Trí tuệ nhân tạo
Một buổi sáng đầu tuần, tôi ghé quán cà phê quen thuộc, nơi góc phố nhỏ vẫn rộn ràng tiếng người và mùi cà phê rang xay.
Anh chủ quán, người từng là kỹ sư phần mềm, giờ làm kinh doanh, kể tôi nghe về việc dùng chatbot để nhận đơn hàng, lên đơn, phản hồi khách. “Không cần thuê thêm nhân viên mà vẫn phục vụ tốt hơn”, anh nói, rồi cười: “Cũng nhờ AI cả đấy”.
Câu chuyện ấy khiến tôi nghĩ - một thế giới việc làm đang đổi thay rất nhanh, và những ngành nghề đang âm thầm chịu ảnh hưởng từ một cuộc cách mạng không khói lửa.
![]() |
(Ảnh minh họa: Internet) |
Theo báo cáo năm 2024 của McKinsey & Company, 70% doanh nghiệp toàn cầu đã tích hợp AI vào ít nhất một chức năng kinh doanh, và 40% cho biết đang sử dụng AI để thay thế một phần công việc con người. Còn theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong giai đoạn 2023-2027, AI và tự động hóa có thể khiến khoảng 83 triệu việc làm biến mất, nhưng tạo ra khoảng 69 triệu việc làm mới - nghĩa là không mất hoàn toàn, mà thay đổi bản chất (WEF Future of Jobs Report 2023).
Văn phòng hành chính, nhập liệu, kế toán sơ cấp - nơi công việc mang tính lặp lại; Ngân hàng, bảo hiểm, logistics - nơi dữ liệu là nguồn lực chính; Marketing, sáng tạo nội dung và kể cả… báo chí - nơi AI tạo sinh đang cho thấy tốc độ đáng nể.
Nhưng đồng thời, AI cũng mở ra nhu cầu mới: Phân tích dữ liệu, huấn luyện mô hình, kiểm toán AI, quản trị đạo đức công nghệ; Cố vấn chiến lược, chăm sóc khách hàng cấp cao, sáng tạo mang dấu ấn cá nhân.
Điều ấy đặt ra một bài toán: Việc làm không mất đi, nhưng sẽ không còn như cũ.
Khảo sát của Anphabe 2024 cho thấy chỉ 32% doanh nghiệp Việt đã ứng dụng AI, chủ yếu trong các bộ phận tiếp thị, chăm sóc khách hàng và công nghệ thông tin. Trong khi đó, số doanh nghiệp có chiến lược AI dài hạn, đào tạo nhân sự chuyển đổi nghề, hoặc xây dựng bộ tiêu chuẩn đạo đức AI vẫn còn rất ít.
Phần lớn vẫn đang ở giai đoạn "thử nghiệm", "thích thì dùng", thay vì xem AI là một động lực chiến lược để tái thiết mô hình vận hành.
Sự thiếu chuẩn bị này có thể khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là vừa và nhỏ, rơi vào thế bị động: chậm thích ứng, lúng túng trong đào tạo lại nhân lực, thậm chí mất khả năng cạnh tranh khi thị trường dịch chuyển nhanh.
Anh kỹ sư chuyển sang bán cà phê kia nói với tôi rằng, nhờ chatbot, anh không cần thuê thêm người trực fanpage mỗi tối. Nhưng đồng thời, anh cũng đang học cách viết nội dung thu hút hơn, làm video ngắn, hiểu dữ liệu khách hàng - những việc mà AI chưa thể làm thay hoàn toàn.
Đó là sự chuyển dịch thực tiễn nhất: Từ làm bằng tay, làm bằng máy, và giờ “làm với máy”. Chỉ có điều, không phải ai cũng đủ nhanh để bước đi.
AI - dù muốn hay không - vẫn sẽ đến.
Nó đến lặng lẽ như buổi sáng cà phê, nhưng đủ mạnh để thay đổi thị trường lao động, định nghĩa lại giá trị nghề nghiệp, thử thách năng lực học hỏi của mỗi người.
Thuận Thiên