Kết quả xét xử phúc thẩm một "người hùng trong vụ án Năm Cam"

13:57 | 28/10/2014

5,206 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng 28/10, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã mở phiên xét xử bị cáo Nguyễn Tuyến Dũng, nguyên điều tra viên Công an tỉnh Tiền Giang về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.

Bị cáo Dũng kêu oan vì bản án sơ thẩm Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát chưa làm rõ vai trò của bị cáo trong vụ án. Bị hại Bùi Mạnh Lân cũng đã đưa ra 4 yêu cầu kháng cáo nội dung Bản án theo hướng: “Hủy một phần nội dung Bản án sơ thẩm để điều tra và làm rõ một số tình tiết có liên quan”.

Ông Lân với tư cách người bị hại, đã kháng cáo liên quan đến thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Tuyến Dũng đã hết nên không giải quyết các kiến nghị.

Đối với trách nhiệm của những người có liên quan khác, ông Lân yêu cầu xem xét việc phê duyệt kế hoạch, chỉ đạo điều tra viên trực tiếp thực hiện các hành vi trong việc: “Bắt giữ người trái pháp luật” và hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn giam giữ người trái pháp luật”.

 

Bị cáo Nguyễn Tuyến Dũng tại phiên tòa phúc thẩm.

 

Bị hại đã kiến nghị TAND Tối cao tại TP HCM xác định tư cách người bị hại trong vụ án Nguyễn Tuyến Dũng có hành vi “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” và không đưa Công ty Cổ phần Hưng Thịnh vào tham gia tố tụng trong vụ án là chưa đúng về thủ tục tố tụng.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Cư và bà Huỳnh Thị Thu tố cáo sai sự thật và có dấu hiệu của hành vi “Vu khống” cũng cần được xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Chủ tọa nhận định, bị cáo Dũng trong quá trình điều tra vụ án gây rối nhưng đưa tang vật không dính đến vụ án vào thụ lý là sai vì miếng đất 23.383 m2 không liên quan đến vụ án gây rối. Bị cáo là Điều tra viên cao cấp, đã làm sai nhưng nếu hôm nay có Nguyễn Văn Nên, cấp cao hơn sẽ được xem xét. Trong vụ án có cái sai của người ra lệnh và cái sai của người thi hành. Nên đã vào trại tâm thần, không phải vì vậy mà trút hết tội cho bị cáo.

Bị cáo Dũng đưa ra ý kiến, theo luật Công an nhân dân, nếu cấp trên sai thì báo cáo vượt cấp. Bị cáo không thể báo cáo vượt cấp được vì Phó thủ trưởng cơ quan điều tra cũng là thành viên chỉ đạo trong ban chuyên án. Chủ tọa khẳng định, đưa tang vật vụ án dân sự vào sử lý vụ gây rối trật tự công cộng tại công ty gas là sai. Bị cáo biết sai nhưng bị cáo đã không kiểm soát được bản thân.

Việc làm của bị cáo gây thiệt hại đến quyền lợi cho công ty Hưng Thịnh làm doanh nghiệp không sản xuất, kinh doanh trong thời gian dài và gây thiệt hại cho ông Cư, bà Thu 5,2 tỉ đồng.

Đại diện cho bị hại, luật sư Phan Đức Linh đã đưa ra con số thiệt hại cụ thể khoảng 30 tỉ đồng. Nhưng tại phiên tòa sơ thẩm đã xét xử, hành vi của bị cáo là nguy hiểm và cũng xác định có gây thiệt hại cho Công ty Hưng Thịnh. Nhưng trong quá trình điều tra, Công ty Hưng Thịnh không cung cấp hồ sơ, chứng cứ nên xem xét bằng một bản án khác.

Trong các tài liệu đều xác định, Công ty Hưng Thịnh bị thiệt hại và đã tách ra thành vụ án dân sự khác. Chủ tọa cấp phúc thẩm đánh giá, hành vi của bị cáo không xác định được giá trị thiệt hại nhưng có hành vi gây ra thiệt hại. Bị cáo kháng cáo kêu oan vì không đưa thiệt hại vào bản án để xét xử và bị hại yêu cầu xem xét thiệt hại liên quan đến Công ty Hưng Thịnh là có cơ sở.

Đại diện Viện kiểm sát đưa ra quan điểm, theo đơn kháng cáo của bị cáo Dũng và bị hại Bùi Mạnh Lân (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hưng Thịnh) về hành vi phạm tội của bị cáo Dũng thấy rằng, bị cáo là điều tra viên và được phân công điều tra vụ án hình sự nhưng đã vượt quá quyền hạn được giao. Bị cáo thay tòa giải quyết vụ việc dân sự, lấy tiền gửi ngân hàng để trục lợi. Tòa sơ thẩm xử bị cáo mức án trên là không oan.

Bị hại Lân bị bắt giữ trái pháp luật và cấp tòa sơ thẩm đã không xem xét. Trong vụ án này, ông Lân kháng cáo yêu cầu hủy bản án sơ thẩm là có căn cứ. Cấp sơ thẩm không đưa Công ty Hưng Thịnh vào xét xử với tư cách bị hại cũng là thiếu sót. Viện kiểm sát đã đề nghị hủy án sơ thẩm.

Luật sư Trần Hải Đức, đại diện cho các luật sư bào chữa cho bị cáo: “Qua phần xét hỏi của phiên tòa, bản án sơ thẩm xét xử ông Dũng 10 năm tù. Bị cáo Dũng kháng cáo kêu oan và ông Lân đồng thời có đơn kháng cáo”.

Về hành vi, cần thiết phải chứng minh được thiệt hại vì đây là việc cần và đủ. “Đây cũng là hành vi cấu thành tội phạm không được đưa vào vụ án thì không khách quan”, luật sư Đức nói.

Ông Cư và bà Thu cũng đã khẳng định, không có thiệt hại như bản án sơ thẩm. Trong vụ án này, mấu chốt ở 2 vấn đề, Công ty Hưng Thịnh bị thiệt hại và ông Cư bà Thu bị thiệt hại. Nhưng, ông Cư bà Thu đã khẳng định không có thiệt hại gì. Luật sư Trần Hải Đức yêu cầu HĐXX cần phải trả vụ án về điều tra lại và xác định mức độ thiệt hại liên quan đến Công ty Hưng Thịnh.

Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM xét thấy, tại bản kết luận, bị cáo đã gây thiệt hại về quyền lợi của Công ty Hưng Thịnh và gây thiệt hại cho ông Cư, bà Thu. Cáo trạng cũng khẳng định bị cáo Dũng gây thiệt hại và bản án sơ thẩm cũng khẳng định bị cáo Dũng đã gây thiệt hại cho Công ty Hưng Thịnh.

Bản án sơ thẩm đã có 2 cái sai và phải chỉ ra được, bị cáo Dũng lạm quyền và gây ra thiệt hại cho Công ty Hưng Thịnh là bao nhiêu? Bản án sơ thẩm đã xác minh bị cáo Dũng gây thiệt hại và tách vụ án ra thành vụ án dân sự là điểm sai. Việc không đưa Công ty Hưng Thịnh vào xét xử càng không đúng và phải chứng minh Công ty Hưng Thịnh thiệt hại là bắt buộc.

Việc không đưa Công ty Hưng Thịnh vào để chứng minh Công ty Hưng Thịnh là bị hại trong vụ án này là vi phạm tố tụng. HĐXX chấp nhận đề nghị của VKS tối cao, chấp nhận kháng cáo của bị cáo, chấp nhận kháng cáo của bị hại.

HĐXX cấp phúc thẩm nhận định, cũng cần phải xem xét lại vai trò của các thành viên trong Ban chuyên án để dẫn đến hậu quả trên. 

 Vì các lẽ trên, Tòa cấp phúc thẩm chấp nhận hủy bản án sơ thẩm và trả hồ sơ vụ án về cấp sơ thẩm để giải theo thủ tục chung.

 

Hưng Long

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc