Chống vi phạm bản quyền truyền hình

"Cuộc chiến đầy cam go"

06:50 | 26/04/2018

1,430 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những năm gần đây, vi phạm bản quyền - đặc biệt là trong lĩnh vực truyền hình - luôn là vấn đề gây nhức nhối tại Việt Nam. Mặc dù đã có nhiều đơn vị “dính án phạt” do vi phạm bản quyền, song số lượng những vụ vi phạm vẫn chưa hề giảm.

Theo báo cáo của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) thì sự vi phạm bản quyền trên truyền hình hiện nay đang biểu hiện ở nhiều hình thức và nhiều mức độ, gây thiệt hại không nhỏ cho các đơn vị truyền hình.

Có thể nhắc tới trường hợp của chương trình “Gặp nhau cuối năm” do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, phát sóng vào tối 30 tết hằng năm. Sau khi chương trình được phát sóng trên VTV, rất nhiều khán giả có nhu cầu xem lại trên Internet và các trang mạng xã hội.

Chính vì thế, đây là chương trình lập “kỷ lục” về vi phạm bản quyền. Ngay khi chương trình được phát sóng trên VTV, nhiều người đã ghi lại và đưa lên Internet, đặc biệt là YouTube. Mới đây, sau khi “Gặp nhau cuối năm” 2018 bị hàng loạt cá nhân đăng tải trái phép, CNC - đơn vị ký hợp đồng với VTV độc quyền phát hành clip Táo quân trên Internet - đã vào cuộc, buộc các tài khoản vi phạm trên YouTube phải gỡ các video. YouTube đã tiến hành khóa tài khoản người dùng đối với các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, “hình phạt” này cũng chưa đủ sức dọn sạch những video đăng tải trái phép nội dung của “Gặp nhau cuối năm” 2018 trên Internet.

cuoc chien day cam go 503663
Một cảnh trong “Gặp nhau cuối năm 2018"

Trước đó, 2 bộ phim rất ăn khách là “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng” cũng vướng phải tình trạng vi phạm tương tự. Mỗi ngày, VTV phát hiện hàng trăm tài khoản vi phạm bản quyền với facebook liên quan tới 2 bộ phim này. Kết quả, FPT Telecom và Viettel đều bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 30 triệu đồng do cung cấp 2 bộ phim ăn khách này trên các website fptplay.net, videohay.vn cũng như tại ứng dụng FPT Play cùng Viettel TV.

Nhiều website hoặc trang facebook còn thông báo sẽ phát trực tiếp cùng thời điểm phim đang chiếu. Thậm chí, tình trạng vi phạm còn tinh vi hơn khi nhiều tài khoản sau khi lôi kéo được lượng người xem nhất định sẽ xóa video khiến các chuyên viên không thể thông báo vi phạm của các trang này. Theo đại diện của Trung tâm Sản xuất và Kinh doanh nội dung số Đài Truyền hình Việt Nam, nhiều website vi phạm có các máy chủ và tên miền ở nước ngoài nên khó xử lý. Thống kê sơ bộ cho thấy, có khoảng hơn 10 website, 7 ứng dụng OTT và hàng trăm trang facebook vi phạm bản quyền.

Tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm 2017, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh truyền hình Vĩnh Long Lê Quang bức xúc, hiện tại nạn “ăn cắp” bản quyền diễn ra còn trắng trợn hơn trước rất nhiều. Trước đây, đài chiếu một bộ phim thì tới hôm sau các trang mạng mới lấy lại nhưng hiện nay cứ chiếu 15 phút là đã thấy bản bị cắt được đưa lên Internet. Ông Quang bức xúc: Đài mua các phim “bom tấn” nước ngoài với giá cao, nhưng chưa kịp chiếu thì đã xuất hiện bản phụ đề đầy đủ trên mạng.

Không chỉ gây thiệt hại cho các nhà đài, việc vi phạm bản quyền cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các khán giả chân chính. Vào tháng 5-2017, VTVcab đã phải ngừng phát sóng các giải đấu Champions League và Europa League tại Việt Nam do bị xâm phạm bản quyền chương trình phát sóng. Điều này đã khiến phần lớn “tín đồ túc cầu” Việt Nam không thể theo dõi loạt trận quan trọng nhất của các giải đấu này.

Theo Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện nay có 3 dạng vi phạm điển hình về bản quyền truyền hình: Vi phạm trên các trang thông tin điện tử (website), các ứng dụng (app), OTT không phép (OTT lậu); vi phạm trên các website, app của một số doanh nghiệp có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, chủ yếu là dịch vụ OTT; một số đài phát thanh truyền hình sử dụng hình ảnh, tư liệu trong chương trình, kênh chương trình nhưng không xin phép chủ sở hữu.

Mặc dù bị vi phạm nghiêm trọng, trong năm 2017, VTV cũng chỉ thu về số tiền 500 triệu đồng bồi thường vi phạm bản quyền của 2 doanh nghiệp truyền thông, cũng như đang kiến nghị cơ quan thanh tra xử lý hành chính 3 doanh nghiệp truyền thông khác.

Không chỉ gặp nhiều khó khăn khi đấu tranh, xử phạt, các đài truyền hình còn gặp khó khi tập hợp tư liệu, chứng cứ vi phạm. Đơn cử như trường hợp VTV, để phát hiện trường hợp vi phạm, VTV phải sử dụng phương pháp đánh chặn thủ công từng video. Thế nhưng, cơ chế hệ thống của YouTube thay đổi thường xuyên nên việc đánh chặn này mất nhiều thời gian, hiệu quả thấp và phải cần nhiều người thực hiện 24/24. Trong khi đó, nhà cung cấp nền tảng video trên Internet này không thiết lập các kênh riêng hỗ trợ trực tiếp những nhà sản xuất nội dung để xử lý các vi phạm liên quan đến bản quyền.

Có thể nói, tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình đang tràn lan ở Việt Nam. Đây là là “cuộc chiến” cam go giữa đơn vị cung cấp và các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Điều cần thiết không chỉ nằm ở việc gia tăng các chế tài cũng như mức phạt mà cần nâng cao nhận thức của các nhà mạng đối với các hành vi vi phạm, giảm thiểu tối đa những vụ kiện hành chính phức tạp, kéo dài liên quan tới việc vi phạm bản quyền truyền hình.

Theo số liệu của Hiệp hội Truyền hình trả tiền năm 2017, so với các nước trong khu vực, Việt Nam đang là nước có mức doanh thu bình quân trên một thuê bao truyền hình trả tiền ở mức thấp nhất. Doanh thu trung bình (ARPU) của Việt Nam khoảng 3USD, Thái Lan 12USD, Malaysia 16USD, Indonedia 14USD.

Vương Thanh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.