Cosa Nostra - thế giới ngầm tội phạm gốc Italia (Phần 1)

08:00 | 27/01/2019

5,530 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mafia không phải tên gọi của một tổ chức nhất định và cũng không có một tổ chức đứng đầu điều phối hoạt động của mafia. Thay vào đó, mafia là một thuật ngữ ám chỉ mọi nhóm xã hội đen có nguồn gốc từ Italia hoặc Sicily.

Mafia (theo tiếng Italia) là chữ viết tắt của một tổ chức yêu nước mang tên Morta Alla Francia Italia Anela (nghĩa là tổ chức tự vệ của người nghèo Italia chống áp bức, bất công, đánh đuổi người Pháp ra khỏi Italia). Mafia có nguồn gốc từ Sicily, một hòn đảo xinh đẹp ở Địa Trung Hải, đồng thời là nhà của hơn 100 "gia đình" Mafia hiếu chiến. Mặc dù đông đảo về số lượng và dày đặc về phạm vi hoạt động nhưng các nhóm hoạt động rất quy củ và gần như không bao giờ xảy ra tình trạng tranh chấp giữa các “gia đình”.

Mafia không phải tên gọi của một tổ chức nhất định và cũng không có một tổ chức đứng đầu điều phối hoạt động của Mafia. Thay vào đó, mafia là một thuật ngữ ám chỉ mọi nhóm xã hội đen có nguồn gốc từ Italia hoặc Sicily. Nhưng dần dần, Mafia ngày càng thay đổi về bản chất và đến thế kỉ 20, danh từ Mafia dùng để chỉ tổ chức hoạt động bí mật, chuyên sử dụng biện pháp bạo lực, khủng bố, ám sát, tống tiền, buôn lậu ma tuý, cờ bạc...

Tổ chức Mafia, Italia có câu kết với các tổ chức tội phạm khác ở nhiều nước. Mafia cũng thường được gọi trong tiếng Italia là Cosa Nostra (có nghĩa là "của chúng ta"), các thành viên của Mafia giới thiệu với nhau hoặc tự xưng là “Cosa Nostra”. Trước sự bành trướng của Mafia đe dọa sự ổn định của Italia, vào những thập niên 20 của thế kỷ trước, thủ tướng Mussolini đã tấn công vào các băng đảng Mafia ở Sicily, bắt hơn 11 nghìn tên tội phạm và hơn 1200 tên tội phạm bị xét xử, chấp hành án phạt tù. Mặc dầu Cosa Nostra không hoàn toàn bị tiêu diệt, nhưng do bị săn đuổi, nhiều tên Mafia đã trốn sang Mỹ, trong đó có cả Carlo Gambino và Joseph Bonanno, những người sau này trở thành những “bố già” quyền lực ở thành phố New York.

cosa nostra the gioi ngam toi pham goc italia phan 1

Một trong những tên trùm Mafia Carlo Gambino

Giai đoạn cuối của chiến tranh thế giới thứ hai, sau khi liên quân xâm chiếm Sicily vào 1943, khiến băng nhóm Cosa Nostra có cơ hội trỗi dậy, dần dần lũng đoạn cả Sicily, hầu hết các vị trí của chính quyền đều nằm trong tay của Mafia. Sau khi chế độ độc tài Mussolini sụp đổ, Mỹ và quân đồng minh chiếm đóng Italy.

Quân đội Mỹ sử dụng Cosa Nostra để liên lạc trong giai đoạn nội chiến Italy (1943-1945). Thậm chí, đám ô hợp xã hội đen còn được Mỹ giao vũ khí kèm theo trọng trách bảo vệ các bến cảng và cơ sở của Mỹ khỏi bị quân phát xít phá hoại. Đây là bước ngoặt lớn đối với tương lai của tổ chức xã hội đen Cosa Nostra trên đất Italy.

Khi "đủ lông đủ cánh", Cosa Nostra thoát khỏi sự kìm kẹp của Mỹ và lao vào các hoạt động tội phạm. Từ việc thu tiền bảo kê, buôn bán hàng cấm, kinh doanh mại dâm, buôn ma túy tới kinh doanh ô tô, bất động sản… đều được các tổ chức Cosa Nostra thực hiện nhằm thu lợi nhuận. Thậm chí, những tổ chức mafia Italy còn ấp ủ giấc mộng buôn bán ma túy trên phạm vi toàn cầu bởi những khoản lợi nhuận khổng lồ mà nó mang lại.

cosa nostra the gioi ngam toi pham goc italia phan 1

"Bố già" Mafia Joseph Bonanno

Sau chiến tranh, chính phủ đã đầu tư rất nhiều vào xây dựng cơ sở vật chất của Sicily hầu như đã bị tiêu hủy trong thời chiến. Từ 1959-1963 có đến 80% tòa nhà đã được chỉ định cho 5 chủ thầu không phải là những công ty xây dựng lớn mà các chủ thầu này đều xuất thân từ Mafia. Đây là giai đoạn làm cho cuộc sống xã hội Sicily bị đảo lộn.

Vào giữa những năm 1970, Cosa Nostra đã tiếp quản “công nghệ” buôn bán heroin từ những băng nhóm có trụ sở tại Marseilles, Pháp. Thuốc phiện được vận chuyển trực tiếp từ châu Á tới Sicily, nơi nó sẽ được tinh chế sang heroin và vận chuyển vào thị trường Mỹ. Ở Mỹ, heroin được phân phối trên khắp lãnh thổ qua một hệ thống các cửa hàng Pizza.

Từ năm 1975-1984, hệ thống cửa hàng Pizza này cung ứng khoảng 1/3 số cocain cho toàn thị trường Mỹ và 80% lượng heroin tiêu thụ ở phía đông bắc đất nước. Với việc tham gia vào thị trường buôn bán heroin xuyên quốc gia, những mánh khóe làm ăn vốn chỉ mang tính địa phương đã được chuyển thành một công ty quốc tế với lợi nhuận khổng lồ và trở thành mối đe dọa tới sự ổn định của một quốc gia.

Cosa Nostra gây ra ít nhất 4 nguy cơ đe dọa đến sự ổn định ở Italia

Số vụ giết người tăng đột biến; Tác động vào kết quả bỏ phiếu của một số chính trị gia ủng hộ chúng; Ám sát các quan chức chính phủ gây cản trở hoạt động phạm tội của chúng; Tham gia vào những vụ tấn công gần giống như khủng bố bên ngoài Sicily. Liên quan đến giết người, việc kiểm soát các tuyến ma túy là động cơ chính của một cuộc chiến giữa các băng nhóm Mafia, cuộc chiến đã được châm ngòi từ những năm 1981-1983.

Tuy các băng nhóm khác đều rất muốn giành ảnh hưởng, nhưng chỉ một số băng, đặc biệt là 02 băng Bontade và Inzerillo là có đủ tầm để tiếp tục thực hiện những vụ buôn bán ma túy trong địa bàn của chúng. Cuộc chiến tại những điểm nóng này đã khiến khoảng 1.000 người thiệt mạng, khiến cho tỷ lệ số vụ giết người ở Palermo tăng gấp 3 lần so với cả nước vào năm 1982.

(Còn tiếp)

Những băng tội phạm châu Á làm khuynh đảo thế giới ngầm (Phần 3)
Tội ác của băng nhóm có tổ chức gốc châu Mỹ (Phần 1)
Những băng tội phạm châu Á làm khuynh đảo thế giới ngầm (Phần 2)
Những băng tội phạm châu Á làm khuynh đảo thế giới ngầm (Phần 1)

Hòa Thu

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc