“Con dao hai lưỡi” của truyền hình thực tế

17:00 | 14/04/2014

1,264 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự bùng nổ các chương trình truyền hình thực tế (THTT) mua format nước ngoài vừa góp phần làm sôi động không khí các chương trình truyền hình nhưng mặt khác nó cũng góp phần “giết chết” đời sống nghệ thuật hiện tại.

Thí sinh Nhật Thủy của chương trình Vietnam idol

Khoảng 5 năm trở lại đây, chương trình THTT bắt đầu thay thế các chương trình nghệ thuật, giải trí khác cũng như chiếm lĩnh trên các sóng giờ vàng của đài truyền hình quốc gia.

Theo thống kê, 2014 là năm bùng nổ thật sự của các show THTT với tổng cộng 17 chương trình được phát sóng, năm 2013 là 16 chương trình. Và hầu hết trong số đó là các cuộc thi được mua format nước ngoài, là những chương trình đã ăn khách nhiều nước trên thế giới.  

Khoảng 10 năm trước, gameshow bắt đầu một đợt bùng nổ, đó là: SV96, Trò chơi thi đấu liên tỉnh, Ở nhà chủ nhật, Hành trình văn hóa, Hành khách cuối cùng… Tuy nhiên không lâu sau đó các gameshow gần như rơi vào tình trạng “hấp hối” trước sức ép của THTT và sau đó là nhường vị trí thống lĩnh lại cho THTT.

Phải thừa nhận rằng THTT cũng có độ hấp dẫn riêng của nó, đặc biệt là tính tương tác với khán giả. Người xem THTT có thể thể hiện quyền lực của mình trong chuyện quyết định kẻ thắng người thua bằng những tin nhắn bình chọn. Ngoài ra đó còn là sự gần gũi, chân thật hơn giữa chương trình THTT với khán giả.

Nhưng, dễ thấy một điều là hầu hết những chương trình THTT đình đám trên sóng truyền hình hiện tại đều là những chương trình được các công ty truyền thông tư nhân như Cát Tiên Sa, BHD, Đông Tây, Thanh Niên… mua bản quyền nước ngoài về thực hiện. Và khi đó, người nắm giữ quyền hành với các chương trình này là những công ty tư nhân chứ không phải là đài truyền hình quốc gia. Trong đó, Cát Tiên Sa được gọi là một “ông trùm” khi sở hữu bản quyền hàng loạt các chương trình ăn khách nhất.

Bộ tứ giám khảo của The X-Factor Việt Nam

Cái giá của việc công ty tư nhân bỏ ra cả núi tiền để đầu tư thực hiện các chương trình THTT là việc chạy đua theo rating, là lợi nhuận từ tài trợ, quảng cáo. Và để giành chiến thắng trong cuộc đua này, nhà sản xuất đã chọn giải pháp là những chiêu trò, scandal.

Từ những ồn ào đơn giản xuất phát từ tranh cãi giữa người chơi, giám khảo với nhau thì bây giờ scandal của THTT bắt đầu nâng lên bằng những chiêu trò dàn dựng, dàn xếp kết quả, lừa dối công chúng một cách trắng trợn.

Các chương trình THTT dần dần không còn giá trị văn hóa giải trí; thay vì mang lại những cuộc thi thố gay cấn, hấp dẫn bằng chất lượng người chơi, nội dung phong phú thì THTT đơn giản chỉ là cuộc đua lợi nhuận của những nhà sản xuất với nhau. Và khi đó, những scandal về sự dối trá tràn ngập trong các chương trình THTT. Chưa kể, tuy số lượng nhiều nhưng nội dung của nhiều chương trình THTT gần như tương tự nhau, dẫn đến sự bội thực, nhàm chán với người xem.

Anh Thúy giả mạo thành Huyền Minh sau chiếc mặt nạ

Mặt khác, THTT bùng nổ làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nghệ thuật và người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ không mặn mà cho ra những sản phẩm âm nhạc nữa bởi tâm lý sợ bị sự ồn ào từ các scandal của THTT cuốn trôi.

Sức hút quá mạnh của THTT làm các sô diễn hạn chế dần dần, ảnh hưởng đến hoạt động biểu diễn của người nghệ sĩ. Rồi các nghệ sĩ đổ sô làm HLV, khách mời và thậm chí còn tham gia với tư cách là những thí sinh, như trong các gameshow Cặp đôi hoàn hảo, Bước nhảy hoàn vũ... Mà khi nghệ sĩ tham gia một chương trình thì mất vài tháng, sau đó lại nhảy sang chương trình khác, họ không có thời gian đầu tư những sản phẩm nghệ thuật cho riêng mình!

Như trường hợp ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vừa kết thúc vai trò ngồi “ghế nóng” The Voice - Giọng hát Việt thì đã có mặt làm giám khảo chương trình The X-Factor - Nhân tố bí ẩn. Ca sĩ Hồ Ngọc Hà cũng trở nên đắt sô vai trò giám khảo, sau Giọng hát Việt là Nhân tố bí ẩn. Rồi ca sĩ Mỹ Tâm, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhiều năm làm giám khảo của Vietnam Idol. 

Ngoài ra, các chương trình THTT càng nhiều thì ngược lại càng ít xuất hiện những gương mặt ca sĩ đi lên từ sản phẩm âm nhạc, họ chỉ cần tham gia một cuộc thi là có thể nổi tiếng ngang với sự cố gắng nhiều năm bằng thực lực của những ca sĩ đi trước. Nhưng sự nổi tiếng của những gương mặt bước ra từ các cuộc thi này chỉ là ảo, họ nhanh chóng rơi vào quên lãng! Đó cũng là thực trạng không mấy hay ho!

Đàm Vĩnh Hưng xuất hiện trên nhiều chương trình THTT (Ảnh: Giám khảo The X-Factor VN)

Chuyện du nhập của các chương trình THTT có format nước ngoài vào thị trường Việt Nam là một xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập, phát triển. Song, để nó bùng nổ và chiếm lĩnh trên sóng truyền hình quốc gia, lấn át các chương trình văn hóa, giải trí thuần Việt khác là một thực trạng đáng báo động.

Chuyện của con ốc bươu vàng, con rùa tai đỏ… là những động vật ngoại lai đã nhanh chóng phổ biến trong môi trường tự nhiên của Việt Nam, trở thành thảm họa của môi trường. Những chương trình THTT mua format nước ngoài có vẻ cũng tương tự, nó đang được nuôi dưỡng tốt trong môi trường truyền hình ăn xổi đã nhanh chóng phát triển thành một trào lưu và gây ảnh hưởng đến môi trường văn hóa giải trí nước ta.

Đề giải quyết vấn đề này cần có sự ra tay của cơ quan quản lý cấp phép thực hiện và đài truyền hình đang phát sóng những chương trình đó!  

Lê Vân