Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ ảnh hưởng như thế nào với nước Anh?

14:05 | 17/08/2023

210 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Vương quốc Anh, vài năm trước được coi là quốc gia dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là với sự phát triển của các tuabin gió ngoài khơi, đang trên đà bị bỏ lại phía sau trong lĩnh vực sản xuất điện "xanh", theo một nghiên cứu.
Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ ảnh hưởng như thế nào với nước Anh?
Một nhà máy điện ở Anh

"Trong số 8 nền kinh tế phát triển nhất, tốc độ tăng trưởng trong công suất phát điện ít carbon của Anh đang trên đà tụt dốc từ đây đến năm 2030", ở mức 2,9% mỗi năm, theo nghiên cứu của Oxford Economics, thay mặt tập đoàn Energy UK.

Con số này thấp hơn so với Pháp (3,1%), Nhật Bản (3,2%), Đức (5,8%), Mỹ (6,4%), Trung Quốc (7,2%) và Ấn Độ (10,6%).

Nghiên cứu cho thấy nguyên nhân của sự chậm lại này là do thiếu hụt đầu tư, đặc biệt là so với Mỹ, quốc gia đã bỏ phiếu thông qua "Đạo luật Giảm lạm phát" vào một năm trước, đưa ra gói hỗ trợ trị giá 370 tỷ USD cho quá trình chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là sản xuất pin cho ô tô điện hay tấm pin mặt trời.

Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) đã củng cố các biện pháp giảm thuế của riêng mình đối với các khoản đầu tư vào công nghệ zero carbon.

Nghiên cứu cảnh báo rằng "các hạng mục đầu tư vào cơ sở hạ tầng "xanh" ở Anh có nguy cơ sẽ chuyển hướng sang các quốc gia có chế độ thuế ưu đãi hơn".

Năng lượng carbon thấp vẫn sẽ là một ngành tăng trưởng mạnh mẽ "trừ khi Chính phủ Anh đầu tư hấp dẫn hơn vào lĩnh vực này, nếu không, 480.000 cơ hội việc làm dự kiến từ quá trình chuyển đổi năng lượng từ đây đến năm 2030 có thể sẽ không thành hiện thực".

Vào tháng 6, CCC, cơ quan độc lập chịu trách nhiệm tư vấn cho Downing Street về quá trình chuyển đổi sang trung hòa carbon, đã than thở rằng tốc độ chuyển đổi năng lượng ở Anh "chậm đáng lo ngại".

CCC kêu gọi Chính phủ Anh triển khai những "hành động táo bạo hơn và ưu tiên vấn đề khí hậu hơn".

Đặc biệt là kể từ khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine, vấn đề an ninh năng lượng trở thành tâm điểm của cuộc tranh luận chính trị, khiến các mục tiêu xanh dường như bị lung lay ở Vương quốc Anh, một trong những quốc gia phát triển đi đầu với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Khi Hội nghị khí hậu COP26 diễn ra tại Anh vào năm 2021, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson thậm chí còn hứa sẽ biến Vương quốc Anh thành Ả Rập Xê-út về lĩnh vực điện gió và đưa ra các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng liên quan đến việc chấm dứt các phương tiện chạy bằng xăng và dầu diesel.

Mặt khác, người kế nhiệm ông, Thủ tướng Rishi Sunak, gần đây cũng đã hứa hẹn "hàng trăm" giấy phép mới để thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Bắc.

Tháng trước, Tập đoàn Điện lực Thụy Điển Vattenfall đã tạm dừng một trong những kế hoạch phát triển dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất nước Anh, vì chi phí gia tăng, giáng một đòn mạnh vào tham vọng của Anh về năng lượng tái tạo.

5 vấn đề các công ty dầu khí cần lưu ý về Đạo luật Giảm lạm phát vừa mới ban hành5 vấn đề các công ty dầu khí cần lưu ý về Đạo luật Giảm lạm phát vừa mới ban hành

Ý Thiên

AFP