Dấu ấn lịch sử của Tuyên ngôn độc lập

08:07 | 02/09/2023

142 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với sự ra đời Bản Tuyên ngôn độc lập trong ngày 2/9/1945, lịch sử dân tộc Việt Nam đã sang trang mới - Kỷ nguyên độc lập dân tộc.
Dấu ấn lịch sử của Tuyên ngôn độc lập
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư Liệu

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thắng lợi của bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần đấu tranh quật cường của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa không chỉ mang ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc ta mà cả các quốc gia bị áp bức trên toàn thế giới, thưa ông?

Dấu ấn lịch sử của Tuyên ngôn độc lập

Cách mạng Tháng Tám là bước nhảy vọt vĩ đại, đánh dấu cuộc biến đổi to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nó phá tan xiềng xích nô lệ của phát xít Nhật và ách thống trị của thực dân Pháp, lật đổ chế độ phong kiến tồn tại xuyên suốt lịch sử dân tộc.

Từ tiền đề đó, ngày 2/9/1945 đánh dấu sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đây là mô hình Nhà nước kiểu mới, đưa nhân dân từ thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Đưa Việt Nam từ một nước thuộc địa, bị sự thống trị hà khắc của chính quyền thực dân, phong kiến xuất hiện trên bản đồ thế giới với tư cách là một nước tự do và độc lập.

Kết tinh của Cách mạng Tháng Tám được đánh dấu bằng Bản Tuyên ngôn Độc lập trong ngày 2/9/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khẳng định quyền tự do, độc lập của nhân dân Việt Nam trước toàn thế giới.

- Như vậy có thể khẳng định, Tuyên ngôn Độc lập chính là cơ sở thiết lập Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với mục tiêu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, thưa ông?

Tuyên ngôn Độc lập ra đời đã đánh dấu thắng lợi trong gần một thế kỷ của dân tộc Việt Nam kiên cường chống thực dân và phong kiến, thắng lợi của khát vọng tự do và độc lập.

Thực tế lịch sử đã chứng minh, từ đó về sau với tư cách là người chủ thật sự của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sự kiện 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập đưa đất nước Việt Nam sang một thời kỳ lịch sử mới với nền tảng là nền dân chủ cộng hòa, để từ sức mạnh của quốc gia độc lập ấy chúng ta tiếp tục những cuộc kháng chiến giữ nước để bảo vệ thành quả cách mạng.

- Hiện nay, chúng ta đang tiến hành xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Tuy nhiên, tiến trình đổi mới sẽ phải vượt qua không ít lực cản, thưa ông?

Tôi thấm thía câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Không đổi mới thì chết, nhưng nếu đổi mới mà không làm đúng định hướng xã hội chủ nghĩa thì cũng chết”.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhấn mạnh, không đổi mới thì làm sao phát triển kinh tế-xã hội? Không đổi mới thì làm sao hội nhập kinh tế quốc tế? Nhưng nếu không giáo dục cán bộ, đảng viên và các doanh nhân “đến nơi đến chốn” thì hội nhập quốc tế có cả ánh sáng và bóng tối.

Còn đội ngũ doanh nhân nếu không giáo dục tinh thần yêu nước, tình đồng chí, nghĩa đồng bào thì sẽ trở thành những nhà tư sản. Khi đó, họ sẽ lấy lợi nhuận làm đầu, đồng thời “móc ngoặc” cùng các “ông quan” cách mạng thì không biết đất nước sẽ đi đến đâu.

Đại hội VI đổi mới, Đại hội VII trong báo cáo chính trị đánh giá “chúng ta đã có một số cán bộ đảng viên có chức, có quyền thoái hoá, biến chất”.

Đại hội VIII không còn là “một số” mà trở thành “một bộ phận cán bộ Đảng viên có chức, có quyền thoái hoá biến chất”. Chúng ta đã tổ chức Đại hội trung ương VI lần thứ hai để “chống” cái đó.

Đến Đại hội IX đã trở thành “một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên có chức, có quyền thoái hoá, biến chất”. Qua đây cho chúng ta thấy, mặt trái của nền kinh tế thị trường có “sức công phá” lớn như thế nào.

- Vậy, theo ông chúng ta cần phải có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng suy thoái đạo đức của một phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên này?

Thứ nhất, yếu tố quyết định là phải làm trong sạch Đảng để dân tin như khi tiến hành cuộc cách mạng tháng 8/1945, kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Nhân dân đã hy sinh sinh mạng và lợi ích của mình để đi theo đảng.

Thứ hai, Đảng phải đào tạo được đội ngũ cán bộ để dân mến, dân tin. Muốn làm được điều này thì cán bộ, Đảng viên phải sống trong dân, lo lợi ích cho dân.

Thứ ba, nếu chỉ bằng sự giám sát của Đảng và Nhà nước thì không đủ. Kinh nghiệm thời gian vừa qua cho thấy phải có sự giám sát trực tiếp của nhân dân. Phải làm cho mọi cấp uỷ thấm nhuần điều này.

Thứ tư, phải làm tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để mọi người dân dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ thực hiện cho được khẩu hiệu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Tìm trong vốn cũTìm trong vốn cũ
Ý nghĩa thời đại và sự tái sinh của một quốc gia, một dân tộcÝ nghĩa thời đại và sự tái sinh của một quốc gia, một dân tộc