàn thành, nhà máy thủy điện tiếp theo trên bậc thang sông Đà - Thủy điện Lai Châu với công suất 1.200MW cũng đang được gấp rút hoàn thành với mục tiêu đưa tổ máy đầu tiên vào vận hành vào cuối năm 2015 và toàn bộ công trình vào cuối năm 2016. Song hành với đó, các dự án nhiệt điện lớn như Vĩnh Tân 4, Duyên Hải 3... cũng đang được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực miền Nam.

Qua đó để thấy rằng, để “điện đi trước một bước”, ngành điện đã đề ra những giải pháp hết sức cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn, căn cứ trên nhu cầu phát triển của từng địa phương, từng vùng miền. Tuy nhiên, thách thức đặt ra trong việc phát huy tối đa hiệu quả các dự án nguồn điện này là rất lớn, đặc biệt là các dự án vừa và nhỏ. Vấn đề làm sao phát huy tối đa hiệu quả của những dự án thủy điện vừa và nhỏ, góp phần vào đảm bảo an ninh năng lượng đất nước đã được đặt ra.

Tổ máy số 5 Nhà máy Thủy điện Sơn La

Xung quanh câu chuyện này, đại diện Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đưa quan điểm, phương án đấu nối là một trong những tiêu chí hết sức quan trọng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư của các thủy điện vừa và nhỏ. Và để thực hiện điều này, EVNCPC đã nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn công tác vận hành như thỏa thuận hợp đồng mua bán điện đảm bảo tuân thủ các quy định của Nhà nước, khuyến khích đầu tư các nhà máy điện, hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư nhà máy và bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) CPC. Công tác chuẩn bị sản xuất các nhà máy tuân thủ theo các quy trình, quy định kỹ thuật, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả. Hằng tuần, xây dựng phương thức huy động tối ưu các nhà máy. Trong phương thức này quy định cụ thể công suất, sản lượng phát theo từng giờ của mỗi ngày.

Đảm bảo cạnh tranh lành mạnh

Một trong những giải pháp mà ngành điện hướng tới để đảm bảo phát triển ổn định, bền vững là phát triển thị trường phát điện cạnh tranh. Và thực tế, sau hơn 2 năm triển khai, thị trường phát điện cạnh tranh đã có 51 nhà máy điện do 46 đơn vị đại diện trực tiếp chào giá trên thị trường, với tổng công suất đặt 12.478MW, chiếm 41,7% tổng công suất đặt toàn hệ thống điện. Bên cạnh đó, có 51 nhà máy điện không trực tiếp chào giá trên thị trường do Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia huy động có tổng công suất đặt gần 17.462MW, chiếm 58,3% tổng công suất đặt toàn hệ thống, trong đó có 26 nhà máy điện không được tham gia thị trường theo quy định và 25 nhà máy gián tiếp do chưa đủ điều kiện tham gia.

Đánh giá hiệu quả tham gia thị trường phát điện cạnh tranh trong hơn 2 năm qua, ông Trần Đăng Khoa, Trưởng ban Thị trường điện EVN cho rằng, các nhà máy điện khí cả trong và ngoài EVN nhìn chung lợi nhuận tăng so với kế hoạch lý do là các nhà máy này đều nằm ở khu vực phía nam, khu vực hiện luôn nhận điện cả từ miền Bắc và miền Trung. Trong khi đó, các nhà máy điện đốt than trong và ngoài EVN lại có lợi nhuận giảm hơn so với kế hoạch; trong đó có Cẩm Phả, Mạo Khê, Hải Phòng, Quảng Ninh và Phả Lại 1 có mức giảm lớn nhất do chủ yếu các nhà máy này có sự cố kéo dài dẫn đến không đảm bảo khả năng sẵn sàng huy động. Đối với các nhà máy thủy điện thì tăng lợi nhuận lớn do tình hình thủy văn giai đoạn mùa khô 2013-2014 có phần cải thiện.

Ngoài ra, hoạt động phân phối và kinh doanh của ngành điện Việt Nam theo hướng thị trường cạnh tranh cũng đang từng bước được hiện đại hóa. Trong đó, hệ thống hạ tầng đo đếm, xử lý thông tin, xuất hóa đơn và thanh toán tiền điện đã có nhiều cải tiến nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng sử dụng điện. Việc triển khai công tơ điện tử thay thế cho công tơ cơ trên lưới điện đạt được hiệu quả cao nhờ cấp chính xác, độ nhạy cao, giảm tổn thất điện năng, dễ ứng dụng công nghệ đọc chỉ số công tơ từ xa, vừa tăng năng suất lao động, hạn chế tối đa sai sót khi ghi thủ công, vừa giảm thiểu tai nạn lao động và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Nhận thức được tầm quan trọng và hiệu quả của việc sử dụng công tơ điện tử trong kinh doanh điện, đáp ứng yêu cầu vận hành thị trường điện theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương. Tại các văn bản chỉ đạo của EVN về việc triển khai đề án trang bị, quản lý hệ thống đo đếm điện năng phục vụ vận hành thị trường điện và bán điện cho khách hàng, đến cuối năm 2017, các tổng công ty điện lực có trách nhiệm thực hiện xong việc lắp đặt công tơ điện tử cho toàn bộ các khách hàng mua điện tại khu vực thành phố, thị xã, thị trấn.

Ông Trần Văn Tiến - Ban Kinh doanh EVNNPC đề cập, với hiện trạng này, giai đoạn từ nay đến năm 2017, việc thay thế công tơ điện tử có chức năng thu thập từ xa, số liệu đo đếm sẽ được triển khai chủ yếu đối với khách hàng có trạm biến áp chuyên dùng, các khách hàng 3 giá, các khách hàng sau trạm biến áp công cộng và công tơ tổng các trạm biến áp công cộng. Các khách hàng còn lại ở khu vực ngoài thành phố, thị xã, thị tứ sẽ được xem xét đầu tư trong giai đoạn sau nhưng không chậm sau năm 2022. Tuy nhiên, việc thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử cần phải có lộ trình do chi phí cao. Điều này cần được EVN cân đối trong kế hoạch tài chính hằng năm.

Trước những thách thức trên, theo EVN, để cải thiện tính cạnh tranh trên thị trường điện cần thiết phải giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành. Cụ thể như tăng dần số nhà máy tham gia, sửa đổi hệ thống pháp lý cho phù hợp với thực tế phát sinh như dịch vụ phụ trợ, an ninh hệ thống, đầu tư mới, hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và SCADA/EMS, bổ sung và hoàn thiện các công cụ xử lý nghẽn mạch truyền tải trong vận hành thị trường. Đặc biệt về dài hạn là tiếp tục đầu tư, củng cố lưới điện truyền tải làm tiền đề đưa cạnh tranh vào khâu phát điện.

Giai đoạn 15 năm 2000-2014 là thời kỳ ngành Điện tập trung cao độ các nguồn lực cho đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện với tổng công suất phát điện được đưa vào vận hành là 28.000MW. Tiêu biểu trong thời kỳ này, về thủy điện có các nhà máy Sơn La, Bản Chát trên Sông Đà; Hàm Thuận, Đa Mi, Đại Ninh trên hệ thống sông Đồng Nai;  Ialy, Pleikrong, Sê San 3, 3A, Sê San 4 trên hệ thống sông Sê San; Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srepok 3 trên sông Sêrêpốk; A Vương, Sông Bung 4, Sông Tranh 2, Đắk Mi trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn;  Sông Hinh, An Khê - Ka Nak, Sông Ba Hạ trên hệ thống sông Ba. Về  nhiệt điện tiêu biểu là Trung tâm nhiệt điện lớn và hiện đại Phú Mỹ 3.800 MW, Trung tâm Nhiệt điện khí Cà Mau (1.500MW), Nhơn Trạch (1.200MW), các Trung tâm Nhiệt điện than Hải Phòng, Quảng Ninh…


Trần Phương