CSGT nhận tiền: "Tham nhũng" hay chỉ là "tiêu cực"?
Ngay khi Nghị định 71 chính thức có hiệu lực với nội dung được chú ý nhất: Xử phạt người đi xe không chính chủ, dư luận đã lập tức có câu hỏi “phản biện” về tình trạng tiêu cực trong lực lượng CSGT.
Tiêu cực trong lực lượng CSGT luôn luôn được khẳng định là có thật và rất nghiêm trọng. Điều này được chính Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên xác nhận: “Theo tôi, vấn đề tiêu cực trong lực lượng CSGT không phải bây giờ mới đặt ra. Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Trần Đại Quang đã trả lời ý kiến của cử tri về vấn đề này tại diễn đàn Quốc hội. Nói đến CSGT, theo tôi, tiêu cực vẫn còn."
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - đường sắt lại không đồng tình với ý kiến cho rằng cảnh sát giao thông nhận tiền là tham nhũng:
“Tham nhũng phải là những người có chức, có quyền nhưng lợi dụng chức quyền đó bớt xén, móc nối lấy tiền của nhà nước. Tôi cho rằng dùng từ tham nhũng phải ở đối tượng đó và hành vi đó. Từ xưa đến nay chúng ta vẫn nói rằng CSGT tiêu cực thì nên ở mức độ đó nó dễ chấp nhận hơn."
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên
Có một thực tế, chính người dân, người vi phạm là người chủ động biếu xén, hối lộ CSGT. Điều này xuất phát từ ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao và việc tranh thủ “đút lót” được là làm ngay dẫn đến tiêu cực có đất để tồn tại. Tâm lý hối lộ, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của nhiều người.
Thêm một việc nữa khiến suy nghĩ tiêu cực của người dân dễ nảy sinh là thủ tục nộp phạt vi phạm giao thông cực kỳ nhiêu khê, vòng vèo, mất thời gian. Ví dụ:Một chiếc xe khách từ Hà Nội lên Sơn La, Lai Châu nếu vi phạm thì bị xử phạt, vẫn cho trả khách về Hà Nội nhưng giữ lại giấy tờ. Tài xế lại phải mất thêm 1 chuyến ngược lên các tỉnh đó để nộp phạt và lấy giấy tờ xe về.
Sự nhiêu khê, cứng nhắc này làm nảy sinh tâm lý e ngại trong nhân dân: Thà đút lót tiền cho CSGT còn hơn mất thời gian, công sức, tiền bạc đi nộp phạt. “Nộp” thẳng cho CSGT vừa thấp tiền hơn, vừa tiện lợi. Hơn nữa, tỷ lệ vi phạm luật giao thông quá cao, khiến cho cảnh sát giao thông có “đất” để kiếm thêm.
Vậy nên theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: “Hành vi CSGT nhận tiền đút lót chỉ dừng lại ở tiêu cực chứ đặt vấn đề tham nhũng hay là trong số các nhóm đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao theo tôi cần có nghiên cứu thấu đáo hơn. Bằng chứng là việc nhóm khảo sát cũng cho rằng đây chỉ là thông tin tham khảo, chưa phải là thông tin phản ánh thực tế”
Về đồn đoán lực lượng CSGT có khoán mức tiền phạt mỗi ngày, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên trả lời: Bộ Công an không có văn bản nào quy định khoán mức tiền phạt. Việc tăng mức tiền xử phạt là giải pháp cấp bách được quy định tại Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2012 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT, việc này không phải là để làm giảm tiêu cực.
Việc thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền phạt thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 sửa đổi, bổ sung năm 2008.
Về mức xử phạt cao trong nghị định 71 mang lại “quyền lợi” gì cho CSGT, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên cho biết: Tiền phạt thực hiện qua đảm bảo trật tự ATGT tại các địa phương chuyển hết cho địa phương. Lực lượng công an tỉnh thành phố được sử dụng 70% số tiền này. Số tiền này chủ yếu dành cho việc mua sắm trang thiết bị, xăng dầu phục vụ trở lại công tác đảm bảo ATGT.
Việc bồi dưỡng cho các cán bộ làm nhiệm vụ ngoài đường cao nhất cũng là 1,5 triệu đồng/tháng nên không thể nói phạt cao là có lợi cho CSGT.
Hoàng Thắng
-
Tổng duyệt diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
-
Người lao động là "chiến sĩ tiên phong" trong kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo
-
Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông phối hợp xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng