"Cứu người, không kịp nghĩ gì cả"!

15:49 | 28/05/2024

1,287 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đó là câu trả lời của bốn “người hùng” trong vụ cháy tang thương vừa xảy ra rạng sáng ngày 24/5 vừa qua tại căn nhà trong ngõ 43, phố Trung Kính, Hà Nội. Nếu không có các anh thì con số người thiệt mạng sẽ còn lớn hơn.
Bốn "người hùng" tham gia giải cứu các nạn nhân trong vụ cháy.

Bốn chàng trai dũng cảm ấy là Đồng Văn Tuấn (quê Nam Định, làm nghề lái xe ôm công nghệ), Hoàng Anh Tuấn (quê Nam Định, sinh viên), Phạm Quốc Luật (quê Hà Tĩnh, thợ nhôm kính) và Nguyễn Kim Long (con chủ nhà, nơi anh Luật thuê trọ).

Họ là hàng xóm cùng ngõ, trước đó chưa hề quen biết nhau. Rồi trong một hoàn cảnh bất ngờ, dữ dội, nguy hiểm họ đã nhanh chóng kết thành một nhóm làm việc hết sức ăn ý, dũng cảm, cứu thành công bốn người trong đám cháy trước cái chết trong gang tấc.

Khi đám cháy bùng lên, nghe tiếng kêu cứu thất thanh, Phạm Quốc Luật vội chạy đi tìm thang, tìm búa. Khi ấy Long đã mang thang chạy đến. Cùng lúc hai người cùng tên Tuấn kịp trèo lên kéo thang gối lên gờ của bức tường để tiếp cận cửa sổ tầng hai, nơi bên trong có người đang kêu cứu thất thanh.

Tất cả chỉ diễn ra trong vài ba phút. Hoàng Văn Tuấn giữ thang cho Đồng Văn Tuấn trèo lên cửa sổ, dùng búa tạ quai mạnh vào tường. Phạm Quốc Luật hợp lực, cùng bạn thay nhau đập cho đến khi bức tường nứt vỡ, đủ để bốn người trong nhà chui ra ngoài. Rồi tất cả cùng hỗ trợ đưa họ thoát ra trong lửa khói mịt mùng.

Khi các chiến sĩ lực lượng phòng cháy chữa cháy có mặt tại hiện trường khẩn trương làm nhiệm vụ dập lửa cứu người bị nạn, cả bốn thanh nhiên vẫn tiếp tục tham gia ứng cứu. Các anh nói rằng, rất đau xót khi nghe tiếng người kêu khóc thảm thiết, nhưng không có cách nào băng qua biển lửa. Sau này khi có nhà báo hỏi, các anh đã suy nghĩ gì trong giờ phút hiểm nghèo ấy, họ đều trả lời trong nước mắt: “Chúng tôi chỉ lo cứu người, không kịp nghĩ gì cả”.

Sức mạnh nào đã giúp Đồng Văn Tuấn và Phạm Quốc Luật đứng trên thang chênh vênh, trong lửa khói mịt mùng, tay cầm chiếc búa nặng liên tục công phá từng mảng tường kiên cố? Chỉ có thể là sức mạnh kỳ diệu chớp từng giây vượt qua ranh giới sống-chết. Người có lòng nhân ái là người biết san sẻ, biết cho đi. Nguồn năng lượng ấy giống như nguồn năng lượng ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.

Người xưa nói “nhất thủy, nhì hỏa”, nghĩa là giặc thủy kinh hoàng nhất, rồi đến giặc hỏa. Nó ập đến bất ngờ, nhanh chóng và hậu quả vô cùng khủng khiếp. Nhắc đến “giặc thủy”, tôi lại nhớ câu chuyện xảy ra cách đây chưa lâu. Tháng 2/2024, một sĩ quan quân đội đã dũng cảm cứu một thanh niên khỏi tay thần chết, có lẽ cũng là nhờ ở năng lượng tinh thần đặc biệt.

Chiều hôm ấy, tại khu vực cống hộp dọc bờ mương công trình đại thủy nông Nậm Rốm, thuộc bản Nà Púng, phường Thanh Trường, TP Điện Biên Phủ, đã xảy ra vụ đuối nước. Đại úy Lê Hoàng Hà Nam, cán bộ Công an tỉnh Điện Biên phát hiện dưới mương nước cuộn siết có một chiếc nón nổi lập lờ. Linh tính có người gặp nạn, bất chấp dòng nước lạnh và chảy xiết, Nam lao ngay xuống, lặn ngụp, mò tìm. Rất may, anh Nam đã túm được tay nạn nhân và cố hết sức đưa lên bờ, khi nạn nhân chân tay co cứng, tưởng hết hi vọng cứu chữa.

Lúc đó tuy đã rất mệt, nhưng bằng kỹ năng, kinh nghiệm của mình, Đại úy Nam cùng một người dân vừa tới đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp sơ cứu, thổi ngạt, day tim. Thật may mắn, phép lạ đã đến, nạn nhân thở nhẹ và dần tỉnh táo.

Người được cứu sống là anh Phạm Minh Hải. Sau này Hải kể đầu giờ chiều ngày 18/2, khi đi qua bản Nà Púng, phường Thanh Trường, không may bị choáng và ngã xuống mương nước sâu. Nếu không có bộ đội Nam thì anh đã không còn đến hôm nay.

Lại cũng là khoảnh khắc đặc biệt. Lại cũng là ranh giới mong manh giữa hai bờ sống-chết. Và Đại úy Lê Hoàng Hà Nam cũng cười hiền nói rằng: “Lúc ấy chả kịp nghĩ gì cả”.

“Người hùng” dũng cảm cứu người không kịp nghĩ gì cả. Nhưng những người được cứu sống, những người chứng kiến thì vô cùng cảm phục, kính trọng họ. Đã có những nhà khoa học dầy công nghiên cứu về hiện tượng “kỳ bí” này.

Cách đây mấy năm, David Rand - Phó giáo sư tâm lý học Đại học Yale (một trong những Viện đại học lâu đời nhất ở Mỹ, chỉ sau Viện Đại học Harvard) đã cùng một nhóm nghiên cứu về những người hành động dũng cảm, với “lòng vị tha tột độ”. Câu hỏi đặt ra: Vì sao họ không sợ hãi?

Để trả lời, các nhà nghiên cứu tuyển hơn 300 tình nguyện viên và sử dụng thêm thuật toán để đọc và phân tích các phát biểu của 51 người được trao Huân chương anh hùng Carnegie (phần thưởng vinh danh những công dân không sợ hi sinh tính mạng để cứu người).

Câu trả lời: Họ đều chung một suy nghĩ, “hãy hành động trước!”. Một sinh viên 21 tuổi đã vật lộn để cứu một cụ già mắc kẹt trong xe hơi trong khi lũ quét. Anh nói rằng: “Lúc đó không có thời gian để hi vọng. Ai gặp thì cũng sẽ làm như tôi. Tôi rất mừng vì đã có thể hành động đúng, mà không nghĩ gì về nó”.

Có gì giống nhau giữa chuyện trong nước và thế giới? Đó là sức mạnh thần bí, sức mạnh của lương năng con người. Nhưng có lẽ, ở Việt Nam, điều này khiến chúng ta thấm thía hơn: Một đất nước từng trải qua nhiều năm chiến tranh, như một lẽ tự nhiên con người giàu dũng khí và lòng nhân hậu. Lòng can đảm suy cho cùng là dám sống! Khi ấy là sự can đảm một cách thông minh, tỉnh táo.

Cố nhiên, không ai mong muốn làm người hùng trong hoàn cảnh bất đắc dĩ. Chỉ mong mọi người hãy cẩn trọng hơn, trách nhiệm cao hơn vì sự an toàn. Hãy làm thật ngay bây giờ và ở đây. Đừng bao giờ làm theo phong trào. Đừng làm việc gì cũng nghĩ đến sự đối phó với sự kiểm tra của chính quyền, của cơ quan chức năng. Tính mạng con người là cái quý giá nhất. Những chủ quan, khinh suất không đáng có, những thảm họa tang thương mong đừng bao giờ lặp lại.

Hải Đường