Công bằng trong tuyển dụng

08:25 | 28/08/2012

2,567 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - (Petrotimes) - Suốt tuần qua, câu chuyện về các tỉnh thành hay ngành giáo dục các địa phương từ chối tuyển dụng công chức, giáo viên là sinh viên tốt nghiệp đại học hệ tại chức làm xôn xao dư luận.

Năm trước, câu chuyện tương tự cũng đã làm tốn nhiều giấy mực của báo chí khi tỉnh Nam Định từ chối tuyển công chức đối với người tốt nghiệp đại học ngoài công lập và Đà Nẵng thì không muốn công chức tỉnh mình tốt nghiệp đại học hệ tại chức. Có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quyết định đó, bên đồng tình thì cho rằng, việc thắt chặt đầu vào như thế nhằm nâng cao chất lượng của công chức, giáo viên trong cơ quan hay trường mình.

Ý kiến phản đối lại cho rằng, đó là quyết định thể hiện sự phân biệt đối xử, cái nhìn định kiến với các loại hình đào tạo được Nhà nước công nhận. Rất có thể đây là “cuộc chiến” không có điểm dừng bởi ai cũng có lý riêng và lý đó không có gì sai! Vậy thì chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào để câu chuyện tuyển dụng mỗi năm không phải ồn ào đến như thế?

Xu hướng tuyển dụng này không có gì bất ngờ bởi họ mong muốn nhận được người thực tài vào các cơ quan trực thuộc. Bản chất khách quan của việc tuyển dụng là tìm được những con người phù hợp với công việc, với mong muốn, nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động. Vì thế nói một cách công bằng thì các cơ quan chính quyền hay ngành giáo dục các địa phương cũng là những đơn vị sử dụng lao động, họ cần những ứng viên đáp ứng được yêu cầu của mình, chẳng để làm gì ngoài việc nâng cao chất lượng, hiệu suất công việc. Họ cũng giống như các doanh nghiệp khác, họ cũng cần được đối xử công bằng trong việc tuyển dụng.

Không ai khác mà chỉ có những đơn vị lao động mới biết rõ nhất, hoặc cảm nhận rõ nhất là mình cần ai, cần những ứng viên như thế nào để ra yêu cầu tuyển dụng. Vì suy nghĩ đó mà tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ lựa chọn những trường có truyền thống sư phạm mà chọn cả những trường ngoài sư phạm nhưng thuộc tốp đầu ở bậc đại học. Và việc lựa chọn này được lãnh đạo ngành giáo dục tỉnh giải thích rằng: “Đã nghiên cứu chương trình và chất lượng sinh viên ra trường nên lựa chọn tuyển người của các trường trên, tùy theo đặc thù của vị trí công việc”.

Trên thực tế, khi tuyển dụng nhân sự các doanh nghiệp thậm chí yêu cầu ứng viên của mình phải tốt nghiệp ở những môi trường cụ thể, ngành học cụ thể. Lý do cho những lựa chọn ấy rất đa dạng hoặc mang những yếu tố đặc thù. Hoặc có khi đơn giản chỉ là họ có niềm tin vào những môi trường đào tạo đó. Tỉnh Vĩnh Phúc từ năm 2011 cũng làm xôn xao khi Sở GD&ĐT đặt ra điều kiện tuyển giáo viên bậc THPT chỉ gồm những người tốt nghiệp chính quy một số trường như: ĐH Sư phạm Hà Nội 1, ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Thái Nguyên, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, ĐH Hà Nội (khoa tiếng Anh), ĐH Thể dục Thể thao (chuyên ngành giáo dục thể chất).

Khi mọi người phản ứng với việc có sự phân biệt các loại hình đào tạo trong quá trình tuyển dụng thì cần phải nhìn lại một thực tế rằng, vì sao lương công chức luôn thấp hơn các doanh nghiệp tư nhân. Cần phải thấy vì sao bộ máy công chức phải phình to ra nhưng hiệu suất hoạt động thì không cải thiện. Có rất nhiều nguyên nhân: chuyện con ông cháu cha, chuyện gửi gắm, nhờ vả, chuyện sức ì trong môi trường cạnh tranh thấp, chuyện đồng lương chủ yếu được căn cứ vào hệ số, thâm niên, cấp bậc, chức vụ… tất cả những chuyện đó đều quá phức tạp và không dễ giải quyết trong một sớm một chiều đối với cơ quan tuyển dụng trong bộ máy Nhà nước. Và thắt chặt đầu vào như một số cơ quan Nhà nước cấp tỉnh thành như vừa qua thông qua việc tuyển công chức là một cách làm cực đoan nhưng cần thiết và chẳng đặng đừng!

Cũng có một số ý kiến cho rằng, trước những quyết định không tuyển công chức hệ tại chức hay dân lập thì đâu cần ra văn bản mà cứ lẳng lặng mà làm và âm thầm loại bỏ những đối tượng không phù hợp. Giống như cách làm mà TP HCM đã thực hiện lâu nay. TP HCM không quy định bằng văn bản nhưng Sở GD&ĐT TP HCM cho biết: Khi tuyển giáo viên cho năm học 2012-2013, các ứng viên tốt nghiệp hệ tại chức sẽ bị chấm thang điểm thấp.

Ông Văn Công Sang - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Sở GD&ĐT thành phố cho biết, với tình hình số lượng giáo viên bậc trung học dự thi tuyển cao gấp nhiều lần so với chỉ tiêu tuyển dụng như năm nay thì thành phố sẽ ưu tiên tuyển dụng đối tượng tốt nghiệp hệ chính quy ngành sư phạm trước. Ông cũng nói rằng: “Tôi không luận bàn về chất lượng đào tạo của hệ tại chức, nhưng tôi nghĩ giáo viên theo học ngành sư phạm hệ chính quy sẽ tốt hơn. Ít nhất là họ sẽ yêu nghề giáo hơn và được đào tạo chính quy thì bài bản hơn, dễ tạo niềm tin hơn”.

Thiết nghĩ, đó hẳn là cách làm khôn ngoan để nhằm đạt được mục đích. Thế nhưng đó chỉ là cách giải quyết nhất thời, bởi ta không thể dùng một phương án tế nhị để thoát khỏi những ràng buộc tế nhị một cách bền vững được.

Phía nhà tuyển dụng và người ứng viên đều đòi hỏi sự công bằng trong tuyển dụng nhân sự. Nhưng công bằng, trong bất kỳ khái niệm nào cũng mang tính tương đối mà thôi. Công bằng trong việc đối xử với các loại hình đào tạo khác nhau là không thể khi mà chất lượng đào tạo hoàn toàn không tương đồng. Thị trường lao động trong một nền kinh tế thị trường thì phải tuân thủ sự điều phối của nhu cầu. Nếu như nhu cầu của các cơ quan tuyển dụng khác với sản phẩm đào tạo của các loại hình như dân lập và tại chức thì đó cũng không phải lỗi của nhà tuyển dụng. Vì thế, chẳng ai có lỗi hay bất công bằng trong câu chuyện tuyển dụng ồn ào, phức tạp vừa qua!

Tuy nhiên cũng phải nói thêm rằng, việc các tỉnh thành nói “không” với cử nhân tại chức trong tuyển công chức hay giáo viên ít nhiều cũng là việc làm thể hiện sự “sính bằng cấp” và xem nhẹ vấn đề thực lực của ứng viên. Bởi sinh viên ở tất cả các loại hình đào tạo đều có giỏi, dở. Vậy, cuối cùng câu chuyện tuyển dụng nêu trên chỉ có một vấn đề mà các nhà tuyển dụng có thể thực hiện để đảm bảo tốt nhất công tác tuyển dụng đúng theo yêu cầu của mình mà chẳng buồn lòng ai. Đó là cơ quan tuyển dụng cần thành lập hội đồng tuyển công chức, thi sát hạch trực tiếp cho từng lĩnh vực, để cho người tham gia tuyển dụng bộc lộ được hết khả năng của mình phù hợp với vị trí công việc ứng tuyển.

Có như vậy thì câu chuyện tuyển dụng hàng năm sẽ không còn chuyện ồn ào, dậy sóng trong mỗi mùa tuyển dụng!

Trúc Vân

(Năng lượng Mới số 150, ra thứ Ba ngày 28/8/2012)