“Coi thường di sản sẽ phải trả giá”

11:02 | 24/04/2013

1,301 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thời gian gần đây, những vụ vi phạm, xâm hại di sản, di tích văn hóa liên tiếp diễn ra khiến “chuông báo động” về tình trạng coi thường giá trị, tầm quan trọng của một di sản văn hóa đã được xếp hạng rung lên không ngừng. Chùa Trăm Gian có tuổi thọ cả nghìn năm bị xây mới, tượng trong chùa bị sơn móng tay đỏ, khu vực lõi của di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận - thánh địa Mỹ Sơn cũng bị trùng tu một cách vô lối... Di tích và di sản bỗng nhiên phải mang những vết sẹo do tu bổ một cách không đáng có và chuyện lấy lại tình trạng ban đầu chỉ là “chuyện không tưởng”…

Những vi phạm nghiêm trọng

Những ngày này, dư luận xã hội trong nước xôn xao với những thông tin về dự án xây dựng cầu vượt tại ngã năm Ô Chợ Dừa sẽ đi qua khu vực di tích cấp quốc gia Đàn Xã Tắc. Một lần nữa, người ta lại giật mình nhìn lại câu chuyện đập bỏ ngôi chùa Trăm Gian để xây mới, trong dịp cuối năm trước. Các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà khoa học, các nhà quản lý và người dân như bị dội một gáo nước lạnh khi “phát hiện” chùa Trăm Gian có tuổi thọ cả nghìn năm đã bị xây mới hoàn toàn. Khi mà công trình chuẩn bị đến giai đoạn hoàn thiện thì khi ấy cơ quan chức năng từ thôn, xã, huyện, thành phố, Trung ương mới “ngã ngửa” trước những bức tranh tượng cổ được sơn công nghiệp; bệ tượng được xây mới, ban thờ bằng ximăng, gạch nền ốp lát các màu xanh đỏ; kèo cột ở các dãy hành lang được đánh bóng bằng vécni, những nét kiến trúc chạm trổ có giá trị văn hóa và lịch sử của nhà tổ, gác khánh hoàn toàn biến mất.

TS Đặng Văn Bài - nguyên Cục trưởng Cục Di sản Việt Nam

Và đầu tháng 4/2013, không ít người choáng váng trước thông tin khu vực lõi của thánh địa Mỹ Sơn - di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận bỗng bị san lấp mặt bằng ồ ạt, san lấp dòng suối cổ, chặt cây cỏ trong khu di tích và đặc biệt là làm bờ kè dòng suối bằng bê tông ngay trong khu di tích cổ. Những hành động vi phạm di sản này được biện minh bởi lý do: Lòng suối cổ Khe Thẻ Mỹ Sơn đang có nguy cơ bị xói mòn và tiến dần vào khu tháp, lũ tiểu mãn sắp về có thể làm ảnh hưởng tới di tích mà đặc biệt là tháp B3 khi hiện tại đã nghiêng 15o nên việc xây dựng bờ kè chắn trên suối Khe Thẻ là vô cùng cấp thiết, có thể “tiền trảm hậu tấu” - theo lý lẽ của Ban Quản lý quần thể di sản.

Trao đổi với PV Báo Năng lượng Mới, TS Đặng Văn Bài - nguyên Cục trưởng Cục Di sản nhắc đến vụ việc xâm phạm di sản Mỹ Sơn như một ví dụ điển hình: “Vấn đề ở đây là mọi việc làm có liên quan đến di tích đều phải làm theo luật, không thể bỏ qua các trình tự thủ tục bởi đối với một di sản lớn, mang tầm cỡ thế giới nếu không làm theo trình tự thì rất dễ xảy ra tình trạng cải tạo di tích mà không có cơ sở khoa học và cách làm không đúng với chuyên môn.

Trong Luật Di sản, xây dựng bất kỳ một công trình gì với mục đích gì ở vùng lõi của di tích thì phải xây dựng dự án được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt đây là di sản văn hóa thế giới, chúng ta còn phải thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ với UNESCO”. TS Đặng Văn Bài cho rằng, việc làm này cần phải được xử lý nghiêm, lấy lại quyền quản lý của cấp nào không làm đúng trách nhiệm, bởi hành động này một lúc vi phạm Luật Di sản Văn hóa Việt Nam và Công ước quốc tế về bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới. Không chỉ dư luận Việt Nam lên tiếng, có những phản ứng gay gắt trước việc di sản bị xâm hại nghiêm trọng ở ngay khu vực lõi mà Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO chắc chắn sẽ chất vấn, khảo sát điều tra về vấn đề này. Và hình ảnh Việt Nam trong mắt thế giới sẽ xấu đi.

Thiếu hiểu biết và sự hạn chế về ý thức bảo vệ

Sau bài học đau xót về “xây mới để trùng tu” ở chùa Trăm Gian, một lần nữa di sản văn hóa lại đang “kêu cứu”. Việc ngang nhiên và công khai trùng tu, hiện đại hóa, bê tông hóa khu vực lõi của di sản ở khu vực tháp Mỹ Sơn đã gióng lên hồi chuông báo động. Đây không phải là lần đầu tiên ý thức bảo tồn và gìn giữ di sản của chúng ta thể hiện sự kém cỏi và vô trách nhiệm đến thế. Khi “mọi việc đã rồi” thì các nhà quản lý mới vào cuộc, mới lên tiếng bào chữa, còn các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học thì xót xa, bất lực. Bởi câu cửa miệng “làm sai thì phải sửa” không áp dụng được với di tích, di sản. Đã phá đi thì những giá trị nguyên bản ban đầu sẽ mất luôn mà không thể sửa chữa hay thay thế, vá víu bằng bất cứ thứ gì.

Suối Khe Thẻ giữa lòng Di sản Mỹ Sơn bị bê tông hóa

Ý thức bảo vệ di sản, di tích còn thể hiện văn hóa của người Việt, sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng cộng với sự vô trách nhiệm ở các cấp, tự ý thực hiện các hoạt động tu bổ một cách thiếu kiến thức chuyên môn đối với những công trình văn hóa mang tính quốc gia, thậm chí coi thường cả công trình có giá trị tầm cỡ thế giới. Điều đáng buồn nhất, đó là ý thức bảo vệ của những người trong cuộc - vốn đã có thời gian gắn bó với chính di sản, di tích đó. Người dân ở gần chùa Trăm Gian còn khoe rằng: “Di tích còn tốt, gỗ lạt còn tốt, nhiều cái không cần thay, cứ để vậy thì còn lâu mới hỏng, nhưng có điều kiện thì tổ chức dỡ ra, thay mới toàn bộ cho nó bền. Không lấy lại một cái cấu kiện cũ nào cả. Thay tất!”. Hay việc “xâm hại khu vực lõi của di sản thế giới” ở Mỹ Sơn lại được cho là việc làm cấp bách ứng phó với sự ảnh hưởng của “thiên nhiên” và có thể “tiền trảm hậu tấu”(!?).

Phải chăng những người trong Ban Quản lý di tích, di sản thiếu hiểu biết đến thế? Trong khi ý thức phải bảo vệ nguyên vẹn giá trị ban đầu của di sản, di tích phải luôn là yếu tố được những người đảm nhiệm trọng trách quản lý đặt lên hàng đầu khi đứng trước những giá trị văn hóa có tầm cỡ quốc gia, thế giới. Như GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã chỉ ra: “Việc chùa Trăm Gian bị hủy hoại có một phần trách nhiệm rất lớn của Ban Quản lý di tích này. Vì họ đã không hoàn thành nhiệm vụ được Luật Di sản văn hóa quy định. Đây là việc làm thật hiếm có và rất đáng kinh ngạc, cần phải phê phán mạnh mẽ!”.

Còn về dự án xây dựng cầu vượt ở ngã năm Ô Chợ Dừa đang được dư luận quan tâm, rất nhiều nhà khoa học đã sớm lên tiếng phản đối việc này. GS Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa lo ngại trước việc xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc có thể bị coi là việc “vượt lên đầu tổ tiên”, “Đàn Xã Tắc là để thờ trời đất, xây cây cầu cao hơn trời đất là điều không nên làm”. Tuy nhiên việc xây dựng cầu vượt này mới chỉ là đề xuất của một cơ quan chức năng, các cơ quan có thẩm quyền như Sở VH-TT&DL Hà Nội, Cục Di sản văn hóa, Ban Quản lý di tích Hà Nội và Ban Quản lý các dự án trọng điểm giao thông đô thị Hà Nội còn phải tiến hành thẩm định, cùng ngồi lại tìm ra phương án tối ưu nhất để có thể “vừa bảo tồn di tích lại vừa phát triển được giao thông đô thị Hà Nội”.

Không biết sau bài học về bảo tồn các di tích, di sản các cơ quan có thẩm quyền sẽ cẩn thận hơn, có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ di tích, di sản hay không? Để kết bài này, tôi lấy lời phát biểu với báo giới của ông Phan Đình Tân - người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL: “Quan điểm của Bộ là phải bảo tồn di tích. Phát triển phải đi đôi với bảo tồn thì mới đảm bảo với tiêu chí phát triển bền vững. Nếu phát triển bằng mọi giá thì sau này cũng sẽ phải trả giá”.

Thanh Huyền