Còn lại gì sau các Hiệp định thương mại tự do?
Không gian bị thu hẹp
Tháng 5 vừa qua được xem là một trong những thời điểm nóng nhất từ trước đến nay trong lịch sử hội nhập các FTA. Đầu tháng chúng ta ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, cuối tháng chúng ta có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu và trong cả tháng là những đàm phán hết sức căng thẳng của Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP. Tính đến nay, sau khi tham gia WTO và các FTA, thì chúng ta đã ký 10 FTA, trong đó có 8 hiệp định đang thực thi.
Với những cam kết trong đó, không gian chính sách để Chính phủ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đã bị giới hạn khá nhiều bởi các chính sách đưa ra không được trái với những điều đã ký kết. Đây cũng là chủ đề được đưa ra thảo luận tại hội thảo “Không gian chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế - Còn lại gì sau các FTA” do Trung tâm WTO – VCCI tổ chức tại TP HCM ngày 1-6.
Như chúng ta biết thì WTO và các FTA đang thực hiện chủ yếu tập trung vào 4 lĩnh vực chính là: thương mại dịch vụ, thương mại hàng hoá, đầu tư và sở hữu trí tuệ. Ít nhất trong 4 lĩnh vực này chính sách của ta đã bị hạn chế. Tuy nhiên, với các FTA thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU hay TPP thì nó không chỉ bao gồm 4 vấn đề trên mà còn có những vấn đề mới liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm chính phủ, lao động, môi trường,… nên không gian lại càng hẹp hơn sau các cam kết ngày càng nhiều.
Các doanh nghiệp và chuyên gia thảo luận về không gian chính sách còn lại sau các FTA
Cụ thể, công cụ về thuế quan khó có thể sử dụng trong tương lai do các cam kết loại bỏ thuế xuống 0% cho phần lớn các loại hàng hóa. Trong WTO thì công cụ thuế vẫn còn vì cam kết của WTO không phải là loại bỏ thuế mà chỉ là giảm thuế. Nhưng với các FTA thì tính đến nay chúng ta đã cam kết với khoảng 20 đối tác về việc loại bỏ thuế đến 0%. Với các nước ASEAN trong AFTA thì lộ trình này đến khoảng năm 2018, với các nước khác như: Australia, Newzealand thì đến khoảng năm 2026. Sắp tới đây, khi chúng ta ký TPP với 11 nước, ký với EU là 28 nước thì sẽ có tổng cộng khoảng 50 đối tác chúng ta cam kết loại bỏ thuế quan. Đây là những đối tác mà ta đang có hoạt động thương mại nên việc loại bỏ hàng rào thuế quan sẽ đem lại thách thức lớn cho cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO – VCCI dẫn chứng, trong ngành dịch vụ, nếu đàm phán WTO là theo kiểu chọn cho, có nghĩa là trong danh sách khoảng 55 phân ngành dịch vụ ta chọn ra một số phân ngành để mở cửa mà thôi thì với TPP đàm phán ngược lại theo kiểu chọn bỏ. Tức là chỉ chọn những lĩnh vực nào giữ lại để đặt điều kiện, còn lại là mở cửa hoàn toàn. Danh sách mở cửa trước đây là danh sách đóng trở thành danh sách mở dẫn đến không gian còn lại để bảo vệ ngành dịch vụ là không nhiều. Đồng thời, các nhà đầu tư nước ngoài họ có quyền kiện Nhà nước ta ra các toà án quốc tế khi họ thấy chúng ta thực hiện không đúng cam kết theo các FTA. Như vậy, dẫn đến các chính sách còn có thể bị hạn chế một cách vô hình bởi lo ngại sẽ phạm vào những điều đã ký kết.
Như vậy, theo cam kết trong các FTA nhìn chung chúng ta bị giới hạn rất nhiều trong việc đưa ra các biện pháp để bảo vệ doanh nghiệp và hàng hóa trong nước, đối phó với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Hiện nay, chúng ta chỉ còn có thể sử dụng các biện pháp về hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng vệ thương mại chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ… nhưng đáng tiếc là cho đến nay, chúng ta hầu như chưa tận dụng được gì từ các biện pháp này.
Nhiều điều đáng tiếc!
Bà Nguyễn Thị Thu Trang nhận định: “Việc thực hiện các FTA thời gian qua đã cho thấy còn nhiều điều đáng tiếc. Câu chuyện trong ngành thực phẩm là một ví dụ khi chúng ta có nhiều không gian cho các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nhưng lại tự nguyện cắt giảm đi. Cụ thể là việc chúng ta có quyền được bảo vệ bằng thuế quan 10 năm nhưng chúng ta đã tự nguyện mở cửa, cắt giảm thuế nhiều và sớm hơn lộ trình”.
Ngành điện tử được tập trung nhiều chính sách ưu tiên phát triển
Nói về ngành điện tử, ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay, ngành điện tử là ngành có nhiều lợi thế, tập trung nhiều chính sách hỗ trợ phát triển so với các ngành khác bởi đây là ngành được định hướng là mũi nhọn của nền kinh tế. Nhưng các chính sách hỗ trợ đưa ra phần lớn là chính sách chung cho tất cả các doanh nghiệp chứ không riêng cho doanh nghiệp nội địa. Trong khi đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong ngành này chiếm đến 95%. Như vậy dường như các chính sách của ta đang hỗ trợ ngược cho các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này cũng cho thấy sự đáng tiếc trong định hướng phát triển của chúng ta ở ngành này là chỉ hướng đến có một ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam, muốn có những doanh nghiệp và những sản phẩm điện tử sản xuất ở Việt Nam chứ không cần phải là do người Việt Nam sản xuất. Tức là cần những sản phẩm “made in Vietnam” chứ chưa quan tâm đến “made by Vietnam”. Kết quả là sau hơn 20 năm ưu tiên phát triển ngành công nghiệp điện tử vẫn ở giai đoạn lắp ráp, gia công và đối mặt với nhiều thử thách.
Về câu chuyện hỗ trợ, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề cũng lên tiếng cho rằng, họ cần các chính sách hỗ trợ một cách dài hơi để nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong khi đó các chính sách hỗ trợ hiện nay rất tràn lan. Tức là các biện pháp đa phần chỉ tập trung giải quyết những vấn đề nảy sinh trước mắt, mang tính tình thế. Như khi ngành thủy sản gặp khó khăn thì đưa ra giải pháp hỗ trợ tín dụng, sau đó lại đột ngột cắt đi vì không đủ kinh phí thực hiện. Hay khi Biển Đông “dậy sống” thì ngay lập tức đưa ra các chính sách hỗ trợ ngành đóng tàu;... Và do chính sách hỗ trợ mang tính dàn trải nên ngành nào cũng hỗ trợ dẫn đến không đủ sức.
Trước yêu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp cũng có ý kiến rằng: “Thời điểm hiện nay mà còn yêu cầu hỗ trợ, trợ cấp phát triển là không phù hợp với thực tiễn cạnh tranh toàn cầu”. Tuy nhiên, trên thực tế, với năng lực của nền kinh tế hiện nay, đặc biện là năng lực sản xuất còn yếu, các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ để có thể đứng vững trước làn sóng hội nhập. Đây cũng là điều rất bình thường trên thế giới. Đến nay, không có một nền kinh tế nào lại không áp dụng các biện pháp để thúc đẩy các ngành kinh tế của nước mình phát triển. Vấn đề là làm sao để các biện pháp hỗ trợ đó được thực hiện trong khuôn khổ những gì đã cam kết.
Theo TS. Nguyễn Tiến Hoàng, Đại học Ngoại Thương, doanh nghiệp nước ta đang rất cần hỗ trợ và hỗ trợ một cách lâu dài. Các nước phát triển vẫn đang hỗ trợ cho sản xuất trong nước của họ thì tại sao chúng không làm. Ở Mỹ cơ quan chính phủ mua sắm hàng hoá, dịch vụ thì cũng phải mua của doanh nghiệp Mỹ. Họ cũng có những bảo hộ cho ngành trồng ngô, trồng bông mà khó có doanh nghiệp nước ngoài nào xâm nhập vào được. Hay các nước phát triển áp dụng rất hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ mà hàng hóa xuất khẩu sang đó gặp rất nhiều rào cản.
Có thể thấy, trong khi các doanh nghiệp rất cần những hỗ trợ để hội nhập tốt hơn thì đáng tiếc là hiện nay việc tận dụng phần không gian còn lại sau những cam kết trong các FTA để hỗ trợ cho sản xuất trong nước của ta vẫn chưa được tận dụng hiệu quả, thậm chí là rất ít được sử dụng. Điều này làm tăng thêm thách thức cho các doanh nghiệp khi hàng hóa nước ngoài xâm nhập vào nước ta một cách dễ dàng thì hàng hóa của ta muốn xuất qua nước họ bị rất nhiều các biện pháp phòng vệ hữu hiệu ngăn cản.
Mai Phương
(Năng lượng Mới)
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4
-
Tin tức kinh tế ngày 18/4: Thương mại Việt Nam - Lào lập kỷ lục trong quý I/2025