Có tội với trẻ

06:46 | 03/07/2013

635 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tâm lý của nhiều phụ huynh vẫn mong cho con cháu mình học hành “bằng anh bằng em” nên cũng muốn cho các cháu học thêm chương trình lớp 1 khi còn ở lớp mẫu giáo.

Dương Tâm (NLM số 235)

Khi ra chỉ thị cấm giáo viên dạy các cháu mẫu giáo học trước chương trình lớp 1, Bộ GD&ĐT khẳng định, dạy học trước chương trình lớp 1 là phản khoa học vì sẽ làm trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào lớp 1, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ, nhất là khi người dạy có phương pháp sư phạm không tốt. Trong chỉ thị này, Bộ GD&ĐT còn nhấn mạnh: tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 1, nghiêm cấm việc yêu cầu học sinh làm các bài tập hoặc thực hiện các hoạt động vượt quá yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng; đặc biệt, giáo viên không được có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào.

Có thể đánh giá cao chỉ thị này của ngành giáo dục, bởi có nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ từ phía phụ huynh. Đã hàng chục năm nay, rất nhiều địa phương, nhất là khu vực thành phố, phong trào cho các cháu mẫu giáo học trước chương trình lớp 1 đã gây nhiều tranh cãi và bức xúc. Nhưng ngành giáo dục chưa có biện pháp mạnh để ngăn chặn phong trào tự phát này. Nhiều phụ huynh cũng không muốn cho con chịu sức ép về học chữ nên không muốn cho con đi học. Nhưng khi vào lớp 1, các cháu không đi học trước đã chịu hậu quả xấu từ phía nhà trường, không theo kịp được chương trình, bị cô giáo chê dốt, chậm tiến. Như vậy, ngay từ khi chập chững đi học chữ ở lớp học đầu đời, tâm lý trẻ đã thiếu tự tin và hoang mang; bố mẹ cũng lo lắng.

Tạo sự hứng thú cho trẻ vào lớp 1

Dưới đây là tâm sự của một số phụ huynh:

Một chị cho biết: “Tôi có 2 cháu. Ngày cháu đầu vào lớp 1, tôi định cho đi học trước, nhưng chồng tôi nói: “Em cứ lo làm gì, anh thấy thời nay có ai là không biết đọc biết viết đâu nào, ở nông thôn không có dạy trước, sao các cháu vẫn học giỏi”. Thấy chồng nói có lý nên tôi cũng không cho đi học trước, kết quả là cháu học kém các bạn cùng lớp nhiều. Thì ra trên lớp, khi cô dạy, nếu các em đều biết và nắm được bài rồi, cô dành thời gian làm việc riêng (do các cháu đều học từ trước cả). Tôi phải nhờ riêng một cô kèm cháu ngoài giờ trong học kỳ 1, kết quả là cháu đã theo kịp các bạn và học rất khá. Hoan nghênh Bộ GD&ĐT, đề nghị kiểm tra gắt gao các trường khi vào dạy chính thức, yêu cầu cô giáo phải dạy đúng theo quy chuẩn của Bộ”.

Một phụ huynh khác phân tích: “Nên cấm dạy thêm, học thêm dưới mọi hình thức. Điều đó thật quan trọng. Theo tôi, dạy thêm làm cho con người ta lười đi, tạo sự chủ quan, ỉ lại, ít sáng tạo hơn. Khi các kiến thức đã được học thêm, lên lớp giáo viên rất khó dạy, học sinh lại ít hứng thú vì kiến thức đã biết, ít sáng tạo. Về phía giáo viên thì không đầu tư cho tiết dạy trên lớp”.

Và một ý kiến nữa: “Tôi không có cảm tình với các cô giáo trường cháu đang học vì khi con tôi vào lớp 1, các cô chê bai và nói tôi không quan tâm đến cháu do không cho cháu đi học trước. Để chứng minh cho điều đó, con tôi luôn bị điểm không đúng với sức học. Các cô giáo còn có suy nghĩ như thế thì ai dám để con ở nhà vì không biết đọc, biết viết và biết tính toán cơ bản khi vào lớp 1 sẽ bị cô giáo xếp vào top học sinh dốt của lớp ngay”.

Các phụ huynh cũng mong muốn rằng, chỉ thị này cần được thực hiện nghiêm đối với các trường mầm non trên cả nước, tạo sự thống nhất trong giáo dục và sự đồng thuận của toàn dân. Như vậy, ra chỉ thị rồi nhưng Bộ GD&ĐT lại cần phải có hướng dẫn và những quy chế kèm theo thật cụ thể mới mong triển khai có hiệu quả. Bởi đã thành lệ từ lâu là chỉ thị ban hành nhưng không có hướng dẫn cụ thể thì cấp dưới vẫn “phá rào”, lén lút làm trái ý cấp trên. Dư luận đánh giá chỉ thị lần này của Bộ là “mạnh tay” đấy nhưng nó chỉ mạnh khi có quy chế xử phạt thật thích đáng đối với người vi phạm. Và khi có quy chế phạt rồi thì lại phải có lực lượng kiểm tra, giám sát thường xuyên. Phát hiện kịp thời, xử phạt thích đáng thì trường nào, giáo viên nào vi phạm sẽ bị kỷ luật và có tác dụng răn đe đối với toàn ngành. Đồng thời, các trường mầm non, mẫu giáo trong cả nước cũng phải tích cực hưởng ứng, ủng hộ chỉ thị này của Bộ GD&ĐT. Cơ quan chức năng quản lý giáo dục là lực lượng trực tiếp quản lý và giám sát việc thực hiện chỉ thị này. Các nhà trường phải triển khai việc phổ biến nội dung chỉ thị đến từng giáo viên. Và một việc nữa không thể thiếu là ngành giáo dục phải chú trọng việc tuyên truyền rộng rãi chỉ thị trên các phương tiện truyền thông đại chúng để nhân dân nắm được và cùng ngành giáo dục giám sát việc thực hiện của các nhà trường.

Tâm lý của nhiều phụ huynh vẫn mong cho con cháu mình học hành “bằng anh bằng em” nên cũng muốn cho các cháu học thêm chương trình lớp 1 khi còn ở lớp mẫu giáo. Vì vậy, một số người cũng nuối tiếc và chưa đồng thuận với chỉ thị nói trên. Nhưng vì sự nghiệp đổi mới ngành giáo dục, mỗi người hãy cùng ngành giáo dục gỡ rối cho những gì đang còn bất hợp lý bấy lâu nay và nghiêm chỉnh thực hiện chỉ thị này. Có như thế mới không mang tội với trẻ.

D.T