Đào tạo nhân lực cho Vinacomin: Còn lắm cam go

07:07 | 29/08/2013

859 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với trên 14 vạn lao động làm việc trong ngành, vấn đề về nguồn nhân lực của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đang đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề. Nhất là giai đoạn hiện nay, nghề thợ lò dường như không thể hấp dẫn giới trẻ. Vinacomin đã và đang làm gì để củng cố đội ngũ của mình trong thời gian tới?

Chăm lo đào tạo nhân lực

Vinacomin hiện có trên 140.000 lao động với 500 người có trình độ trên đại học, 30.000 người trình độ đại học hoặc trung cấp (chiếm khoảng 20%) và số còn lại là lực lượng lao động có tay nghề và bậc thợ. Đây là thế mạnh, được xem như một yếu tố hết sức cơ bản, quan trọng góp phần để Vinacomin phát triển như hiện nay. Tập đoàn đã đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân để chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và chiến lược phát triển của Tập đoàn cũng như các doanh nghiệp thành viên. Các hoạt động, chương trình đào tạo nhân lực từ cấp đơn vị thành viên đến cấp Tập đoàn được tổ chức ở trong và ngoài nước đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của từng đơn vị và triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư mới.

Một lớp bồi dưỡng cán bộ tại Trường Quản trị Kinh doanh Vinacomin

Vinacomin hiện có 4 trường đào tạo công nhân, cán bộ. Ngoài trường đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học là Trường Quản trị kinh doanh (Hà Nội), còn lại là 3 trường đào tạo công nhân mỏ lành nghề, phục vụ cho sản xuất. Đó là: Cao đẳng Nghề mỏ Hồng Cẩm, Cao đẳng Nghề mỏ Hữu Nghị (Quảng Ninh), Cao đẳng Nghề công nghiệp Việt Bắc (Thái Nguyên). Mỗi năm, những ngôi trường này đã đào tạo nâng cao hàng nghìn cán bộ và hàng vạn công nhân cho các mỏ. Với cơ sở vật chất của các trường tương đối ổn định, Vinacomin hoàn toàn có thể tự chủ trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất kinh doanh của mình.

Thời gian qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực được Vinacomin làm thường xuyên, liên tục, xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo điều hành. Hiện nay, Vinacomin có một lực lượng lao động đông đảo. Đó chính là tiềm năng, động lực lớn cho phát triển. Xác định chiến lược phát triển “từ tài nguyên khoáng sản và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh”, những năm qua, cùng với sự lớn mạnh của Tập đoàn, quy mô nguồn nhân lực cũng không ngừng phát triển, bình quân tăng 4-6%/năm, trong đó, công tác chăm lo đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển bền vững của Tập đoàn luôn được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Kinh phí cho công tác này ngày càng được chú trọng, trung bình mỗi năm thực hiện hàng trăm tỉ đồng.

Vinacomin luôn chú trọng trong công tác phát triển nguồn nhân lực, đó là nhằm đảm bảo cho người lao động có việc làm, có mức thu nhập ổn định và yếu tố thứ hai có tính chiến lược đó là chú trọng công tác đào tạo, phát triển nhân lực có trình độ cao đáp ứng được sự phát triển của khoa học công nghệ và yêu cầu phát triển của ngành dưới nhiều hình thức khác nhau: Ngắn hạn, dài hạn, trong nước, nước ngoài, tái đào tạo, đào tạo nâng cao... Đáp ứng nhu cầu từ thực tiễn sản xuất kinh doanh, thời gian qua, Vinacomin cũng đã tổ chức nhiều khóa đào tạo trong nước và nước ngoài cho hàng nghìn lượt CBCNV; tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, đặc biệt là khối hầm lò; tổ chức các khóa bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo cho đội ngũ lãnh đạo quản lý các đơn vị trong Vinacomin.

Vinacomin xác định, việc xây dựng phát triển nguồn nhân lực qua mỗi thời kỳ lại có một biện pháp khác nhau cho phù hợp với tình hình tại mỗi thời điểm, tuy nhiên tựu trung lại vẫn tập trung vào 3 đối tượng chính: Cán bộ quản lý cao cấp, trung cấp; đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt trong khai thác khoáng sản; đào tạo đội ngũ công nhân có trình độ, tay nghề cao. Ba lực lượng này chính là kiềng 3 chân cho sự phát triển của Vinacomin trong thời gian tới. Chương trình này đã được Tập đoàn ban hành, yêu cầu các giám đốc các đơn vị thành viên thực hiện nghiêm túc nhằm xây dựng đội ngũ ngày càng mạnh mẽ hơn, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

Mở rộng phương thức đào tạo

Dự báo trong những năm tới, nhu cầu đào tạo cán bộ trên đại học và các kỹ sư chuyên ngành mỏ hàng năm của Tập đoàn khoảng trên 800 người/năm, trong đó trình độ trên đại học khoảng 120 người/năm. Nhu cầu đào tạo công nhân kỹ thuật phục vụ cho duy trì sản xuất than hầm lò cần tới trên 8.000 người. Tập đoàn đã đề xuất nhiều biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hơn nữa công tác liên kết đào tạo giữa Vinacomin và Trường đại học Mỏ - Địa chất và một số trường đại học khác nhằm hướng tới nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quang Luật, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Trường đại học Mỏ - Địa chất đánh giá cao sự hợp tác đào tạo giữa Vinacomin với nhà trường. Trong 5 năm gần đây, tổng kinh phí cho công tác thực nghiệm và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mỏ của Vinacomin liên kết với trường lên đến 42 tỉ đồng. Nhiều dự án phục vụ khai thác mỏ, cải thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng… được thực hiện bài bản, có hiệu quả. Ông Luật cho rằng, trong liên kết, 2 bên đã có thỏa thuận khung nhưng cần cụ thể hóa hơn nữa. Hai bên cần giao các đơn vị chuyên trách quản lý các công việc, có theo dõi, đánh giá, khắc phục những khó khăn để việc hợp tác đào tạo đạt hiệu quả cao hơn…

Nhằm tạo được sự chuyển biến tích cực trong quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực. Mới đây, Đảng ủy Vinacomin đã ra nghị quyết nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nêu rõ, để đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển sản xuất những năm tới, đòi hỏi cả hệ thống chính trị của Tập đoàn phải vào cuộc.

Theo Nghị quyết của Đảng ủy Vinacomin về việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quy hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ để thực chiến lược phát triển kinh doanh của Tập đoàn đến năm 2015, tầm nhìn 2020 thì mục tiêu nguồn nhân lực phải đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Các công đoạn sản xuất phải được áp dụng công nghệ tiên tiến, có năng suất, chất lượng và có sức cạnh tranh cao. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực, công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ còn nhiều bất cập. Đội ngũ công nhân đông nhưng đang có sự mất cân đối về cơ cấu, trình độ chuyên môn. Tỷ lệ công nhân làm việc ở khu vực phụ trợ, phục vụ cao.

Số công nhân lành nghề, đặc biệt là thợ lò chưa đáp ứng đủ yêu cầu sản xuất. Lực lượng cán bộ đầu ngành, chuyên gia với vai trò đầu đàn còn thiếu. Do vậy, Nghị quyết nêu rõ, để đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển sản xuất những năm tới, đòi hỏi cả hệ thống chính trị của Tập đoàn phải vào cuộc, tạo được sự chuyển biến tích cực trong quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực. Các đơn vị cần rà soát sử dụng hợp lý nhân lực; luân chuyển và chủ động trong đào tạo nguồn nhân lực; liên kết chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề trên toàn quốc để đào tạo, tuyển dụng; vận dụng xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm giữ chân và thu hút lao động có trình độ, tay nghề cao v.v…

Tập đoàn lập đề án nâng cao năng lực đào tạo nghề tại các trường: Cao đẳng Nghề mỏ Hữu Nghị, Cao đẳng Nghề công nghiệp Việt Bắc và đề án nâng cấp tổ chức Trường Quản trị Kinh doanh - Vinacomin phù hợp với nhiệm vụ phát triển của Tập đoàn giai đoạn 2012-2015 và tầm nhìn 2020 v.v...

Mạnh Kiên