“Dấu hỏi” về độ tin cậy của lò phản ứng EPR

10:15 | 01/07/2021

2,825 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn (Taishan) của Trung Quốc, do Pháp thiết kế xây dựng, bị rò rỉ khí phóng xạ. Sự cố này là một “vố đau” đối với Công ty Điện lực quốc gia Pháp (EDF), nhà cung cấp độc quyền công nghệ lò phản ứng EPR, đang hy vọng sẽ bán rộng rãi công nghệ này ra thế giới.
“Dấu hỏi” về độ tin cậy của lò phản ứng EPR
Lắp đặt lò EPR tại Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn

Hai lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 3 EPR của Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn được đặt bên bờ sông Châu Giang trong tỉnh Quảng Đông. Nhà máy được khánh thành năm 2018.

Ngày 14-6-2021, kênh truyền hình Mỹ CNN cho biết, một số lượng bất thường khí nhiễm xạ đã thoát ra từ quy trình làm lạnh của lò phản ứng số 1, khiến hoạt động của nhà máy bị gián đoạn từ nhiều tuần nay. Một bức thư của Framatome (công ty con của EDF tham gia xây dựng các lò phản ứng của Đài Sơn) gửi cho Bộ Năng lượng Mỹ ngày 8-6-2021 đã báo cáo về một “rò rỉ” có thể xảy ra tại nhà máy.

“Dấu hỏi” về độ tin cậy của lò phản ứng EPR
Chuyên gia Pháp giám sát thi công Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn

Thông tin này ngay lập tức thú hút sự chú ý của giới chuyên gia hạt nhân cũng như làm dấy lên các nghi hoặc về độ tin cậy của lò EPR - tinh hoa của ngành công nghiệp điện hạt nhân Pháp. Ngày 15-6, Bộ Môi trường và Cơ quan An toàn hạt nhân Pháp đã ra thông cáo giải thích nguyên nhân sự cố. Đó là do có một số lượng nhỏ các thanh nhiên liệu (khoảng 5 thanh) bị hư hại dẫn đến hiện tượng tích tụ khí phóng xạ tăng bất thường tại Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn. Thông cáo khẳng định không có phóng xạ thoát ra ngoài môi trường cũng như không phải ngừng hoạt động của lò phản ứng.

“Theo thông tin do các cơ quan hữu quan cung cấp, tình hình hiện tại của Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Không có gì bất thường về phóng xạ xung quanh nhà máy”, phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian nói với các nhà báo.

“Dấu hỏi” về độ tin cậy của lò phản ứng EPR

EDF là nhà cung cấp công nghệ lò EPR, đồng thời là cổ đông góp 30% vốn vào Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn. EDF cho biết không có chuyện thoát khí nhiễm xạ ra ngoài, đây là những trục trặc thông thường trong vận hành lò phản ứng. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn an toàn hạt nhân tại Pháp, một trục trặc tương tự chắc chắn sẽ dẫn đến ngừng hoạt động lò phản ứng.

Lò phản ứng hạt nhân EPR thuộc độc quyền công nghệ của Pháp được đánh giá là an toàn nhất. Hợp tác với EDF, Trung Quốc đã đưa vào vận hành 2 lò phản ứng EPR đầu tiên của Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn cách đây 3 năm. Đây cũng là những lò phản ứng EPR duy nhất đã đi vào hoạt động trên thế giới. Trong những năm qua, EDF liên tục gặp các trục trặc từ các công trình xây dựng lò phản ứng EPR. Hai công trình khởi công trước nhà máy Đài Sơn, một ở Phần Lan và một ở Pháp, vẫn chưa thể đi vào hoạt động sau 15 năm khởi công do các vấn đề về kỹ thuật cũng như tài chính.

Sự cố ở Đài Sơn được phát hiện vào lúc mà EDF đang cố gắng hoàn tất lò EPR duy nhất tại Nhà máy Điện Flamanville (Normandie - Pháp). Bên cạnh đó, EDF đang đàm phán với nhiều nước châu Âu về các dự án EPR. Nước Anh, nơi có 2 lò EPR đang trong quá trình xây dựng, cam kết sẽ đặt hàng thêm 2 lò. EDF đang tiến hành thương lượng với Ấn Độ để lắp đặt tại nước này một nhà máy điện hạt nhân khổng lồ với 6 lò phản ứng EPR tại Jaitapur.

Các lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 3 EPR siêu hiện đại được đánh giá là bàn đạp để thực hiện chiến lược chuyển tiếp năng lượng sạch trong khi điện mặt trời hay điện gió chưa thực sự thuyết phục. Với công nghệ độc quyền lò EPR, EDF có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân dân sự với Nga. Phần đông các chuyên gia nhận định, sự cố gặp phải tại Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn sẽ đặt “dấu hỏi” về độ tin cậy của thế hệ lò phản ứng EPR.

“Hãy dừng các dự án EPR lại!”, nghị sĩ châu Âu Yannick Jadot đã viết trên tweet. Paul Dorfman, một nhà nghiên cứu tại Đại học College London (Anh), nhận xét: “Sự cố của EPR sẽ gây ra những hậu quả quan trọng cho bất kỳ kế hoạch xây dựng mới nào cho EPR ở Pháp, Anh và trên thế giới”.

“Dấu hỏi” về độ tin cậy của lò phản ứng EPR
Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn

Nhưng nhiều chuyên gia nhận định: Còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào. Đây có phải là một câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của cơ quan an toàn Trung Quốc hay là một vấn đề mang tính bản chất đối với chính lò phản ứng?

Sự phát triển năng lượng hạt nhân diễn ra mạnh mẽ ở Trung Quốc, nhưng vẫn còn giới hạn vì những thận trọng sau thảm họa Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản. Tuy nhiên, phát triển năng lượng hạt nhân ngày càng trở nên cấp bách do cuộc chạy đua kinh tế phi carbon đang được Chủ tịch Tập Cận Bình phát động.

Năm 2020, lãnh đạo Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2060, Trung Quốc sẽ đạt mức trung hòa carbon. Như vậy, từ nay đến đó, “công xưởng thế giới” Trung Quốc sẽ phải cắt giảm rất mạnh sự lệ thuộc vào năng lượng hóa thạch, hiện chiếm 69% sản xuất điện, trong đó chủ yếu là than đá. Trong khi đó, năng lượng hạt nhân mới chỉ chiếm tỷ trọng 3% sản lượng điện.

Với khoảng 50 lò phản ứng đang hoạt động và 18 lò đang xây dựng, Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 thế giới về số lượng lò phản ứng hạt nhân, chỉ sau Mỹ và Pháp. Xu hướng phát triển năng lượng hạt nhân của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục theo kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) vừa công bố hồi tháng 3-2021.

S.Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc