Cung nhạc giữa biển chiều mê đắm

06:15 | 17/03/2012

638 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gió bỗng thổi mạnh xua tan một khoảnh mây. Le lói nhợt nhạt soi lên mặt nước lõm bõm vài bóng người vác sào liêu xiêu về phía biển. Xa xa lẫn trong bóng tối nhợt nhạt, sậm sịt ấy chỉ có tiếng gió rít qua những ống quần lật phật, một tốp, một tốp, rồi một tốp nữa cũng hắt hiu băng qua bãi cát bùn sin sít.
Bãi nghêu Cần Thạnh – Cần Giờ

Từ sâm sẩm đến lúc tờ mờ, bãi bồi đen xỉn dần hiện hình càng lúc càng phình to. Cho đến lúc mồn một thì chênh chếch chân trời cái đốm rừng rực đã bắt đầu toe toét rồi ôm chầm, chộp lấy bóng dáng tong teo đang quắp lấy đòn cào để vạch trên mặt cát lăn tăn những hàng lối nhăn nhó.

Chị Trương Thị Bé Ba thỉnh thoảng dừng cái công việc cặm cụi lại, quệt trán nói với chúng tôi như phân bua:

- Hồi trước bãi này đầy ụm à, giờ còn mấy chú ơi!

Rồi cắm cúi kìn kịt ra những đường vạch dúm dó. Lâu lâu “sựt” lên một tiếng, cúi xuống nhặt vội rồi bóp vụn, tòi ra một mẩu nghêu tèo tẹo bằng cái móng út; chị lại vùi vội xuống rồi kẻ tiếp những dòng nhạc mà chị vừa là nhạc trưởng vừa là nốt thăng giáng khi trầm lúc bổng xiêu vẹo. Trong cái túi lưới màu xanh lá treo dưới đòn cào, từ sáng sớm đến xế trưa cũng chưa đầy một rổ.

Nạn nghêu tặc năm nào như vẫn còn hằn đậm trên cái bãi nâu nâu xỉn xỉn, mà trên bề mặt vẫn khắc đậm những vệt hoa văn hình gợn sóng đặc trưng của bãi nghêu Cần Thạnh ở cuối mảnh đất Cần Giờ này.

Xa tít, đi mãi non cây số về phía biển, nước đã bắt đầu lắp xắp mắt cá. Những chàng trai trẻ đang khua khoắng, quắp lấy cây vợt nghêu dài lượt thượt, gợn nên những vòng tròn sóng lan toả đều đặn; xoắn xuýt như ôm người tình lả lơi điệu valse trên mặt pisté mênh mông nuớc.

Cứ thế lúc xoay vòng, khi dìu dặt, quay qua đảo lại cho đến lúc đầu dưới của đòn sào với bao lưới hình ống dài gần sải tay đã đầy ụ cát, bùn, và hi vọng lẫn trong đám lệt sệt đó dăm mảnh ngêu giống xích xê cỡ bằng hạt cát.

Những tụm cát sau công đoạn sàng sẩy, đong đưa ngoài bãi bồi đuợc ụ lại đựng trong xô, chậu, hoặc các bao bị, giỏ lác nếu phải xách từ các bãi xa về. Sắp ngay hàng thẳng lối đợi chú Tám Phong, chuyên gia đếm nghêu tới định lượng.

Những gương mặt đen sạm, hoặc vừa sạm vừa khắc hoa văn như hình kỷ hà nơi khóe mắt đều long lanh, nhẫn nại chờ đến lượt. Việc kiểm đếm cũng đơn giản nhưng đòi hỏi phải tinh mắt và kinh nghiệm. Trên chiếc đĩa sứ trắng dẹt, một nhúm cát lấp xấp nước, sau khi gạn lọc xong, nếu lẫn trong đó vài mảnh nghêu trắng nõn nhỉnh hơn hạt cát là đạt. Nhưng nghêu ở các bãi bồi ngày càng cạn, suốt cả buổi dường như chả mấy ụ có nghêu.

Trời đang nắng trong xanh bất chợt cơn lên, mây ùn ùn đen đặc. Trời đất "xít” lại, du khách đang dạo biển túa về lúp xúp dưới những mái lá. Mù mịt ngoài kia những thân phận bán mặt cho đất bán lưng cho trời vẫn lầm lũi cho cuộc mưu sinh trần trũi.

Biển thì mênh mông, bãi bùn sau một đêm sẽ xóa đi những dấu chân vệt cào. Nắng táp, mưa sa, gió hú là dàn hợp xướng phụ họa cho cung đời của những thân phận lất lây trên bãi bồi; Và chính họ là những nghệ sĩ đời thường vậy.

Bản trường ca bất tận.
Bắt đầu là những dòng nhạc.
Khóa sol, cung La thứ
Nốt tròn
Nốt thăng
Nốt giáng
Dấu lặng
Hợp âm
Điệu Valse trên sóng
Khúc dạo đầu
Dặt dìu hi vọng
Trở lại điệp khúc
Cung bậc đời thường

Hữu Long – Nguyễn Đức