COVID "chặn đường", hàng loạt dự án điện gió khó hoàn thành trước 30/10

15:44 | 11/09/2021

124 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ các dự án điện gió, nhất là tại các tỉnh miền Nam, nơi tập trung các dự án lớn. Theo EVN, có nhiều dự án không kịp vận hành trước ngày 30/10.

Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, Tập đoàn đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với 144 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất là 8144,88MW; trong đó hiện đã có có 13 nhà máy điện gió với tổng công suất là 611,33 MW đã vào vận hành thương mại; 106 nhà máy điện gió dự kiến đi vào vận hành thương mại trước 31/10/2021; 25 nhà máy điện gió với tổng công suất là 1912,05 MW không thể vận hành thương mại trước 31/10/2021.

Trên thực tế, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ các dự án điện giói, trong đó, hai yếu tố quyết định.

Đó là các nhà sản xuất thiết bị điện gió trên thế giới bị gián đoạn sản xuất, dẫn đến nguồn cung thiết bị của các dự án không về kịp theo đúng tiến độ. Bên cạnh đó, việc vận chuyển thiết bị đến công trường đang gặp rất nhiều trở ngại do phải thực các quy định để phòng chống dịch Covid-19 tại các địa phương.

Thứ hai, các chuyên gia nước ngoài không thể đến Việt Nam đúng thời hạn. Trong nước, nguồn lao động đang thi công trên các công trường bị thiếu hụt rất trầm trọng, vì nhiều tỉnh thành đang thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16.

COVID
Ảnh minh họa.

UBND các tỉnh Trà Vinh, Gia Lai, Sóc Trăng cũng đồng loạt có văn bản đề xuất tới các cấp có thẩm quyền báo cáo về tình trạng các dự án điện gió trên địa bàn không kịp hoàn thành, vận hành thương mại trước tháng 11 tới để hưởng mức giá ưu đãi 9,8 UScent/kWh theo Quyết định 39.

Theo UBND tỉnh Trà Vinh, đến nay tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 8 dự án điện gió với tổng công suất 570 MW. Qua theo dõi tình hình thực tế, cùng với đánh giá của các nhà đầu tư, thì khả năng nhiều dự án trễ hẹn vận hành thương mại vào trước 31/10/2021. Do đó, tỉnh Trà Vinh kiến nghị gia hạn thời gian áp dụng cơ chế giá ưu đãi với các dự án điện gió trên địa bàn tới hết tháng 4/2022.

Tại tỉnh Sóc Trăng, hiện có 20 dự án điện gió với tổng công suất 1.435 MW được duyệt vào quy hoạch phát triển điện gió của địa phương, cũng như Quy hoạch điện VII. Hiện tại, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đối với 16 dự án có tổng công suất khoảng 1.095 MW, trong đó 11 dự án đang thi công.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn tới tình trạng chậm tiến độ thi công, khó đảm bảo vận hành kịp thời hạn hưởng giá ưu đãi. Vì vậy, UBND tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng gia hạn thời gian thực hiện cơ chế giá ưu đãi đến hết 31/3/2022.

Đối tượng được hưởng gia hạn là các dự án điện gió đang triển khai thi công (đã có hợp đồng mua bán điện ký kết, hợp đồng mua sắm thiết bị, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật…).

UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị mốc lùi thời hạn đến hết 31/12/2021. Tính tới thời điểm hiện tại, địa phương này đã phê duyệt chủ trương đầu tư và đưa vào quy hoạch 17 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 1.242 MW.

Lý do chậm tiến độ đến từ nhiều nguyên nhân như giải phóng mặt bằng, thiên tai, đặc biệt là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Các chuyên gia năng lượng đánh giá, "thời điểm nước rút" các doanh nghiệp đang xoay xở mọi cách hoàn thành dự án để được hưởng giá ưu đãi theo Quyết định 39. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, thậm chí là bất khả thi.

Tại Quyết định số 39/TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, đối với các dự án điện gió trong đất liền, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.928 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT, tương đương 8,5 Uscents/kWh).

Đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT, tương đương 9,8 UScent/kWh).

Giá mua điện được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Dự án điện gió nỗ lực chạy nước rút để về đíchDự án điện gió nỗ lực chạy nước rút để về đích
Tin tức kinh tế ngày 10/9: Ký biên bản ghi nhớ dự án đầu tư điện gió 30 tỷ USDTin tức kinh tế ngày 10/9: Ký biên bản ghi nhớ dự án đầu tư điện gió 30 tỷ USD
T&T Group và Ørsted hợp tác đầu tư 30 tỷ USD phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt NamT&T Group và Ørsted hợp tác đầu tư 30 tỷ USD phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam
GWEC: Cần “cứu trợ” cho các dự án điện gió tại Việt NamGWEC: Cần “cứu trợ” cho các dự án điện gió tại Việt Nam
Tin tức kinh tế ngày 9/9: Việt Nam chủ trương giảm dần điện than, phát triển điện gió và khí hóa lỏngTin tức kinh tế ngày 9/9: Việt Nam chủ trương giảm dần điện than, phát triển điện gió và khí hóa lỏng
EVN: Đã có 24 nhà máy điện gió vào vận hành thương mạiEVN: Đã có 24 nhà máy điện gió vào vận hành thương mại

X.Hinh (tổng hợp)