Đảo Nhật Bản có thể trở thành “tàu sân bay không thể đánh chìm” cho Mỹ

15:33 | 08/12/2019

1,881 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một hòn đảo rộng khoảng 8km2 ở rìa biển Hoa Đông một ngày nào đó có thể được coi là tàu sân bay không bao giờ chìm cho Hải quân Mỹ trong trường hợp nổ ra một cuộc xung đột quân sự ở châu Á.
Đảo Nhật Bản có thể trở thành “tàu sân bay không thể đánh chìm” cho Mỹ
Đảo Mageshima (Ảnh: Getty)

Chính phủ Nhật Bản trong tuần này cho biết sẽ mua lại hòn đảo không người ở Mageshima cách đảo chính Kyushu của Nhật Bản 34km về phía nam.

Đảo Mageshima thuộc sở hữu của một công ty ở Tokyo và có sẵn các đường băng xây dựng dở dang bị bỏ không từ một dự án phát triển trước đó. Chính phủ Nhật Bản cho biết, các đường băng này sẽ được tu sửa lại và dùng cho máy bay của Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ tập cất, hạ cánh. Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản không đưa ra kế hoạch thời gian cụ thể cho việc tu sửa này.

Sau khi được sửa chữa, nâng cấp, hòn đảo có thể trở thành căn cứ quân sự thường trực cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trong bối cảnh Tokyo muốn củng cố vị thế ở Hoa Đông, nơi tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc đối với quần đảo mà Tokyo gọi là Senkaku, Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.

“Việc mua đảo Mageshima rất quan trọng và giúp tăng cường năng lực răn đe của liên minh Mỹ - Nhật cũng như năng lực phòng thủ của Nhật Bản”, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết. Giới chức quân sự Mỹ tại Nhật Bản từ chối bình luận về động thái này của chính phủ Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản đã đàm phán mua đảo Mageshima từ nhiều năm nay, tuy nhiên, đến cuối tháng 11 vừa qua mới đạt được thỏa thuận cuối cùng với Công ty hàng không Tasuton, đơn vị sở hữu đảo.

Phân tán lực lượng Mỹ

Đảo Nhật Bản có thể trở thành “tàu sân bay không thể đánh chìm” cho Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm binh sĩ Mỹ đóng quân tại Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)

Thỏa thuận mua đảo trị giá 146 triệu US được đưa ra trong bối cảnh quân đội Mỹ cân nhắc tăng số căn cứ chiến lược ở Đông Á đối phó mối đe dọa từ kho tên lửa ngày càng lớn của Trung Quốc.

Đa số lực lượng không quân chiến đấu của Mỹ ở Nhật Bản chỉ tập trung ở 6 căn cứ. Theo các nghiên cứu mới đây, trong đó có nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Mỹ của Đại học Sydney công bố hồi tháng 8, nguồn lực của quân đội Mỹ hiện nay rất dễ tổn thương trước các cuộc tấn công tên lửa của Trung Quốc thậm chí ngay ở đầu một cuộc xung đột. Một trong những biện pháp để hạn chế tổn thất này là phân tán binh sĩ và khí tài của Mỹ ra nhiều căn cứ hơn nữa.

“Qua thời gian, việc đa dạng các căn cứ chung hay riêng của Mỹ và Nhật Bản sẽ là xu hướng. Liên minh này sẽ vững chắc hơn nếu các căn cứ và khí tài được phân bố ở nhiều vị trí hơn”, Corey Wallace, chuyên gia phân tích an ninh châu Á tại Đại học Freie (Berlin), nhận định.

Các căn cứ cố định được coi là có giá trị hơn cả những tàu sân bay bởi vì chúng có thể chịu được áp lực lớn hơn từ các cuộc tấn công. Một tàu sân bay vẫn có thể bị nhấn chìm chỉ bằng một tên lửa hay ngư lôi. Hơn nữa, những tổn thất đối với một căn cứ cố định có thể khắc phục nhanh hơn so với một cỗ máy chiến tranh như tàu sân bay.

“Khi một một tàu sân bay bị tấn công, bị đánh chìm, việc khôi phục gần như là không thể”, Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu tại Đại học S. Rajaratnam (Singapore), nhận định. Cũng theo chuyên gia này, với một hòn đảo, ít nhất nó không bị đánh chìm và có thể “dần dần khôi phục để hoạt động trở lại”.

Nút thắt trong quan hệ quốc phòng Mỹ - Nhật

Đảo Nhật Bản có thể trở thành “tàu sân bay không thể đánh chìm” cho Mỹ
Máy bay chiến đấu của Mỹ tại căn cứ trên đảo Okiawa (Ảnh: Reuters)

Căn cứ quân sự mới có thể là một tín hiệu tốt trong quan hệ quốc phòng Mỹ - Nhật trong bối cảnh Washington bị cho là “bỏ rơi” nhiều đồng minh kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức đầu năm 2017.

Mối quan hệ này từ lâu cũng gặp phải trở ngại khi người dân địa phương phản đối quân đội Mỹ đặt căn cứ gần khu vực sinh sống của họ. Hồi tháng 2 năm ngoái, người dân trên đảo Okinawa đã bỏ phiếu đề nghị Thủy quân lục chiến Mỹ di chuyển căn cứ Futenma khỏi vùng đảo của họ. Mặc dù vậy, chính phủ Nhật Bản vẫn giữ nguyên kế hoạch bố trí Futenma ở một vị trí khác song vẫn trên đảo Okinawa. Chính phủ Nhật Bản được cho là cũng sẽ theo đuổi kế hoạch với đảo Mageshima.

“Ông Trump muốn Nhật Bản phải chi trả thêm (để được lực lượng Mỹ bảo vệ). Việc mua đảo này là động thái nằm trong kế hoạch cho thấy Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ gánh nặng chi phí an ninh”, chuyên gia Koh bình luận.

Với vai trò một căn cứ huấn luyện, đảo Mageshima sẽ tạo thuận lợi cho các phi công trên tàu sân bay của Mỹ bởi hiện tại nhiều người trong số họ vẫn phải bay từ căn cứ không quân Iwakuni trên đảo chính Honshu của Nhật Bản với quãng đường dài hơn 400km.

Đảo Mageshima cũng có thể mang lại những khía cạnh hợp tác mới cho quân đội Mỹ và Nhật Bản, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Nhật Bản tuyên bố sẽ nâng cấp tàu sân bay trực thăng lớp Izumo để có thể sử dụng máy bay F-35B do Mỹ sản xuất. Mỹ hiện sử dụng F-35B cho các tàu tấn công đổ bộ, đặc biệt tàu sân bay cỡ nhỏ. Ngoài ra, Nhật Bản cũng mua hàng chục máy bay phản lực có thể cất cánh trên tàu sân bay đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng.

“Nhật Bản không có các phi công với nhiều kinh nghiệm hạ máy bay cánh cố định (bao gồm F-35) xuống tàu sân bay. Nhưng cơ sở mới ở Mageshima có thể là cơ hội để người Nhật dần làm quen với kỹ thuật đó cùng với người Mỹ. Như vậy, họ không những có thể áp dụng tàu chiến của họ mà còn của phía Mỹ. Máy bay F-35 của Nhật hạ cánh trên tàu Mỹ sẽ là một thông điệp mạnh mẽ”

Theo Dân trí

Xác lập kỷ lục Việt Nam cho lễ hội hoa anh đào Nhật Bản - Hà Nội
Hà Nội và Nhật Bản đẩy mạnh trao đổi hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch
4 ngôi đền độc đáo nhất Nhật Bản