Đảm bảo không quá 150 đầu mối xuất khẩu gạo
Chiều 10/9, tại TP HCM Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo đó, từ nay đến 2015, Bộ Công Thương sẽ ổn định số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo không quá 150 đầu mối; từng bước củng cố, phát triển năng lực sản xuất, kinh doanh của đội ngũ thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo chiều sâu và hiệu quả xuất khẩu; nâng cao năng lực cạnh tranh của đội ngũ thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
Bộ Công Thương sẽ ổn định số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo không quá 150 đầu mối
Doanh nghiệp được tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo phải hội đủ các điều kiện như: phải có kho chứa, cơ sở xay, xát thóc, gạo trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TP HCM và các tỉnh: Thái Bình, Hưng Yên, Tây Ninh; ưu tiên thương nhân có vùng nguyên liệu hoặc có thực hiện hợp tác, đặt hàng, liên kết với hộ nông dân trồng lúa.
Ngoài ra, khi đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, thương nhân phải đạt thành tích xuất khẩu tối thiểu 10.000 tấn gạo/năm, nếu 2 năm liên tiếp xuất khẩu không đạt số lượng này sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận.
Theo Bộ Công Thương, quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo là việc làm cần thiết bởi kinh doanh xuất khẩu gạo là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh lương thực quốc gia, lợi ích của người tiêu dùng gạo trong nước và người nông dân sản xuất lúa.
Việc quy hoạch sẽ góp phần đảm bảo sự ổn định, bền vững cho hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo; gắn hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo với phát triển sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu và thu mua, tạm trữ, chế biến, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và hiệu quả xuất khẩu.
Theo quy hoạch này, Nhà nước sẽ kiểm soát, định hướng phát triển đội ngũ thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên phạm vi cả nước; định hướng phát triển đội ngũ thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo với địa bàn hoạt động tập trung chủ yếu tại các địa phương có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu lúa gạo hàng hóa với số lượng, quy mô và năng lực kinh doanh của thương nhân phù hợp, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong thương mại gạo quốc tế, phù hợp với thực tiễn tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo trong nước từng thời kỳ.
Trên cơ sở đó, Nhà nước sẽ thiết lập công cụ quản lý để góp phần thực hiện tốt mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo; đảm bảo tính thông suốt của thị trường lúa gạo trong nước, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ kịp thời lúa gạo hàng hóa và sự phát triển bền vững của ngành lúa gạo Việt Nam trong tình hình mới.
Ngày 29/8 vừa qua, Bộ Công Thương đã có công văn gửi Sở Công Thương các địa phương liên quan đề nghị tiến hành kiểm tra, xác nhận điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cho cho tất cả các thương nhân. Qua đó, Bộ Công Thương sẽ xem xét, phân loại cấp Giấy chứng nhận cho các thương nhân theo các tiêu chí quy hoạch. Trường hợp số lượng hồ sơ hợp lệ vượt quá số chỉ tiêu 150 đầu mối thì sẽ xét thêm các tiêu chí ưu tiên (vùng nguyên liệu, liên kết với người sản xuất, kinh nghiệm xuất khẩu...)
Mai Phương
-
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh: Ưu tiên sử dụng tối đa khí trong nước để phát điện
-
Giá phát điện tối đa cho nhiệt điện than năm 2025
-
Tin tức kinh tế ngày 14/4: Vốn từ Trung Quốc tăng tốc vào Việt Nam
-
Phê duyệt khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời
-
Làm gì để thương mại điện tử phát triển bền vững?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025