Đề án 'nhập khẩu' tri thức

16:46 | 21/03/2016

550 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có một đề án được lập ra với mục đích “nhập khẩu” một cách có chọn lọc tri thức tiến bộ của thế giới và đưa tinh hoa tri thức Việt đến với người Việt.

Đó là “Đề án Xuất bản Quốc gia 2015-2025” do ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC - Vietnam Intellectual Cooperation Center) biên soạn và khởi sướng.

Đề án tập trung vào 5 dòng sách chính: sách tri thức cao cấp, sách giáo khoa phổ thông hiện đại, giáo trình đại học hiện đại, sách khoa học thường thức cho trẻ em và sách Hán Nôm chọn lọc.

Theo ông Nguyễn Cảnh Bình, từ năm 2000, Ngân hàng Thế giới đã nhận định tri thức là yếu tố quan trọng nhất ở các nền kinh tế lớn, hơn cả đất đai, tư liệu sản xuất và lao động. Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế đó. Nhưng con đường mang tri thức đến với người Việt còn khá chông gai. Sách tri thức, một trong những con đường đó, cần được chú trọng hơn bao giờ hết.

nhap khau tri thuc
Ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam

“Đã đến lúc ngừng đổ lỗi cho dân trí trong mọi vấn đề xã hội, thôi than phiền việc một phần giới trẻ đắm chìm trong sách ngôn tình. Hãy nhìn vào giải pháp: làm thế nào để dòng sách tri thức phát huy được hiệu quả trên thị trường xuất bản Việt Nam?”, ông Bình đề ra câu hỏi.

Từ yêu cầu thực tiễn đó, Đề án Xuất bản Quốc gia 2015-2025 được lập ra với mục đích “nhập khẩu” một cách có chọn lọc tri thức tiến bộ của thế giới và đưa tinh hoa tri thức Việt đến với người Việt.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, đề án đề xuất thành lập Quỹ Xuất bản Quốc gia và tiến hành đấu thầu xuất bản sách, để tìm ra đúng những đơn vị có năng lực thực hiện và phát hành các dòng sách nói trên.

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi đề xuất ý tưởng về một quỹ Xuất bản Quốc gia, học tập kinh nghiệm từ các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc trong việc xây dựng một chương trình xuất bản mang tầm vóc quốc gia để tạo nên thay đổi sâu rộng về dân trí. Vai trò của Quỹ là thực hiện được các chương trình xuất bản và điều phối, giám sát toàn bộ hoạt động của đề án. Các nhân tố lãnh đạo Quỹ sẽ được lựa chọn từ những người có tâm, có tài và am hiểu ngành xuất bản Việt Nam”, ông Bình cho hay.

Đây cũng là lần đầu tiên, ông Bình và nhóm thực hiện đưa ra đề xuất áp dụng các hình thức hợp tác Công tư (PPP); xây dựng và chuyển giao (BT) và đấu thầu/ủy quyền như ở các ngành khác cho ngành xuất bản.

nhap khau tri thuc
Đề án Xuất bản Quốc gia 2015-2025

Đề án cũng cho phép bình đẳng giữa các đơn vị xuất bản Nhà nước và tư nhân trong quá trình đấu thầu và thực hiện. Đồng thời tách riêng từng giai đoạn và từng gói để đảm bảo hiệu quả, tách riêng hai hình thức đấu thầu thực hiện và đấu thầu khai thác.

Theo ông Nguyễn Cảnh Bình, hiện nay cơ chế đang được áp dụng trong ngành xuất bản là chỉ định một NXB nào đó của nhà nước thực hiện trọn gói gồm dịch, viết, biên soạn và in ấn, phát hành.

Nhược điểm của cơ chế này là hiệu quả thấp, chất lượng ấn phẩm không cao, lãng phí tiền và nguồn lực, chọn không đúng đơn vị có khả năng thực hiện. Kết quả: sách in ra không không được phổ biến và sử dụng hiệu quả, nhiều ấn phẩm để trong kho, biếu tặng hoặc bán giấy vụn mà báo chí đã từng nói đến.

Vì thế, ông Bình đề xuất áp dụng các cơ chế trên vốn đang được thực thi ở các lĩnh vực khác như giao thông, xây dựng. Và các hình thức triển khai này có thể áp dụng được cho ngành xuất bản.

Võ Hiển