Đại biểu Quốc hội lo lắng chất lượng cán bộ tài nguyên môi trường

18:36 | 07/11/2012

783 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Ngày 7/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển phiên họp.

Trong báo cáo tóm tắt của Ủy ban Thường vụ QH về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, vướng mắc chủ yếu nằm ở hệ thống văn bản. Báo cáo cho thấy, hệ thống văn bản được ban hành ở các thời điểm khác nhau nên luôn có sự chồng chéo, sửa đổi, bổ sung.. dẫn đến có sự thiếu thống nhất nhất định.

Theo số liệu tổng hợp của Thanh tra Chính phủ, từ 2003-2010, các cơ quan hành chính các cấp đã tiếp nhận và xử lý là hơn 1,2 triệu đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trong đó đơn thư thiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai bình quân hàng năm trên 69,79%. Riêng từ 2008-2011, các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp nhận, xử lý 672.990 đơn thư, kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo đạt 84%. Số vụ khiếu nại đúng chiếm 19,8%, khiếu nại có đúng có sai là 28%, khiếu nại sai hoàn toàn chiếm 52,2%; số vụ tố cáo đúng chiếm 16,2%; có đúng có sai: 29,6% và sai hoàn toàn là 54,2%.

Đại biểu Trần Văn Tân (Tiền Giang) đóng góp ý kiến tại Hội trường.

Trên cương vị là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên môi trường, trong 3 nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận, hiệu quả quản lý đất đai hiện nay là nguyên nhân... “có vấn đề” nhất. Bộ trưởng thừa nhận những hạn chế trong công tác thi hành chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai và các nguyên nhân đã được đề cập trong báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo Bộ trưởng, ngoài nhận thức của người dân chưa đúng, chưa đủ về pháp luật liên quan đến đất đai; khâu tổ chức thực hiện các quy định về đất đai và ý thức công vụ của một bộ phận cán bộ còn nhiều thách thức được đặt ra.

“Đúng là hiệu lực quản lý hiện nay có vấn đề, còn yếu, điều kiện, phương tiện còn thiếu. Hướng lâu dài là mỗi mảnh đất phải được thể hiện trong hệ thống quản lý dữ liệu toàn quốc thì mới quản lý được”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang phát biểu. Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng, cần phải nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp của Bộ và các địa phương, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến vai trò của địa phương trong việc quan tâm đến những đề xuất, khiếu nại, kiến nghị của người dân để làm hết trách nhiệm của mình.

Không khó để nhận thấy, những vấn đề gây bức xúc nhất trong lĩnh vực đất đai nằm ở công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hồi đất phục vụ dự án, tranh chấp đất đai, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... 39 ý kiến của các Đại biểu trên hội trường hôm nay đều không nằm ngoài bức xúc trên.

Theo đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ), cán bộ làm công tác tài nguyên môi trường vừa thiếu, vừa yếu, có nơi có lúc nhiều cán bộ còn bàng quan, thơ ơ, thiếu trách nhiệm với quyền và lợi ích của dân, có hiện tượng lợi ích nhóm, dòng họ, cố ý làm sai lệch hồ sơ đất đai để trục lợi khi giải quyết… Bên cạnh đó, kỷ cương kỷ luật hành chính chưa nghiêm, có vụ việc cấp trên chỉ đạo nhưng cấp dưới chậm trễ hoặc không chấp hành. Có hiện tượng né tránh, đùn đẩy khi công dân khiếu nại, tố cáo.

Chỉ ra sự bất cập trong công tác đền bù, đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình), cho rằng, sự bất cập giữa các chính sách, pháp luật về đất đai, sự thiếu ổn định của các chính sách và có hiện tượng các văn bản về lĩnh vực này “đá nhau” như chính sách đền bù trước ít, sau nhiều. Hai địa phương cách nhau một con mương nhưng chính sách đền bù chênh lệch nhau đến 5 lần, giá đền bù đất chênh lệch bất hợp lý, gây tâm lý bức xúc trong cử tri.

Đa số các Đại biểu QH cho rằng đối thoại với nhân dân là cách làm hữu hiệu nhất để giảm thiểu khiếu nại, khiếu kiện kéo dài

Do đó đa số các đại biểu đề nghị Quốc hội sửa đổi những quy định của Luật Đất đai và các luật khác có nội dung điều chỉnh liên quan đến đất đai một cách đồng bộ. Đẩy mạnh quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, không xây thêm khu công nghiệp khi mà khu công nghiệp cũ chưa lấp đầy. Xử lý nghiêm các trường hợp sách nhiễu, vi phạm trong giải quyết đất đai. Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đề nghị nâng cao dần giá trị của đất nông nghiệp. Đại biểu này cũng bày tỏ sự băn khoăn về khả năng thực thi quy định bồi thường theo giá thị trường bởi vì hoạt động quản lý kinh tế tài chính về đất đai chưa hoàn chỉnh, chưa tổ chức được một hệ thống định giá độc lập trong khi đó, thị trường bất động sản thì phát triển tự phát...

Theo đại biểu Phương Lan, để làm tốt công tác định giá theo thị trường thì từng bước hoàn thiện thị trường bất động sản gắn với thị trường quyền sử dụng đất. Không nên quá mở rộng quyền hạn của nhà nước trong việc thu hồi đất. Tránh việc lạm dụng quyền giao, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và đặc biệt là thu hồi đất. Về giá đất bồi thường, đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) đề nghị thực hiện cơ chế 1 giá và trong quá trình bồi thường giá sát với giá thị trường. Cần quy định khung giá đất phù hợp cơ chế thị trường.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng cụ thể hóa tối đa các quy định hiện còn mang tính nguyên tắc, đặc biệt là những vấn đề đã áp dụng ổn định trong thực tiễn, đồng thời quy định rõ các quyền đại diện chủ sở hữu và quyền thống nhất quản lý của Nhà nước.

Nhà nước quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không phải do người sử dụng đất tạo ra, đảm bảo sự hài hoà về lợi ích của Nhà nước với lợi ích người sử dụng đất và lợi ích của nhà đầu tư; sửa đổi, bổ sung việc quy định giá đất bảo đảm nguyên tắc phù hợp cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; khung giá đất, bảng giá đất theo hướng ổn định và chỉ điều chỉnh khi thị trường biến động (có thể tăng, giảm 15%-20%).

Theo chương trình, ngày mai 8/11, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.

L.T

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc