“Cơn lốc Edward Snowden” đã tới Việt Nam

14:46 | 05/11/2013

1,034 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Danh sách các nước bị nghe lén tiếp tục dài thêm và sẽ không dừng lại vì có thể cả thế giới đã, đang và sẽ bị do thám. Bởi trong khi nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Pakistan, Indonesia, Malaysia… yêu cầu Washington giải thích về thông tin cho rằng, các đại sứ quán Mỹ và Australia trong khu vực này liên quan tới hoạt động do thám thì Bắc Kinh cũng đang bị nhiều nước cáo buộc nghe lén. Mọi thông tin kể trên đều xuất phát từ tiết lộ của cựu nhân viên CIAE dward Snowden và “vết dầu loang Edward Snowden” đã tới Việt Nam. Bởi theo tờ Sydney Morning Herald, Cơ quan Tình báo Chính phủ Australia (DSD) đã thực hiện việc do thám tại Đại sứ quán Australia ở Jakarta, Bangkok, Hà Nội, Bắc Kinh… Khi trả lời các phóng viên tại Melbourne (31/10), Thủ tướng Australia Tony Abbott cho biết, sẽ không tiết lộ thông tin gì về hoạt động tình báo của nước này.

Những bài học cảnh giác

Thông tin kể trên không khiến giới chuyên môn giật mình bởi việc do thám là công việc “thường ngày ở huyện” của các cơ quan tình báo trên thế giới và Việt Nam không phải là nạn nhân cuối cùng. Với mật danh STATEROOM, chương trình này thâm nhập vào nội dung truyền thanh, viễn thông, Internet và Cục Tín hiệu Quốc phòng Australia điều hành STATEROOM tại các cơ quan ngoại giao Australia. Đại sứ quán Australia ở Hà Nội đã tiến hành do thám như thế nào, từ bao giờ, nhằm vào ai, bộ, ngành nào, lĩnh vực gì và hậu quả ra sao là việc của cơ quan chuyên môn.

Điều đáng nói ở đây là cần nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của các cấp, các ngành, cũng như lãnh đạo và người dân đối với hoạt động nghe lén của đối phương. Bởi nghe lén có thể tiến hành ở bất kỳ đâu, với bất cứ ai, không giới hạn không gian, thời gian và địa điểm. Sở dĩ nói như vậy vì trong số 35 lãnh đạo trên thế giới trở thành mục tiêu nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), kể cả những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, nhưng trong danh sách này không có Tổng thống Putin cho dù Nga được xác định là quan trọng nhất. Theo giới truyền thông, Mỹ đã nhiều lần cố gắng nghe lén ông Putin nhưng không thể.

Cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden

Giới chuyên môn cho biết, Mỹ đã tận dụng tối đa khả năng công nghệ liên lạc di động để nghe lén. Khi vệ tinh bắt được tín hiệu, NSA có thể truy cập và sao chép thông tin từ bất cứ nơi nào trên trái đất. Do đó, để thực hiện liên lạc và đảm bảo kênh mã hóa bí mật, nơi nào Tổng thống Putin tới luôn có một máy bay bám theo để làm nhiệm vụ tiếp tín hiệu. Nga đang sử dụng hệ thống riêng của mình để tránh bị nghe lén. Từng có người cho rằng, cách làm này không thuận tiện và rất cồng kềnh. Nhưng thực tế hiện nay đã chứng tỏ cách làm của ông Putin là đúng bởi Tổng thống Nga xuất thân từ nhân viên KGB nên hiểu rất rõ ngón nghề tình báo - gián điệp. Được biết, hệ thống liên lạc của Nga không đưa tín hiệu lên quỹ đạo hoặc ít nhất là không đưa tới các vệ tinh của phương Tây bởi tín hiệu được truyền đi phía dưới quỹ đạo, qua các máy bay, tàu liên lạc, thậm chí vệ tinh, chưa kể hệ thống mật mã đặc biệt của Moskva. Do đó, ở đâu có máy bay liên lạc của Nga thì xung quanh đó có máy bay tác chiến điện tử của Mỹ.

Khi trả lời phỏng vấn tờ Pravda, Thiếu tướng về hưu Evghenhi Lobachov của Tổng cục An ninh Nga cho biết, scandal nghe lén không hề phá vỡ quan hệ đồng minh của Mỹ. Theo ông Evghenhi Lobachev, 90% máy chủ nằm trên đất Mỹ và điều này có nghĩa nguồn phát tín hiệu nằm tại nước này hoặc các quốc gia thân Mỹ. Để tổ chức nghe lén, phải có các hệ thống liên lạc riêng với những đặc tính kỹ thuật riêng. Với kỹ thuật hiện nay, các cơ quan tình báo Mỹ dễ dàng tiếp cận bất kỳ tài khoản ngân hàng, thư từ cá nhân, nghe trộm các cuộc hội thoại hoặc tài khoản trên các mạng xã hội.

Thủ tướng Đức Angela Merkel tuy đã cài đặt những chương trình bảo mật tuyệt đối, đắt tiền trên chiếc điện thoại di động cá nhân như thẻ bảo mật trị giá 2.618 euro, nhưng bà vẫn không thoát khỏi tai mắt của NSA. Sở dĩ như vậy vì tất cả các nhà lãnh đạo bị nghe lén đều sử dụng điện thoại thông thường hoặc các hệ thống liên lạc được sản xuất dưới sự cấp phép của các công ty Mỹ và một số đồng minh. Tuy sống trong thời đại công nghệ bùng nổ hiện nay, nhưng NSA lại phải bó tay trước Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh vì ông không sử dụng điện thoại di động hay tài khoản e-mail cá nhân.

Được biết, ngay sau khi Thủ tướng Bỉ Elio Di Rupo chỉ đạo cho tất cả các thành viên trong chính phủ tắt điện thoại di động khi nội các thảo luận những chủ đề nhạy cảm, nhiều quốc gia cũng có hành động tương tự. Tại Pháp và Hà Lan, tất cả các quan chức cao cấp có nhiệm vụ nhanh chóng chuyển sang sử dụng thiết bị di động với các hệ thống kết nối mật mã, trong khi ở Đức thảo luận khả năng lập ra phần mềm an ninh của riêng mình cho điện thoại di động của các quan chức cấp cao.

Có một thực tế đáng quan tâm - Siemens và một số hãng khác của phương Tây đã cung cấp các thiết bị thông tin liên lạc cho Liên bang Nam Tư cũ và khi đó giới sĩ quan và tướng lĩnh nước này đều cho rằng: Những hãng tốt nhất của phương Tây đã cung cấp phương tiện liên lạc có thương hiệu, nên coi thường phương tiện liên lạc do Nga sản xuất. Nhưng khi chiến tranh nổ ra, tất cả thiết bị thông tin kể trên đều bị vô hiệu hóa, liên lạc giữa các quân binh chủng bị tắc. Khi đó, để bảo vệ máy bay của mình, Mỹ đã vô hiệu hóa một số hình thức liên lạc, thậm chí xóa bỏ hoàn toàn liên lạc tại Ukraine. Tiếng chuông cảnh tỉnh thế giới đã vang lên từ sau các chiến dịch của NATO tại Nam Tư.

Không thể quá ngây thơ

Những thông tin kể trên khiến giới chuyên môn quan tâm tới tiết lộ của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng: Trong kiện hàng 30 ấm đun nước của Trung Quốc, Nga đã phát hiện 20 cái có chứa “chíp do thám” - có khả năng dùng những đường truyền Internet không dây (wifi) để gửi dữ liệu về các server Trung Quốc. Ngày 1/11, Đại sứ quán Trung Quốc tại Phần Lan bác bỏ thông tin: Bắc Kinh có thể đứng sau hoạt động gián điệp mạng nhằm vào Bộ Ngoại giao Phần Lan.

Cũng trong ngày 1/11, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, Trung Quốc đã và đang duy trì quan hệ với 54/172 quốc gia theo 5 mức, đó là Quan hệ đối tác hợp tác, Quan hệ hợp tác toàn diện, Quan hệ đối tác chiến lược, Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và Quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện. Trong chuyến công du tới Mỹ (ngày 7 và 8/6 tại California), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã xác định mối quan hệ chiến lược trong những năm tới giữa một “cường quốc lâu đời” với một “cường quốc đang nổi lên”. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc các quốc gia có quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh sẽ không bị nghe lén.

NSA bị cáo buộc đã tổ chức hoạt động do thám nhằm vào ngay cả các đồng minh thân cận nhất của Mỹ

Trong báo cáo dài 74 trang được công bố hôm 19/2, Công ty An ninh mạng Mandiant (có trụ sở tại bang Virginia, Mỹ) khẳng định: Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đứng đằng sau các vụ tấn công tin tặc có xuất xứ từ Trung Quốc. Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ từng đề cập tới mối đe dọa mạng đang ngày càng gia tăng, đặc biệt từ Trung Quốc. Các nhà làm luật Mỹ ước tính, riêng trong năm 2012, các doanh nghiệp Mỹ đã thiệt hại hơn 300 tỉ USD do các vụ đánh cắp bí mật thương mại, phần lớn được thực hiện bởi “gián điệp mạng” có xuất xứ từ Trung Quốc. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers cho biết, báo cáo của Công ty An ninh mạng Mandiant hoàn toàn phù hợp với các tin tình báo đã thu thập được.

Mặc dù Pháp, Đức và Tây Ban Nha đang phản ứng khá gay gắt trước việc Mỹ thực hiện do thám cá nhân và các nhà lãnh đạo cấp cao châu Âu, nhưng theo thông tin trên tờ Guardian khi dẫn lại các tài liệu do cựu nhân viên CIA Edward Snowden cung cấp hôm 2/11, không chỉ Mỹ, mà các nước đồng minh châu Âu (Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Thụy Điển) cũng đang triển khai một chương trình giám sát quy mô lớn - thông qua việc truyền dữ liệu bằng điện thoại và mạng Internet. Theo đó, các nước kể trên đã thực hiện việc giám sát tình báo thông qua khai thác trực tiếp các đường cáp quang cũng như các mối quan hệ bí mật với các công ty truyền thông. Theo tờ Le Soir của Bỉ, nước này là đối tác đặc biệt của NSA trong việc chia sẻ mạng thông tin.

Ngày 1/11, Đức và Brazil đã trình lên Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) bản dự thảo nghị quyết, trong đó kêu gọi chấm dứt các hoạt động do thám điện tử quá mức, cũng như việc thu thập dữ liệu vi phạm quyền cá nhân. Bản dự thảo này sẽ được đưa ra thảo luận tại một Ủy ban của LHQ trong tháng 11 và sẽ được các nước thành viên bỏ phiếu vào tháng 12/2013. Nếu được thông qua, nghị quyết này tuy không mang tính pháp lý bắt buộc, nhưng thể hiện sự không đồng tình của cộng đồng quốc tế đối với hoạt động do thám của Mỹ. Trong dự thảo nghị quyết này, Đức và Brazil kêu gọi chính phủ của 193 nước thành viên LHQ cần có những biện pháp hiệu quả nhằm chấm dứt hành động vi phạm các quyền nói trên đi đôi với thiết lập các cơ chế giám sát quốc gia độc lập.

Đức và Brazil cũng đề nghị Cao ủy Nhân quyền LHQ Navi Pillay công bố báo cáo liên quan đến công tác bảo vệ quyền riêng tư cá nhân trong bối cảnh diễn ra một loạt hoạt động giám sát, thu thập dữ liệu lớn. Ngày 3/11, tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung đưa tin, Mỹ - Đức sắp đạt được thỏa thuận song phương về không do thám lẫn nhau. Được biết, trong 10 năm qua, Mỹ đã thiết lập ở Đức ít nhất 90 công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực tình báo cho Mỹ.

Giới chuyên môn hoài nghi tuyên bố của phát ngôn viên LHQ Martin Nesirky khi cho biết, Mỹ đã đảm bảo với LHQ sẽ không do thám thông tin bí mật của tổ chức này. Bởi cách đây hơn 4 tháng (29 và 30/6), Hãng Reuters và tờ Der Spiegel của Đức từng tiết lộ, NSA đã bí mật cài máy nghe trộm điện thoại ở các trụ sở Liên minh châu Âu (EU) tại Washington DC (Mỹ), Brussels (Bỉ) và rệp nghe lén được cài trong các tòa nhà của EU và đại diện EU tại LHQ ở New York, Mỹ cũng bị giám sát tương tự.

Hai tờ La Stampa và Corriere della Sera của Italia từng đưa tin, các USB được phát miễn phí cho các đoàn đại biểu nước ngoài (cả lãnh đạo các nước) tham dự hội nghị G20 gần thành phố Saint Petersburg (Nga), có khả năng sao chép dữ liệu nhạy cảm từ máy tính xách tay. Giám đốc Cơ quan Tình báo Đức (BND), ông Gerhard Schindler đã bác bỏ các cáo buộc cho rằng, Đại sứ quán Đức tại thủ đô Washington DC (Mỹ) tiến hành các hoạt động do thám Mỹ. Nhưng theo cựu ngoại trưởng Hy Lạp Theodoros Pangalos: Cơ quan Tình báo Hy Lạp (EYP) đã nghe lén điện thoại của các đại sứ Mỹ ở Athens trong thời gian ông còn tại nhiệm (cuối thập niên 90 của thế kỷ trước). Theo Giám đốc NSA Keith Alexander và Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper, nhiều quốc gia đang bí mật do thám các quan chức Mỹ.

Edward Snowden tiếp tục gây sốc

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich đã hoan nghênh cuộc gặp giữa nghị sĩ Hans Christian Stroebele thuộc đảng Xanh của Đức với cựu nhân viên CIA Edward Snowden, đồng thời cho biết, Chính phủ Đức sẵn sàng thảo luận và sẽ sắp xếp một cuộc gặp giữa các điều tra viên Đức với Snowden nếu cựu nhân viên CIA sẵn sàng cung cấp chi tiết về cáo buộc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) do thám thông tin liên lạc của Thủ tướng Đức. Tuy nhiên, Đức cũng khẳng định, Edward Snowden không đủ tiêu chuẩn để được tị nạn tại nước này. Quốc hội Đức dự kiến thảo luận về các hoạt động do thám của NSA vào ngày 18/11.

Ngày 2/11, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Putin tuyên bố trước báo giới: Edward Snowden có quyền nói chuyện với bất cứ ai - được tự do hợp tác với Đức về những thông tin cáo buộc NSA đã nghe trộm các cuộc điện đàm của Thủ tướng Angela Merkel. Trước đó (1/11), Edward Snowden đã kêu gọi sự khoan hồng của Mỹ, đồng thời yêu cầu sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế nhằm thuyết phục Mỹ khoan hồng cho mình. Edward Snowden muốn điều trần trước Quốc hội Mỹ về các hoạt động do thám của NSA. Nhưng trong tuyên bố hôm 1/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jen Psaki khẳng định, Mỹ không thay đổi lập trường trong vấn đề này.

Theo giới truyền thông, sau nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assange, Edward Snowden là người thứ hai nhận được tiền hỗ trợ (gần 50.000USD) từ Quỹ Bảo vệ các nguồn tin báo chí của Anh (JSPDF) cho dù JSPDF mới được thành lập hồi tháng 8/2013. Cách đây ít lâu, JSPDF đã khởi động trang mạng freesnowden is nhằm ủng hộ cựu nhân viên CIA Edward Snowden và tính đến ngày 30/10 đã có 1.165 người quyên góp được 44.916USD. Hãng tin Kyodo News cho hay, năm 2011 NSA từng đề nghị Nhật Bản giúp Mỹ giám sát thông tin cá nhân thông qua e-mail truyền qua đường cáp quang và điện thoại. Việc này chủ yếu do phần lớn đường cáp quang quốc tế của Trung Quốc kết nối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đều đi qua Nhật Bản. Giới chuyên môn cho rằng, vai trò của cáp quang dưới đáy biển tăng nhanh trong thế giới thông tin, nên từ năm 1989 NSA đã thành lập một đội nghiên cứu để lấy cắp thông tin từ cáp quang. Mỹ đã thiết lập căn cứ quân sự ở Guam, Hawaii bởi nhiều tuyến cáp quang xuyên Thái Bình Dương đi qua khu vực này.

Tối 31/10, với 11 phiếu thuận và 4 phiếu chống, Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật tăng cường giám sát các chương trình do thám điện tử tràn lan của Chính phủ Mỹ. Nhưng để chính thức có hiệu lực, dự luật trên phải đưa ra Thượng và Hạ viện để thảo luận và phê chuẩn. Các tập đoàn công nghệ hàng đầu Mỹ cũng đã hối thúc Quốc hội kiểm soát NSA, thông qua việc tăng cường tính minh bạch đối với hoạt động theo dõi của NSA và bảo vệ quyền riêng tư của người dân. Trong bức thư gửi Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, lãnh đạo 6 tập đoàn công nghệ hàng đầu gồm Google, Apple, Microsoft, Facebook, Yahoo và AOL đã ủng hộ việc viện dẫn Đạo luật Tự do nhằm chấm dứt hoạt động thu thập dữ liệu quy mô lớn từ điện thoại của người dân và tăng cường bảo vệ quyền riêng tư của họ. NSA từng bí mật đột nhập vào mạng của Google và Yahoo để ngăn chặn thông tin lưu truyền giữa các trung tâm dữ liệu của 2 tập đoàn này.Hoạt động này được biết đến với tên gọi MUSCULAR, cho phép NSA sao chép toàn bộ dữ liệu.

Việc hàng ngàn người biểu tình tại thủ đô Washington, Mỹ yêu cầu sửa đổi đạo luật Giám sát Tình báo nước ngoài (FISA) cho thấy, nghe lén vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi tại Mỹ. Hơn 3 năm trước (28/9/2010), khi đạo luật FISA được Nhà Trắng chỉnh sửa để trình lưỡng viện thông qua, vấn đề này từng gây xôn xao dư luận Mỹ vì Tổng thống Barack Obama quyết định mở rộng chủ đề nhạy cảm kể trên. Đạo luật FISA được ban hành dưới thời cựu Tổng thống George W.Bush cho dù trước đó (năm 1978), một đạo luật về theo dõi tình báo nước ngoài của Mỹ từng được ban hành nhưng chỉ cho phép nghe lén điện thoại trong nước Mỹ vì lý do an ninh. Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện (cơ quan chịu trách nhiệm giám sát mọi hành vi lạm dụng có thể có của chính phủ) từng thừa nhận: có thể một số công dân Mỹ sẽ tình cờ bị theo dõi sau khi đạo luật FISA chính thức được thông qua.

Theo tài liệu nội bộ của NSA được công bố trên tờ Guardian, một quan chức cấp cao Mỹ đã chuyển cho NSA "200 số điện thoại, trong đó có số của 35 nhà lãnh đạo trên thế giới". Trong khi đó, Cơ quan Tình báo An ninh Quốc gia Australia (Asio) đang siết chặt việc đánh giá nhân viên được cấp quyền truy xuất tài liệu mật, nhằm ngăn chặn tình huống tương tự như Edward Snowden. Tổng thống Ecuador Rafael Correa một lần nữa lên tiếng khẳng định (29-10): sẽ cho cựu nhân viên CIA được tỵ nạn chính trị nếu nhận được yêu cầu từ Edward Snowden.

Đông Ngàn - Từ Sơn