Con nhà lính, tính nhà quan?

13:41 | 31/03/2016

948 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dự án cải tạo vỉa hè khu vực trung tâm TP HCM là một ý tưởng rất đáng hoan nghênh… Tuy nhiên, chi 1.000 tỉ đồng lát đá hoa cương lại là một vấn đề cần cân nhắc.

Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận cho biết, đây là dự án thuộc kế hoạch chỉnh trang đô thị, đồng bộ hóa hạ tầng tất cả 134 tuyến đường thuộc địa bàn quận. Hiện UBND quận 1 đang hoàn thành báo cáo và chuẩn bị trình lên UBND TP HCM xem xét. Nếu được UBND TP.HCM phê duyệt, dự án này sẽ bắt đầu từ 2016 và hoàn thành vào 2019. Đá granite dự kiến được sử dụng, giống như loại đá đã được lát ở phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Tuy nhiên, kể từ khi công bố thông tin, trong dư luận đã dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Mục tiêu của dự án hẳn là tạo điểm nhấn cho bộ mặt thành phố bằng hình ảnh sang trọng. Nhưng điểm nhấn bộ mặt đô thị không chỉ là sự sang trọng mà còn cần phù hợp với những giá trị khác như tiện ích, sự thân thiện môi trường, sự hài hòa với bối cảnh chung quanh.

Hạ tầng không đồng bộ

Hiện nay, địa bàn quận 1 vẫn còn nhiều điểm nóng kẹt xe. Giả sử có được thêm cây cầu vượt hay hầm chui, người dân sẽ thụ hưởng được lợi ích ngay lập tức. Trung bình mỗi cây cầu lắp ghép khoảng 100 tỉ đồng thì vỉa hè ngàn tỉ tương đương với 10 cây cầu vượt. Vỉa hè sang trọng nhưng đường tắc vẫn cứ tắc, mà các loại phương tiện lại vẫn phải chạy lên vỉa hè để “tẩu thoát” thì đá hoa cương cũng chẳng mấy chốc mà hư hại.

con nha linh tinh nha quan
Người đi đường lấn lên vỉa hè

Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường quận 1 vẫn rác rưởi ngập vỉa hè, chỗ nào cũng có thể trở thành điểm tập kết rác tự phát và kể cả có chủ đích, không ít trường hợp phóng uế bừa bãi… Đến vỉa hè thường thấm nước còn nồng nặc mùi, giờ nếu là đá hoa cương thì những chất nước thải đó không biết đường thoát đi đâu?

Một bất cập nữa, trên địa bàn Quận 1 vẫn xuất hiện nhiều điểm ngập như quanh khu vực chợ Bến Thành, khu vực Công viên 23-9, đường Lê Lai, Trần Hưng Đạo… nếu lát đá granite, vừa làm tăng tốc độ dòng chảy gây nguy hiểm cho người dân, vừa làm hư hại vỉa hè vừa được đầu tư. Cũng cần nói thêm về mảng xanh tại vùng lõi trung tâm thành phố cần đặc biệt coi trọng. Nếu lát đá sẽ khó có thể tăng mảng xanh hai bên tuyến đường. Ngay cả tuyến đi bộ Nguyễn Huệ dù được lát đá granite nhưng thiếu mảng xanh nên vào mùa nắng rất nóng bức, chưa kể mưa xuống nhiều đoạn bị đọng nước, mặt đá trơn trượt rất nguy hiểm.

Vỉa hè lát đá hoa cương mà không giải tỏa rốt ráo, hàng quán vẫn ngang nhiên lấn chiếm không còn chỗ cho người đi bộ, đồ ăn thức uống thải ra ngay vỉa hè; hoặc nhiều nơi dành vỉa hè làm chỗ giữ xe… Như vậy người dân thành phố có được thụ hưởng sự sang trọng đó hay không? Trong khi còn rất nhiều con hẻm nhỏ bề ngang chừng 1m, sâu hun hút, nằm trên các đường Phạm Ngũ Lão, Cô Giang, khu Mả Lạng... tại Q1, bên trong nhà dân chen chúc đông đúc, chật hẹp, đi lại khó khăn, nguy cơ cháy nổ rất cao. Những nơi này lại đang rất cần kinh phí cải tạo, mở rộng, nâng cấp để bảo đảm an sinh xã hội cho dân.

Đó là chưa kể TP.HCM vẫn đang trong giai đoạn phát triển, hạ tầng chưa ổn định. Những tòa nhà đã và sẽ tiếp tục được xây dựng ngay khu vực trung tâm. Lát đá hoa cương lúc này, ít lâu sau lại phải lật lên để làm hệ thống cáp ngầm thì quả thật rất lãng phí.

Chỉnh trang đô thị đương nhiên phải làm, nhưng ngoài đá hoa cương vẫn còn rất nhiều vật liệu khác phù hợp với túi tiền, tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ, độ bền cao. Vỉa hè sang trọng để tô điểm thành phố thêm văn minh, lịch sự, để thu hút khách du lịch thập phương… là một ý kiến tích cực. Nhưng khi ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng của con người còn thấp, điều kiện hạ tầng không đồng bộ, lại càng gây phản cảm nhiều hơn.

Dự án “cộp mác” doanh nghiệp?

Nhìn chung, dự án ngàn tỉ đồng lát đá granite cho những vỉa hè Sài Gòn đã vấp phải những phản ứng khá gay gắt từ người dân. Vì vậy, ngày 29/3, UBND Quận 1 đã phải tổ chức họp báo để cải chính, rằng thông tin trước đó không chính xác.

Trước những băn khoăn về số kinh phí dự kiến thực hiện khoảng 1.000 tỉ đồng, ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND Q.1 (TP.HCM) cho biết: Không phải tổng kinh phí đầu tư lát đá hơn 130 tuyến vỉa hè này là 1.000 tỉ đồng, mà đây là số tiền được các doanh nghiệp trên địa bàn Q.1 sẵn sàng bỏ ra đểgóp phần xây dựng hệ thống vỉa hè ở trung tâm thành phố khang trang hơn. Số tiền này quận sẽ trả chậm trong vòng 3-5 năm, không tính lãi suất.Còn kinh phí cụ thể là bao nhiêu, quận sẽ tính toán kỹ trong lộ trình thực hiện từ nay đến năm 2019 sau khi UBND TP đồng ý chủ trương.

Đại diện UBND quận 1 cũng cho hay: Đến thời điểm nay, các doanh nghiệp hứa ứng vốn vẫn chưa ra điều kiện gì khác. Thực tế, các doanh nghiệp này được hưởng lợi ích rất lớn do có trụ sở hoạt động trên tuyến đường hoặc bản thân doanh nghiệp cũng đang quảng cáo trên tuyến đường đó. UBND quận sẽ trả dần tiền ứng vốn của các doanh nghiệp bằng số tiền thu ngân sách vượt dự toán hàng năm hoặc lấy từ nguồn cho doanh nghiệp quảng cáo.

Ông Thuận khẳng định: “Kế hoạch là vậy nhưng khi có sự đồng thuận thì mới triển khai, bởi mục đích cuối cùng là vì tương lai của TP, phục vụ lợi ích lâu dài của người dân, nhưng nếu chưa có sự đồng tình chỗ nào thì chúng tôi tiếp tục thuyết phục, chứ không làm theo kiểu chủ quan, duy ý chí”.

con nha linh tinh nha quan

Lát đá granite trên đường Nguyễn Huệ

Theo nội dung họp báo, tin tức lát vỉa hè ngàn tỉ là việc còn đang bàn tính, vẫn còn đợi ý kiến của UBND thành phố và các chuyên gia. Thế nhưng công bố của Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận cho dự án tiêu tốn ngàn tỉ này lại khá rõ ràng: Các vỉa hè sẽ được lát đá granite từ đây đến năm 2019 là đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thái Học, Phùng Khắc Khoan, Đồng Khởi và Công xã Paris. Thậm chí sử dụng loại đá hoa cương nào cũng đã được tính toán cụ thể. Nhưng thực tế, hiện nay trên các vỉa hè ở một số tuyến đường nêu trên được lát đá từ thời Pháp, chất lượng vẫn rất tốt và bền, nếu đào lên rồi lát đá khác thì rất bất hợp lý.

Cần sự minh bạch

TP HCM mới đây vẫn còn có những cơn mưa gây ngập lụt ngay khu vực trung tâm. Việc bê-tông hoá các con đường và vỉa hè gây khó khăn thoát nước, cũng như dễ gây tai nạn do trơn trợt là một vấn nạn được báo giới nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Vậy mà không rõ chuyên gia về công trình và phát triển đô thị nào đã tư vấn cho UBND quận 1 mà dự án lại được nhanh chóng soạn thảo để trình lên UBND TP bất chấp lợi hại như vậy. Và chỉ đến khi người dân phản ứng gay gắt, UBND quận 1 mới tổ chức họp báo để “đính chính” thông tin.

UBND quận 1 nói rằng nguồn vốn làm vỉa hè do doanh nghiệp trong địa bàn quận đầu tư, nhưng cuối cùng nhà nước cũng phải trả lại cho dù là trả chậm. Nhưng ngay trong việc "trả dần" trong vài năm, số tiền 1.000 tỉ lát đá đó cũng cần minh bạch về quy trình, cách trả... vì đó cũng là tiền thuế của người dân đóng góp. Số tiền "trả dần" ấy, bớt đi bao nhiêu từ quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ nhân đạo... của nhân dân quận 1?

Có thể thấy, người dân luôn là người được biết sau cùng khi mọi kế hoạch đã được chính quyền địa phương soạn thảo sẵn sàng, mặc dù những dự án đó trên danh nghĩa là phục vụ an sinh xã hội cho người dân. Cũng tương tự như câu chuyện TP HCM sẽ chặt 300 cây xanh có tuổi bằng thế kỷ, làm cho nhiều bạn trẻ xuống đường giăng biểu ngữ, ôm cây và đưa thỉnh nguyện thư, tình hình mới được làm dịu đi bằng một cuộc họp báo cho biết rằng "thật ra chỉ chặt, bứng đi có 16 cây" mà thôi.

Ngay cả những thông tin "nói lại cho rõ" của đại diện UBND Quận 1 cũng có điều gì đó mang tính “đối phó”, làm dấy lên sự xao động trong suy nghĩ của dân chúng, rằng vào thời điểm đầy khó khăn của nền kinh tế, của doanh nghiệp... Tại sao chính quyền lại lên kế hoạch thực hiện một dự án có phần xa xỉ và không hợp lý như vậy?

Nguồn lực có hạn thì phải tính đến bài toán phân bổ hiệu quả, nhất là trong thời kỳ kinh tế đang mỗi lúc một khó khăn. Nên chăng UBND quận 1 tập trung nguồn lực để làm giải tỏa ùn tắc giao thông, thêm điểm vệ sinh công cộng, nâng cấp cầu đường, hệ thống thoát nước, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cho người dân… Như vậy có lẽ sẽ tốt hơn là những dự án nghìn tỉ “vì dân”, nhưng dân lại được biết quá mơ hồ?

Nguyên Phương