Đằng sau vụ Chính phủ Mỹ hết... tiền!

18:00 | 05/10/2013

1,001 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc chiến ngân sách giữa phe Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội Mỹ suốt hai năm qua vừa được đẩy lên đỉnh điểm bằng việc đóng cửa chính phủ do hai bên không thỏa thuận được dự luật ngân sách cho năm tới. Thực ra thì dự luật ngân sách chỉ là con tin để phe Cộng hòa làm khó Tổng thống Obama. Và ẩn đằng sau vụ đóng cửa trên là triệu chứng “vô chính phủ” đang hình thành trong lòng nước Mỹ.

Đây là ví dụ điển hình nhất cho trường hợp “lắm thầy nhiều ma”! Sẽ không có chuyện này nếu không có chuyện lưỡng viện Quốc hội do hai đảng phái nắm quyền điều hành riêng rẽ, tức chiếm đa số. Một dự luật muốn được trở thành luật thì phải được cả hai viện phê chuẩn. Tuy nhiên, trong trường hợp hiện nay, dự luật ngân sách cho năm tài khóa 2014, bắt đầu từ ngày 1/10/2013, đang không nhận được sự đồng ý của phe Cộng hòa, phe đối lập của Tổng thống Obama.

Sở dĩ có chuyện này là vì Hạ viện Cộng hòa nói nếu Thượng viện Dân chủ của ông Obama muốn họ thông qua dự luật ngân sách trên thì phải kèm 1 điều điện. Đó là hoãn một năm việc thực hiện đầy đủ kế hoạch cải tổ hệ thống y tế - được gọi là “Obamacare” - và hủy bỏ một khoản thuế mới trên các thiết bị y tế. Điều này là không thể chấp nhận được với phe Obama bởi vì Obamacare, tên gọi châm biếm của phe Cộng hòa đối với đạo luật Affordable Care Act, được chính Tổng thống Obama soạn thảo nhằm loại bỏ những đặc quyền của giới sản xuất và kinh doanh các thiết bị y tế để tập trung nhiều hơn cho quyền lợi y tế của người nghèo, mà giới công nghiệp này lại là cử tri của phe Cộng hòa.

Một người biểu tình Mỹ đặt đồng USD lên miệng, kêu gọi Chính phủ Mỹ hoạt động trở lại

Thực ra thì dự luật Obamacare đã được Quốc hội thông qua từ năm 2010 và cũng đã được tối cao pháp viện Mỹ đồng ý, chỉ có điều chưa đến thời điểm áp dụng (tháng 1/2014). Nói cách khác thì cho dù Hạ viện Cộng hòa có phê chuẩn dự luật ngân sách của Thượng viện hay không thì cũng chả ảnh hưởng gì tới việc thực thi Obamacare! Bằng chứng là bắt đầu từ ngày 1/10 vừa qua, giới chức Mỹ cho những người không có bảo hiểm ghi danh tham gia vào “thị trường bảo hiểm sức khỏe” của chính phủ, theo Đạo luật Affordable Care Act. Nếu muốn được hưởng bảo hiểm Obamacare đầu năm tới, người ghi danh phải hoàn tất ghi danh từ nay đến ngày 15/12, mặc dù ghi danh này còn kéo dài đến ngày 31/3/2014.

Ðây không phải lần đầu tiên luật bảo hiểm y tế được Hạ viện Cộng hòa đưa ra tranh luận. Kể từ ngày nắm khối đa số đến giờ, các vị dân cử Cộng hòa đã 42 lần bỏ phiếu hủy bỏ luật được Quốc hội thông qua và Tổng thống Barack Obama ký ban hành hồi 2010, và cả 42 lần đó dự luật đều không được phía Thượng viện cứu xét. Lần này cũng thế, ông Harry Reid, Chủ tịch khối đa số bên Thượng viện đã nói đừng trông mong các vị nghị sĩ gật đầu “tất cả những dự luật không cấp ngân khoản cho Obamacare đều bị bác bỏ. Chắc chắn sẽ bị bác bỏ”. Nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer cũng lắc đầu than thở, “Họ (Hạ viện Cộng hòa) ở hành tinh nào vậy trời? Tại sao họ lại làm chuyện kỳ lạ như vậy?”.

Như vậy, Hạ viện sẽ thông qua những quy định như Hạ viện muốn, Thượng viện sẽ từ chối không cứu xét. Kết quả: ngân sách năm nay đến ngày 30/9 hết tiền, sáng 1/10/2013, chính phủ liên bang đã phải đóng cửa vì không có tiền trả lương cho nhân viên.

Tại sao Hạ viện lại làm điều này, cho dù biết kết quả sẽ đi tới đâu? “Rất dễ hiểu. Họ muốn đẩy Thượng viện vào thế khó khăn, và sử dụng lợi thế này cho cuộc bầu cử 2014 sắp tới” - chiến lược gia độc lập Nina Twinning trả lời. “Thế khó khăn đó là Thượng viện sẽ bác bỏ điều khoản liên quan đến Obamacare, chỉ đồng ý gia hạn ngân sách và cho hành pháp vay thêm tiền để chi tiêu, lúc đó bên Hạ viện Cộng hòa sẽ có cớ nói với dân chúng rằng, họ đã cố gắng bằng mọi cách để loại trừ luật Obamacare như người dân mong muốn nhưng gặp trở ngại vì cánh Dân chủ cứ khăng khăng muốn giữ lấy luật đó. Ai cũng hiểu luật Obamacare không được lòng mọi người nên bên Cộng hòa sử dụng vũ khí chính trị mà họ tin là rất lợi hại đó để kiếm phiếu, hy vọng sẽ lấy được khối đa số ở Thượng viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm sau” - bà Twinning bảo tiếp.

Chiến lược đó cũng được ông Chủ tịch Hạ viện nói đến ngay sau cuộc họp với các vị dân cử cùng đảng. Theo lời ông Boehner: “Chúng tôi (Cộng hòa) không hề muốn chính phủ đóng cửa, nhưng luật Obamacare đã được chúng tôi thông qua biết bao nhiêu lần, bây giờ là lúc bên Thượng viện phải quyết định”, ý muốn nói chuyện chính phủ phải đóng cửa là “vấn đề” của Thượng viện Dân chủ chứ không phải là chuyện bên Hạ viện Cộng hòa phải lo.

Nhưng chính các vị dân cử Cộng hòa cũng không đồng ý với chiến lược chính trị của Hạ viện. Người đầu tiên lên tiếng là Thượng nghị sĩ John McCain, nói rằng, sau những năm hoạt động trong chính trường, “tôi hiểu người dân chưa hẳn đã thích chính quyền nhưng chắc chắn họ không ưa chuyện chính phủ phải đóng cửa”. Dân biểu Cộng hòa Peter King của tiểu bang New York cho rằng, chiến lược có thể dẫn đến việc chính phủ phải đóng cửa “là sách lược điên rồ”, “chúng ta (Cộng hòa) sẽ thất bại”, “mất hết uy thế, ảnh hưởng trong chính trường”.

Bà Ana Navarro, người từng giữ vai trò cố vấn chính trị cho ứng viên John McCain, lại cho rằng khi gắn chặt Obamacare vào với ngân sách và nợ trần “chứng tỏ Hạ viện Cộng hòa đang ở thế lúng túng”. Lúng túng ở đây là “ông Chủ tịch Boehner dù nắm khối đa số nhưng không có đủ phiếu để thông qua dự luật về ngân sách ông muốn thông qua, do đó ông ta phải nắm lấy các vị dân cử thuộc nhóm Tea Party, chấp thuận đòi hỏi họ đặt ra”. Theo bà, “điều này tạo thêm bất lợi cho cánh Cộng hòa khi muốn kêu gọi thành phần cử tri độc lập tham gia với mình” vì thành phần cử tri độc lập “không ưa Obamacare nhưng họ cũng không bằng lòng khi thấy phe Cộng hòa gây khó khăn đến độ chính phủ phải đóng cửa”. Quan trọng hơn nữa, “chẳng ai muốn bước vào một căn nhà trong lúc biết trước là những người ở căn nhà đó đang lục đục với nhau”.

Việc để đóng cửa Chính phủ Mỹ, theo báo Telegraph (Anh), còn che giấu một điều khác. Đó là nước Mỹ đang trải qua một cuộc khủng hoảng về bản ngã, loay hoay với câu hỏi có nên tăng thuế và nhà nước đóng vai trò lớn hơn hay không, và miễn cưỡng với vai trò sen đầm thế giới. Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự của cuộc khủng hoảng chính là triệu chứng “vô chính phủ” - theo nhiều cách - đang hình thành trong lòng nước Mỹ. Sự phân chia khu vực bầu cử có chủ ý nặng nề cộng với sự phân cực xã hội ngày càng lớn và kéo dài hàng thập kỷ đã sản sinh ra một hệ thống bầu cử mà ở đó Quốc hội được nhồi nhét bởi các phe phái không hề có động cơ thỏa hiệp với nhau trong bất cứ vấn đề gì. Thêm nữa, cho dù thế bế tắc hiện nay có được giải quyết thì đám mây xám xịt hơn vẫn hiện hữu phía chân trời: cuối tháng này nước Mỹ cũng sẽ chạm trần nợ.

Điều này sẽ khơi ngòi cùng lúc một cuộc khủng hoảng kinh tế lẫn một cuộc khủng hoảng hiến pháp. Trong một kịch bản tồi tệ nhất, nước Mỹ sẽ buộc phải tuyên bố vỡ nợ, kéo hệ thống tài chính toàn cầu vào mớ hỗn loạn như đã từng xảy ra năm 2008. Dường như các dân biểu Mỹ sẽ không cho phép một thảm họa như vậy xảy ra nhưng không thể loại trừ khả năng nào, nhất là trong bối cảnh các bên đều cho thấy sự cứng rắn không lay chuyển như hiện nay.       

Vậy nên, những gì đang xảy ra còn hơn cả sự tê liệt chính quyền, nó phản ánh một căn bệnh trầm kha hơn. Đó là nước Mỹ đang trải qua một cuộc khủng hoảng về bản ngã, không chắc chắn lắm về việc có nên đi theo mô hình xã hội châu Âu đánh thuế mạnh hơn và nhà nước có vai trò lớn hơn hay không. Nước Mỹ cũng không còn hăng hái với vai trò sen đầm thế giới nữa. Cũng có hy vọng rằng việc đóng cửa này sẽ buộc các đảng phải có những nỗ lực nghiêm túc để đưa nền tài chính Mỹ trở lại nền tảng ổn định hơn. Nhưng trong bối cảnh tê liệt và thiếu đường hướng tại Washington hiện nay thì có lẽ cách khôn ngoan nhất là chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.

Hùng Phan